Kỷ niệm 76 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023)

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc: Người cộng sản kiên trung, nhà tình báo kiệt xuất

LTS - Trong suốt chặng đường gần 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngành Tình báo Quốc phòng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Kỷ niệm tròn 100 năm Ngày sinh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc/Hoàng Minh Đạo (4/8/1923-4/8/2023), Nhân Dân cuối tuần xin trân trọng giới thiệu bài viết về nhà tình báo kiệt xuất, người đặt nền móng cho ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Hoàng Minh Đạo và vợ Hoàng Minh Phụng cùng con gái Minh Vân tại chiến khu Việt Bắc, Đại Từ, Thái Nguyên, năm 1947. Ảnh tư liệu
Đồng chí Hoàng Minh Đạo và vợ Hoàng Minh Phụng cùng con gái Minh Vân tại chiến khu Việt Bắc, Đại Từ, Thái Nguyên, năm 1947. Ảnh tư liệu

Lập tuyến đường ngoại giao quốc tế ZT đầu tiên

Là người con sinh ra và lớn lên ở huyện Móng Cái, tỉnh Hải Ninh (nay là xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) - một vùng đất biên giới, cửa ngõ tuyến đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, nên cậu bé Đào Phúc Lộc lúc đó rất thông thạo địa bàn và quen với vùng sông nước. Năm 13 tuổi, ông được đảm nhận công tác giao thông liên lạc, chăm sóc và bảo vệ đồng chí Tô Hiệu (Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Khu ủy B). Cũng chính đồng chí Tô Hiệu đã kết nạp Đào Phúc Lộc vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 16 tuổi. Tố chất thông minh, trong nhiều năm (từ 1936-1945), Đào Phúc Lộc đã xây dựng con đường giao liên, vận chuyển các tài liệu quan trọng, chỉ thị của Đảng một cách xuất sắc qua ngả Trung Quốc, Hải Phòng, Hà Nội và lên tận nhà tù Phương Lâm, Hòa Bình.

Tháng 2/1945, Đào Phúc Lộc được giao nhiệm vụ tổ chức và trực tiếp dẫn đường, đưa đoàn đại biểu Tổng bộ Việt Minh, gồm có đồng chí Hoàng Quốc Việt đóng vai một nhà tư sản, cùng các đồng chí Đặng Việt Châu, Dương Đức Hiền, Phạm Văn Bình và Nguyễn Thượng Biểu, khởi hành từ Hải Phòng, bằng đường biển với mật hiệu là ZT để sang Đông Hưng, Trung Quốc gặp Tướng Trương Phát Khuê (Tư lệnh Đệ tứ Chiến khu) tại Bách Sắc (nơi Chính quyền Trung Hoa Dân quốc đóng năm 1944-1945). Đào Phúc Lộc đã lựa chọn những chiến sĩ trung thành, có sức khỏe, quen nghề đi biển, cùng mình cải trang thành dân buôn, dùng thuyền đánh cá vượt qua các điểm chốt quan trọng ở các vọng gác biên giới; đồng thời mưu trí qua mặt được tàu tuần tiễu của địch, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đoàn. Nhiều lần thuyền của Đào Phúc Lộc bị phát hiện nhưng nhờ "nghệ thuật cải trang" mà đồng chí đã thoát được tàu tuần tra của giặc.

Trong chuyến ngoại giao này, Đảng ta đã nắm bắt được ý đồ của chính quyền Quốc Dân Đảng và thành công trong việc đưa Tướng Trương Phát Khuê vào tình thế chấp nhận hợp tác với Việt Minh trong lúc thế nước của phía ta còn rất chông chênh. Đào Phúc Lộc góp phần làm nên thành công bước đầu, tạo uy tín cho tổ chức.

Giải thoát cho 30 người trong Ðội vũ trang tuyên truyền Việt Minh

Tháng 6/1945, Đội vũ trang này được lệnh xuất phát từ Trà Cổ lên đường đi Ba Chẽ để lập căn cứ mới. Chẳng may khi thuyền vừa tới nơi, thì bị phục kích bởi cánh quân của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Bọn phản động tước vũ khí và giam lỏng các chiến sĩ ở Ba Chẽ (Quảng Ninh), dưới sự giám sát của một trung đội hiến binh. May sao, lúc đó Đào Phúc Lộc xuất hiện, đầu đội cái nón mê rung rúc, ăn mặc giống hệt một anh thuyền chài, quần ống thấp ống cao, áo nâu mầu vỏ sú, lưng đeo giỏ với vài con cua, và trên tay cũng xách một dây cua. Có người trong Đội nhận ra anh, đánh lừa cảnh giác của địch nên đã dõng dạc kêu to: "Nào mang cua lại đây, chúng tôi mua",… Khi tiếp cận được mọi người, Đào Phúc Lộc đã hiến kế cho các đội viên chạy trốn. Cứ ba người một tốp rút ra, trong khi những tốp đi sau phải mưu trí đánh lạc hướng bọn hiến binh Việt Cách. Bằng cách này, Đào Phúc Lộc đã giải cứu thành công các chiến sĩ cách mạng mà không cần phải nổ súng.

Người chỉ huy đầu tiên của ngành Tình báo Quốc phòng

Đầu năm 1948, đồng chí Đào Phúc Lộc khi ấy lấy bí danh là Hoàng Minh Đạo nhận được lệnh điều động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hoàng Văn Thái cử vào nam với nhiệm vụ là Đặc phái viên của Bộ Tổng Tham mưu đi kiểm tra tình hình, công tác phản gián, tình báo, quân báo từ Khu IV vào đến Nam Bộ. Nhiệm vụ được giao lúc này vô cùng nặng nề, đó là rà soát lại toàn bộ công tác tổ chức về quân sự, quân báo, tình báo, dân quân; nhận sự bàn giao phụ trách Phòng Mật vụ Nam Bộ (tức Phòng Tình báo) do kỹ sư Phạm Ngọc Thảo đang phụ trách. Nhiệm vụ chủ yếu của Phòng Mật vụ là bố trí người vào công tác nội thành, hoạt động trong lòng địch,... và nhiệm vụ quan trọng hơn nữa của đồng chí Hoàng Minh Đạo là sắp xếp lại tổ chức trong ngành tình báo, thống nhất từ Trung ương Bộ Tổng Tham mưu đến các địa phương.

Quá trình vào Nam, Hoàng Minh Đạo đã tổ chức nhiều lớp học ngắn hạn để bổ sung lực lượng cho ngành tình báo quân sự Việt Nam. Tại Quân khu V, ông mở lớp học đào tạo cán bộ tình báo, quân báo bao gồm các cán bộ của Quảng Nam-Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết, Bình Thuận... Lớp học khoảng 40 người, toàn bộ là các trưởng ban, tiểu ban, hoặc trợ lý tham mưu của quân khu. Đây là lớp học đầu tiên chính quy do đặc phái viên của Bộ Tổng Tham mưu vào mở. Đồng chí Hoàng Minh Đạo soạn thảo mười mấy bài giảng, mỗi bài giảng là một nội dung thiết thực nhằm phục vụ cho nghiệp vụ của ngành: tổ chức hoạt động nội thành, nghiên cứu tình hình địch, tổ chức mạng lưới cơ sở, cài người vào hàng ngũ địch, hệ thống giao liên, liên lạc, thông tin...

Ở chiến trường miền nam khói lửa, đồng chí Hoàng Minh Đạo tổ chức nhiều cuộc họp lớn nhỏ với trưởng ban quân báo các quân khu, các tiểu ban để đi đến quyết định tổ chức của ngành được thống nhất, có tính hệ thống chính quy từ Trung ương đến quân khu, địa phương và ngược lại. Lúc đầu không phải tất cả các ý kiến đều thống nhất, nhưng với sự thuyết phục khéo léo và những kiến thức tình báo uyên bác của mình, đồng chí Đạo đã thuyết phục được mọi người trong cuộc họp cùng ngồi bàn bạc, họ còn đặt tên thân mật cho đồng chí là Anh Năm.

"Nắm thắt lưng địch mà đánh"

Trong những năm 1965-1968, Hoàng Minh Đạo nhận lệnh đi tăng cường cho khu vực trọng điểm Sài Gòn-Gia Định, đồng chí giữ chức Ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu V. Thời điểm đó, chiến tranh diễn ra rất ác liệt, thiệt hại về người của ta là rất lớn. Để kịp thời cứu bệnh binh khi không có cơ sở y tế cứu chữa bảo đảm, đồng chí Hoàng Minh Đạo phải nghĩ cách dựa vào dân, ông mạo hiểm xây dựng một Trạm Y tế cấp cứu thương binh ngay trong ruột ấp chiến lược tại xã Đông Tân Hiệp, huyện Dĩ An, tỉnh Biên Hòa (nay là thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Các cán bộ, chiến sĩ bị thương đều theo đường dây bí mật chuyển vào các cơ sở của ta ở Ấp chiến lược để y tá sơ cứu, băng bó vết thương. Bệnh xá đã hoạt động một thời gian dài ngay trong lòng kẻ thù, do được nhân dân che chở nên địch không hề hay biết. Nhờ đó mà hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của ta được cứu sống.

Đặc biệt, năm 1968, để chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, đồng chí Hoàng Minh Đạo đã có quyết định táo bạo khi chọn một số gia đình cách mạng tin cậy ở Bình Phú, Thủ Đức, ngay sát căn cứ Sóng Thần (nơi thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa đóng quân) làm cơ sở bí mật của Sở Chỉ huy Tiền phương Phân khu V. Địch không thể ngờ ta lại gan góc đến vậy. Nhiều gia đình, cơ sở đã đào hầm, làm vách cho các đồng chí hoạt động ở ngay dưới gầm giường. Họ nuôi giấu cán bộ, ngụy trang nhiều bao gạo giả làm bao tránh đạn để tiện cho việc cung cấp lương thực khi cần thiết, nên Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu V của ta hoạt động hiệu quả mà vẫn giữ được bí mật.

Ðêm định mệnh trên dòng sông Vàm Cỏ

Tháng 12/1969, Hoàng Minh Đạo (Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu I) nhận lệnh khẩn về họp, báo cáo công tác của Bộ Tư lệnh tại Trung ương Cục miền Nam. Đoàn chia làm hai nhóm đi ghe trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua tỉnh Tây Ninh.

Đêm Giáng sinh (ngày 24/12/1969), theo sự phân công, thuyền đồng chí Tám Lê Thanh đi trước, sang đến bến bên kia sông thì đến lượt thuyền của đồng chí Hoàng Minh Đạo rời bến. Khi thuyền đồng chí Hoàng Minh Đạo đi được gần hai phần ba quãng đường thì gặp phải ba chiếc giang thuyền của Mỹ không nổ máy, ngụy trang như chiếc bè thả trôi sông. Hoàng Minh Đạo chưa kịp ra lệnh cho mọi người sẵn sàng chiến đấu thì những ngọn đèn pha trên giang thuyền đồng loạt bật sáng soi rõ mọi người trên ghe. Cuộc đụng độ không cân sức giữa hai bên đã xảy ra ác liệt, một trận mưa đạn phủ xuống các ghe của ta, cả ba tàu chiến của Mỹ cùng lúc nhả đạn. Ghe của đồng chí Hoàng Minh Đạo như chiếc lá giữa biển lửa - Ông và đồng đội chống trả quyết liệt, chúng hoảng sợ phải gọi đội cứu trợ trực thăng tiếp viện. Khi đó, một tiếng nổ kèm theo ngọn lửa cao ngất bùng lên, rực cả khúc sông. Ghe thuyền của Hoàng Minh Đạo tròng trành, nổ tung. Những ngày sau đó, Trung ương Cục và mọi người ra sức tìm kiếm nhưng đều vô vọng, ai cũng nghĩ Hoàng Minh Đạo cùng đồng đội đã hòa vào sông nước Vàm Cỏ.

Cuộc hành trình tìm kiếm thi thể liệt sĩ Hoàng Minh Đạo đã kéo dài suốt ba thập niên. Mãi đến năm 1998, chị Đào Thị Minh Vân (con gái đồng chí Hoàng Minh Đạo) và đồng đội mới tìm thấy hài cốt của cha mình tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Lễ truy điệu đồng chí đã được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức long trọng.

Người anh hùng "sinh bắc tử nam" đã chấp nhận hy sinh bản thân, gia đình, để cống hiến toàn bộ tài năng, nhiệt huyết cho Đảng, đất nước, nhân dân Việt Nam. Tên tuổi của ông đã đi vào lịch sử của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Với những thành tích và cống hiến to lớn của mình, đồng chí Đào Phúc Lộc bí danh Hoàng Minh Đạo, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (ngày 10/8/1998) và Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1999). Tên của ông được đặt cho nhiều ngôi trường, con đường, tuyến phố nơi ông sinh ra và hoạt động cách mạng ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và tỉnh Quảng Ninh.