Yêu cầu sống còn để phát triển bền vững

Với mục tiêu tạo ra các giá trị kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP của cả nước, đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách và những người làm thể thao cần thảo luận về cách thức phối hợp đa ngành, những hướng đi mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hành trình phát triển thể thao đỉnh cao Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Lần đầu tổ chức, Giải MMA chuyên nghiệp Lion Championship 2022 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Lần đầu tổ chức, Giải MMA chuyên nghiệp Lion Championship 2022 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

1. Số liệu thống kê mùa giải 2020-2021 của Statista về thị trường bóng đá châu Âu cho thấy năm giải bóng đá hàng đầu tại đây có tổng doanh thu thương mại ước tính 5,4 tỷ euro. Trong đó, Premier League (Anh) dẫn đầu khi tạo ra gần 1,7 tỷ euro, Bundesliga (Đức) đứng thứ hai với 1,3 tỷ euro, La Liga (Tây Ban Nha), Ligue 1 (Pháp) và Serie A (Italy) lần lượt xếp các vị trí tiếp theo với doanh thu tương ứng là 896, 770 và 747 triệu euro. Trong nhiều thập niên, các nước phương Tây đã đầu tư vào ngành công nghiệp thể thao khi nhận ra doanh thu mà lĩnh vực này mang lại đóng góp tới 3,7% GDP đồng thời tạo nên 5,4% tổng số việc làm ở Lục địa Già.

Tại Việt Nam, bộ môn thể thao "vua" cũng thu hút đông đảo người hâm mộ. Vòng 11 V-League 2022 đã ghi nhận kỷ lục về số lượng khán giả trung bình đến sân, ước đạt 8.400 người mỗi trận. Đáng nói hơn cả, cột mốc ấn tượng này được thiết lập dù cuộc đọ sức giữa Hải Phòng và Đà Nẵng diễn ra trên sân trống do án kỷ luật dành cho đội chủ nhà. Tới lần chạm trán mang tính chất quyết định giữa đội bóng thành phố Hoa phượng đỏ với câu lạc bộ Hà Nội ở vòng 21, "chảo lửa" Lạch Tray đã tiếp đón hơn 22 nghìn khán giả, con số cao nhất tại đây tính riêng trong mùa giải năm nay.

Sự tăng trưởng về số lượng người hâm mộ tới sân cũng mang đến nguồn thu kinh tế dồi dào. Cuối năm 2022, tổng kết nhiệm kỳ khóa VIII của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ghi nhận mức thu lớn nhất trong lịch sử. Số tiền 209,5 tỷ đồng (đến từ tài trợ, quảng cáo và bản quyền truyền hình...) cao hơn gấp hai lần so thời điểm cách đây bốn năm. Tổng thu trong khóa VIII đạt 679,4 tỷ đồng cũng cho thấy mức tăng ấn tượng.

2. Dù chưa thể đạt được những thành công như bộ môn thể thao vua, tấm Huy chương bạc tại SEA Games 31 cùng hình ảnh những khán đài chật kín khán giả đã tạo nên cú huých giúp những người làm thể thao vững tin với những chiến lược phát triển đường dài. Tận dụng thế mạnh bóng rổ là bộ môn được yêu thích nhất với thế hệ trẻ (dưới 18 tuổi) tại các trường học, Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) đã tăng cường các hoạt động nhằm thu hút, tạo sự gắn kết và yêu thích lâu dài trong cộng đồng học sinh. Bên cạnh đó, giải đấu còn chú trọng duy trì phát triển cộng đồng người hâm mộ địa phương, tạo thói quen và khuyến khích khán giả theo dõi thể thao để giải trí. Từ đó, thúc đẩy nhu cầu mua vé vào sân cổ vũ đội bóng quê nhà.

Song song yếu tố chuyên môn, bài toán phát triển kinh tế thể thao đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Sau bảy năm thành lập, VBA đã nỗ lực khai thác bản quyền truyền hình, mời tài trợ, kinh doanh vật phẩm, bán vé sự kiện và nhận thấy vẫn còn nhiều cơ hội tại các mảng ngách tiềm năng khác. Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sẽ là thách thức rất lớn nếu giải đấu chỉ mong muốn tồn tại dựa vào những ông "bầu". Vì vậy, việc tìm kiếm chiến lược tự vận hành, tự tạo doanh thu và lợi nhuận cũng là yêu cầu sống còn để có thể phát triển bền vững.

"Để giải quyết vấn đề này, VBA đã có những chiến lược tối ưu toàn bộ chi phí tổ chức và tìm kiếm các nguồn doanh thu ổn định, lâu dài. Với quyết tâm nâng cao giá trị và sức ảnh hưởng của mình, chúng tôi cũng tích cực đẩy mạnh truyền thông và xây dựng hình ảnh, giá trị thương quyền của giải đấu. Bên cạnh đó, VBA cùng các đội bóng không ngừng hỗ trợ các cầu thủ xây dựng hình ảnh bản thân trở thành những lựa chọn sáng giá với các nhãn hàng. Ngoài ra, việc khai thác tiềm năng của thị trường bán lẻ vật phẩm và trang phục bóng rổ mang dấu ấn của giải và bảy câu lạc bộ cũng là hướng đi VBA chú trọng triển khai trong những năm tới đây", Giám đốc điều hành Trần Chu Sa chia sẻ.

3. Hiện nay, các hoạt động thể thao ở Việt Nam vẫn mang đậm nét phong trào, với tinh thần giải trí và văn hóa nhiều hơn. Bởi vậy, câu chuyện phát triển thể thao trở thành ngành công nghiệp đúng nghĩa, mang lại lợi ích và giá trị cao cho các doanh nghiệp đầu tư, vận động viên... vẫn là bài toán khó cần tìm lời giải.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam Ngô Đức Quỳnh, bài toán kinh tế thể thao sẽ được giải quyết ổn thỏa nếu tam giác giữa Liên đoàn, câu lạc bộ và vận động viên có sự kết nối, tương hỗ và ràng buộc rõ ràng. Liên đoàn cần đứng ra tìm kiếm nhà tài trợ, các chuyên gia, cũng như hỗ trợ trang thiết bị tập luyện nhằm nâng cao chất lượng các câu lạc bộ. Các câu lạc bộ có trách nhiệm xây dựng, đào tạo và trả lương cho đội ngũ võ sĩ. Với mức lương thưởng đủ để nuôi sống bản thân và gia đình, các võ sĩ sẽ nỗ lực thi đấu tốt, trở thành ngôi sao, qua đó mang lại lợi nhuận cho chính giải đấu, câu lạc bộ và Liên đoàn.

Với Giải MMA chuyên nghiệp Lion Championship lần đầu được tổ chức tại Việt Nam, ban tổ chức đã đặt chỉ tiêu cố gắng mang về nguồn tiền quảng cáo đủ để chi tiêu cho công tác tổ chức và tiền thưởng cho các võ sĩ trong vòng ba năm đầu. Đây cũng là thời gian cần thiết để thu hút số lượng người xem nhất định, đào tạo được nguồn võ sĩ và tìm kiếm các nhà tài trợ dài hạn. Khi giải đấu phát triển, lợi nhuận của giải sẽ được công bố và chia sẻ đồng đều tới các câu lạc bộ và vận động viên dựa trên các mức độ đóng góp ở mỗi mùa.

Rõ ràng, không chỉ riêng bóng đá, bóng rổ hay MMA, rất nhiều bộ môn khác tại Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển. Tuy nhiên, để mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, kích thích sự phát triển của các ngành kinh tế liên quan và đóng góp thêm nguồn lực cho xã hội, vẫn còn là một chặng đường dài.