Bao giờ mới hết ngây ngô?

Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) đã thông báo chính thức về trường hợp dương tính doping của Trần Hà Vi sau tấm Huy chương vàng Giải vô địch châu Á 2023. Dù được xác định không cố tình sử dụng chất cấm để cải thiện thành tích, án phạt 24 tháng, một lần nữa là bài học đau xót không chỉ với cá nhân vận động viên mà cả với thể thao nước nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam chú trọng tuyên truyền về doping, đặc biệt với các lứa vận động viên trẻ.
Việt Nam chú trọng tuyên truyền về doping, đặc biệt với các lứa vận động viên trẻ.

Theo báo cáo, vận động viên Trần Hà Vi gặp vấn đề sức khỏe đã sử dụng thuốc chữa trị mà không kiểm tra kỹ thành phần cũng như không báo cáo với ban huấn luyện hay bác sĩ của đội tuyển. Sự cố xảy ra sau thời điểm cô giành tấm Huy chương vàng cá nhân tại Giải vô địch châu Á 2023.

Tổ chức Phòng chống doping quốc tế (WADA) đã tiếp nhận giải trình từ phía Việt Nam và thông báo sẽ cấm thi đấu 24 tháng. Đây là án phạt có phần "giơ cao đánh khẽ". Bởi, chỉ cần xác định cá nhân cố ý sử dụng thuốc để cải thiện thành tích, không loại trừ trường hợp vận động viên sẽ bị cấm thi đấu vĩnh viễn.

Nhìn lại vụ việc của Trịnh Văn Vinh (mới kết thúc bốn năm cấm thi đấu vào ngày 5/2) hay trường hợp của Quách Thị Lan (vừa trở lại sau án phạt 18 tháng), phần lớn các sự cố đều bắt nguồn từ sự ngây ngô của các vận động viên trong nước - tự ý sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng mà không báo cáo. Lỗi sai này là điều tối kỵ và nhiều lần được nhắc đi nhắc lại trong các buổi truyền thông về phòng, chống doping suốt thời gian qua.

"Thể thao Việt Nam nói không với việc sử dụng chất bị cấm. Trên hết, ngành thể thao luôn đề cao công tác giáo dục tư tưởng, sự kiểm tra sát sao của các đội tuyển quốc gia tới các vận động viên", Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt khẳng định.

Năm 2024, Cục Thể dục-Thể thao đã xác định việc tổ chức truyền thông tại các Trung tâm Huấn luyện Thể dục-Thể thao Quốc gia cũng như ở các địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Bên cạnh đó, công tác giáo dục nhận thức còn được đẩy mạnh song hành cùng nhiều giải đấu do các Liên đoàn tổ chức, bảo đảm tuyên truyền trực tiếp tới các huấn luyện viên và vận động viên tham dự giải.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, nhận thức của mọi người đã nâng lên đáng kể. Nhiều vận động viên đã có thói quen tìm lời khuyên và lắng nghe tư vấn, đặc biệt trước thời điểm thi đấu ở các giải quốc tế và những sự kiện có khả năng cạnh tranh huy chương. Sai sót về doping sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thành tích, tiền thưởng và các chế độ đãi ngộ khác trong suốt quá trình nghỉ thi đấu.