Những nỗi lo theo từng đường kiếm

Tháng 4 này, Vòng loại đấu kiếm Olympic khu vực châu Á diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ là cơ hội cuối cùng để Đội tuyển Việt Nam cạnh tranh tấm vé tham dự Thế vận hội.
0:00 / 0:00
0:00
Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam quyết tâm vượt qua khó khăn.
Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam quyết tâm vượt qua khó khăn.

Không thể "cọ xát" quốc tế

Với các vận động viên đấu kiếm, có hai phương án cạnh tranh suất tham dự Olympic Paris 2024, bao gồm nỗ lực tích điểm theo hệ thống các giải do Liên đoàn Đấu kiếm thế giới tổ chức hoặc thi đấu tại Vòng loại của các châu lục. Theo lẽ thường, càng tham dự nhiều giải đấu tích điểm, mỗi cá nhân sẽ dày dạn kinh nghiệm cũng như dần trưởng thành hơn sau quá trình "cọ xát" quốc tế. Đây được xem như lựa chọn tối ưu với các đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên, những hạn chế về kinh phí thi đấu quốc tế khiến các vận động viên nước ta không có điều kiện để thi đấu ở nhiều giải đấu tích điểm. Các kiếm thủ Việt Nam không tham dự World Cup kiếm chém 2024 tổ chức tại Italy, Giải kiếm liễu tại Ai Cập hay Giải vô địch kiếm ba cạnh (diễn ra ở Đức tháng 2 vừa qua).

Điều này đồng nghĩa chúng ta không còn cơ hội giành vé thông qua cạnh tranh vị trí xếp hạng thế giới. Và lựa chọn duy nhất của đội tuyển là tham dự Vòng loại đấu kiếm Olympic khu vực châu Á để giành vé tới Paris.

Đấu kiếm Việt Nam giành tới bốn tấm vé tham dự Olympic năm 2016, nhưng chúng ta đã thất bại trong việc giành suất tới Thế vận hội tiếp theo ở Tokyo. Hiện tại, chính ban huấn luyện bộ môn đấu kiếm cũng không chắc chắn về cơ hội giành vé nên cũng dè dặt trong việc đăng ký chỉ tiêu Olympic.

Thực trạng này khiến sáu vận động viên đấu kiếm không nằm trong danh sách đầu tư trọng điểm. Tất cả chỉ có thể tập chay trong nước, đồng thời theo dõi các đối thủ trong khu vực liên tục cải thiện trình độ sau khi tham dự các giải đấu quốc tế.

Nghịch lý từ hệ thống thi đấu nước nhà

Bên cạnh thách thức do thiếu cơ hội tham dự các sân chơi khu vực, vận động viên Việt Nam cũng chỉ có thể tham dự Giải đấu kiếm vô địch quốc gia 2023 như cơ hội tranh tài duy nhất trong năm. Đây là nghịch lý tồn tại với hệ thống thi đấu nước nhà khi số lượng các giải đấu đang nằm ở mức không thể bị cắt bỏ thêm nữa.

Những năm trước, ít nhất đấu kiếm Việt Nam còn tổ chức các giải đấu lứa vận động viên tiềm năng như giải vô địch trẻ quốc gia, lứa tuổi U23 hay Cúp các câu lạc bộ... Tuy nhiên, nguyên nhân khiến bộ môn đấu kiếm năm 2023 chỉ có thể tổ chức một giải quốc nội duy nhất không hẳn do kinh phí hạn hẹp mà còn là sự thiếu kết nối giữa bộ môn với các địa phương có khả năng đăng cai tổ chức giải.

Theo ý kiến chuyên gia, việc tổ chức tối thiểu ba giải đấu mỗi năm (gồm Giải trẻ, Cúp các câu lạc bộ và Giải vô địch quốc gia) vẫn được xem là quá ít nếu thật sự muốn phát triển và nâng tầm cho vận động viên. Đấu kiếm là bộ môn đối kháng, nên chỉ thông qua thi đấu trực tiếp mới có thể trau dồi kinh nghiệm. Việc tập chay và thi đấu nội bộ theo thời gian sẽ không thể đáp ứng yêu cầu cải thiện chuyên môn.

Hơn thế, thông qua các giải đấu, vận động viên mới giành được tiền thưởng để nuôi sống bản thân và gia đình. Điều đó cũng mang đến động lực để theo đuổi đam mê thể thao.

"Nhìn sang hệ thống thi đấu của các nước bạn (như Thái Lan hay Singapore), họ tổ chức tối thiểu ba giải mỗi tháng và tạo điều kiện tối đa cho các nhóm tuổi tranh tài. Đây là ước mơ với các vận động viên nước ta, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến các em tụt hậu về mặt chuyên môn và kinh nghiệm thi đấu so các đối thủ", Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn nhận định.

Vẫn còn đó cơ hội mỏng manh

Năm 2024, Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đã bắt đầu tập luyện từ ngày 1/1 với mục tiêu giành vé tham dự Thế vận hội. Trong số sáu vận động viên tiềm năng, hai kiếm thủ được kỳ vọng làm nên bất ngờ là gương mặt kỳ cựu Vũ Thành An (kiếm chém) và Nguyễn Minh Quang (kiếm liễu).

Theo tính toán của Ban huấn luyện, các vận động viên hàng đầu châu Á ở từng nội dung đều đã giành suất tham dự Olympic. Cơ hội lúc này sẽ mở ra với các kiếm thủ Việt Nam, Kazakhstan hay Hồng Công (Trung Quốc). Mỗi nội dung sẽ có khoảng năm đến sáu gương mặt thi đấu vì tấm vé tới Paris, nên sự cạnh tranh có thể xem là cực kỳ khốc liệt.

Muốn trình độ đấu kiếm Việt Nam bứt phá khỏi nhóm này, chúng ta cần xây dựng kế hoạch tập huấn từ sớm. Trình độ chuyên môn của các kiếm thủ hoàn toàn có thể được cải thiện sau một hoặc hai đợt cọ xát ở nước ngoài.

Bộ môn đấu kiếm trong thời điểm này cũng đang nỗ lực hết sức để chuẩn bị cho kỳ giải sắp tới, từ trang thiết bị phục vụ tập luyện đến kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế... Đặc biệt, quyết định mới của Thủ đô - vận động viên Hà Nội giành vé Olympic sẽ nhận được hỗ trợ 17 triệu đồng/tháng cho tới kỳ Thế vận hội tiếp theo, cũng mở ra hy vọng để các kiếm thủ thi đấu vì bản thân, gia đình cũng như mang về vinh quang cho Tổ quốc.