Xem "Mệnh lệnh từ trái tim", nghĩ về xây dựng kịch đề tài lịch sử

Giữa những ngày cả nước hân hoan kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, vở kịch "Mệnh lệnh từ trái tim" của Sân khấu Lệ Ngọc được công diễn là một sự kiện nghệ thuật đáng chú ý, cống hiến cho công chúng một món quà tinh thần rất ý nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động, ân cần hỏi thăm các chiến sĩ kéo pháo.
Cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động, ân cần hỏi thăm các chiến sĩ kéo pháo.

"Mệnh lệnh từ trái tim" (tác giả: Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn: NSND Lâm Tùng) được Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng một cách "thần tốc", tính từ ngày khởi công (6/4) đến khi ra mắt công chúng chỉ vỏn vẹn 24 ngày, huy động hơn 120 con người của năm đơn vị nghệ thuật, với rất nhiều yêu cầu về phục trang, đạo cụ và bộ phận kỹ thuật hỗ trợ...

"Mảnh đất" màu mỡ, song cũng đầy thách thức

Xưa nay, lịch sử luôn là "mảnh đất" màu mỡ cho các văn nghệ sĩ khai thác để sáng tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật hấp dẫn, có giá trị giáo dục tư tưởng, đạo đức và bồi dưỡng tâm hồn cho các thế hệ tiếp nối. Nhưng đây cũng luôn là đề tài hóc búa, khó khăn đối với các tác giả và nghệ sĩ. Làm thế nào để một tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử vừa bảo đảm được tính chân thực của sự kiện và nhân vật lịch sử, vừa có được sự sáng tạo bay bổng và mang dấu ấn riêng của người sáng tạo? Đây là vấn đề sẽ còn được tiếp tục bàn thảo.

Với sự kiện lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều thế hệ nghệ sĩ cũng như khán giả Thủ đô thường nhắc ngay đến vở kịch Bài ca Điện Biên (tác giả: Tất Đạt, Tổng đạo diễn: cố NSND Doãn Hoàng Giang, Nhà hát Kịch Trung ương biểu diễn), là vở diễn đồ sộ nhất, hoành tráng nhất trong lịch sử sân khấu Việt Nam, với hơn 300 nghệ sĩ tham gia vở diễn. Trong kịch bản không có nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng khi biết Đại tướng sẽ đến dự buổi diễn ra mắt của vở, Tổng đạo diễn Doãn Hoàng Giang và các nghệ sĩ đã nảy ra sáng kiến: chớp lấy cơ hội "có một không hai" này, khéo léo biến sự hiện diện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành một cảnh nhỏ ở cuối vở kịch. Cảnh diễn "đột xuất" này đã gây hiệu ứng bất ngờ, cả khán phòng xúc động, đứng bật dậy vỗ tay chào đón sự hiện diện của vị Đại tướng đã góp phần quyết định trong Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sân khấu kịch Việt Nam có hai vở diễn đều có nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là vở "Điện Biên vẫy gọi" (tác giả: Tất Thắng, đạo diễn: NSND Lê Hùng, Nhà hát Kịch Quân đội trình diễn) và vở "Mệnh lệnh từ trái tim" của Sân khấu Lệ Ngọc. Điều này cho thấy niềm khao khát của các nghệ sĩ: đưa lên sân khấu hình tượng đẹp đẽ của vị Đại tướng - chỉ huy tài ba của chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại. Ước nguyện này đã được Sân khấu Lệ Ngọc thực hiện thành công.

Những cảm xúc tươi mới, giàu ý nghĩa

Thể hiện một sự kiện lịch sử lớn như chiến dịch Điện Biên Phủ thì việc phải tái hiện được bối cảnh lịch sử cũng như không khí hào hùng của sự kiện là một "đề bài" quan trọng của vở diễn. Ê-kíp sáng tạo "Mệnh lệnh từ trái tim" đã dàn dựng một số "cảnh ngoài kịch", dùng tiền sảnh của nhà hát lớn Thành phố Hà Nội để tái hiện một số hoạt động tiêu biểu của quân và dân ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, trên nền nhạc các ca khúc nổi tiếng gắn liền với chiến dịch lịch sử này, tạo nên một "không khí Điện Biên" vô cùng sinh động, khiến cho mỗi người khi vừa bước chân vào tiền sảnh của nhà hát lập tức cảm thấy háo hức và "nhập cuộc" ngay. Vào vở diễn, không gian sân khấu đã được mở rộng xuống tận khán phòng, nơi thể hiện hình ảnh lớp lớp đoàn chiến sĩ đang hành quân lên Tây Bắc... Những thủ pháp nghệ thuật này đã đem lại cảm xúc tươi mới cho khán giả.

Điều đáng ghi nhận trong cách dàn dựng của đạo diễn Lâm Tùng và ê-kíp sáng tạo là đã tiết chế hài hòa giữa các đại cảnh, màn diễn tập thể với các cảnh tập trung vào nhân vật trung tâm, màn độc thoại của nhân vật... Vở diễn có nhiều màn tập thể rất náo nhiệt, sôi nổi, đồng thời, đạo diễn và các nghệ sĩ biểu diễn đã rất chú trọng ở những màn, lớp kịch thể hiện chiều sâu tâm lý của nhân vật trung tâm. Đây là cách xử lý rất hợp lý và mang lại thành công cho vở diễn.

Thể hiện nhân vật lịch sử nổi tiếng, nhất là nhân vật lãnh tụ, luôn là thách thức đối với các nghệ sĩ biểu diễn. Với loại vai này, diễn viên không chỉ phải thỏa mãn được yêu cầu về diễn xuất nội tâm nhân vật, mà còn cần có sự gần gũi, tương đồng về ngoại hình và giọng nói. Sân khấu kịch nói và kịch hát Việt Nam đã có một số nghệ sĩ đạt tới sự thành công (ở các mức độ khác nhau) khi thể hiện hình tượng Bác Hồ, trong đó có sự đóng góp của NSƯT Văn Hải của Sân khấu Lệ Ngọc. Với kinh nghiệm từng diễn vai Bác Hồ với hơn 200 suất diễn của vở kịch "Lá đơn thứ 72" (tác giả: Hoàng Thanh Du, đạo diễn: NSND Lê Tiến Thọ), nay lại đóng vai Bác Hồ trong "Mệnh lệnh từ trái tim", NSƯT Văn Hải càng diễn chững chạc và thuần thục hơn.

Có thể nói, đóng góp mới mẻ nhất của "Mệnh lệnh từ trái tim" là xây dựng thành công hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác giả Nguyễn Thanh Bình đã chọn rất trúng một sự kiện lịch sử có tính kịch nhất làm vấn đề trung tâm của kịch bản. Đó là thời khắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải đưa ra một quyết định cực kỳ quan trọng: thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Đạo diễn đã đúng khi chọn NSƯT Quang Khải thể hiện vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với vóc dáng tương đồng và chất giọng phù hợp, nhân vật của Quang Khải ngay từ khi mới xuất hiện đã gây ấn tượng. Nghệ sĩ có lối diễn dung dị, không lên gân, đặc biệt những cảnh bộc lộ nội tâm nhân vật có chiều sâu và truyền cảm. Nếu ví toàn bộ vở diễn là một bản hùng ca về chiến thắng Điện Biên Phủ thì các cảnh của nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những "nốt nhạc trầm" có sức nặng tâm lý, làm đầy đặn thêm và nổi bật lên hình tượng vị Đại tướng văn, võ song toàn, rất bình dị, nhân văn mà vĩ đại, mang lại cảm xúc rất mạnh mẽ cho người xem.

Tuy còn có một số chi tiết trong kịch bản, trong dàn dựng và diễn xuất, cần được trau chuốt kỹ càng hơn, nhưng những thành công của vở kịch "Mệnh lệnh từ trái tim" đáng được ghi nhận, là đóng góp rất có ý nghĩa cho đại lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Xa hơn, vở diễn gợi mở một số kinh nghiệm cho các tác giả, đạo diễn về xây dựng những tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử: luôn cần có những sáng tạo mới mẻ, độc đáo, tạo dấu ấn riêng của tác phẩm.