Tầm nhìn cho văn hóa

Vẫn còn không ít ý kiến cho rằng, đầu tư cho văn hóa là "thả tiền" vào vô hình, khó nhìn thấy, khó kiểm đếm kết quả. Nhưng với những gì mà thành phố Hải Phòng đã và đang làm được trong 10 năm qua trong chuyển dịch và cân bằng cơ cấu kinh tế giữa công-nông nghiệp, kinh tế biển và công nghiệp văn hóa, du lịch dịch vụ là minh chứng sống động cho việc khi xác định tầm nhìn đầu tư lâu dài cho văn hóa, đời sống kinh tế và an sinh xã hội của địa phương thật sự khởi sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình "Viết thư pháp-gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt" tại Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn, huyện An Lão, một hoạt động trong Lễ hội Hoa phượng đỏ năm 2024. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng
Chương trình "Viết thư pháp-gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt" tại Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn, huyện An Lão, một hoạt động trong Lễ hội Hoa phượng đỏ năm 2024. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng

Hành trình xác lập một thương hiệu

Năm 2012, Lễ hội Hoa phượng đỏ được chính quyền thành phố Hải Phòng tổ chức lần đầu, xem như một sự chuẩn bị cho vai trò chủ nhà của Năm du lịch quốc gia khu vực Đồng bằng sông Hồng trong năm 2013. Đây cũng là dịp ghi dấu Lễ hội này trở thành sự kiện thường niên của thành phố vốn đã nổi tiếng không chỉ là thành phố cảng biển mà đã đi vào thi ca, nghệ thuật, với các ca khúc như "Chiều trên bến cảng" (năm 1978, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn), và đặc biệt là "Thành phố Hoa phượng đỏ" (năm 1970, nhạc sĩ Lương Vĩnh).

Qua thời gian, quy mô của Lễ hội ngày một lớn hơn, các khâu tổ chức được triển khai bài bản hơn. Nếu như ở những kỳ Lễ hội đầu tiên, thời gian diễn ra chỉ là một vài ngày, với trên dưới 10 hoạt động thì đến Lễ hội lần thứ 11, năm 2024, thời gian đã kéo dài xuyên suốt tháng 5, chưa kể còn có hơn 70 hoạt động hưởng ứng, chào mừng lễ hội diễn ra tại rất nhiều đơn vị, cơ sở trên địa bàn thành phố, rải rác từ tháng 3. Điểm nhấn lớn nhất của Lễ hội năm nay thể hiện ở chương trình khai mạc diễn ra tại quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị-Hành chính mới của thành phố, với một đại sân khấu và khu vực dành cho khán giả đủ sức chứa lên tới 18.000 người, diễn ra thành công và an toàn, vào tối 11/5, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, sau 10 năm, dấu ấn lớn nhất từ việc tổ chức Lễ hội này là Hải Phòng được biết đến nhiều hơn ở cả trong và ngoài nước. Những nét hấp dẫn, ấn tượng ban đầu từ văn hóa, du lịch, ẩm thực đã thu hút sự quan tâm sâu rộng hơn nữa của người nơi khác về Hải Phòng, tiến tới đầu tư và hợp tác kinh tế. Thành phố dự kiến đón 20 triệu lượt khách trong và ngoài nước vào năm 2030.

Trong vài ba năm trở lại đây, bản đồ du lịch ẩm thực Hải Phòng (Hải Phòng Food Tour) luôn nóng trên truyền thông, nhất là các kênh mạng xã hội với giá cả phải chăng, hình ảnh đẹp và "thực tế không khác trong hình". Food Tour Hải Phòng đã là lựa chọn của rất nhiều người trẻ, từ học sinh cuối cấp phổ thông đến sinh viên, người mới đi làm và các cặp gia đình trẻ. Sức hút này đã góp phần làm tăng chuyến hằng ngày của tuyến tàu hỏa Hà Nội-Hải Phòng, bổ sung chuyến vào cuối tuần. Việc mở rộng kinh doanh một số món ăn đường phố đặc trưng của đất cảng diễn ra ở nhiều địa phương khác, như pate Cột Đèn, bánh mì que, bánh đa cua, dừa dầm…

Tầm nhìn mới về sự kết nối

Tháng 9/2023, quần thể di sản thiên nhiên liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới: Vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà. Đây là kết quả từ sự hợp tác triển khai kế hoạch lập hồ sơ di sản của cả hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng từ năm 2011.

Được biết, ngay sau khi có kết quả này, chính quyền thành phố Hải Phòng đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thúc đẩy phát triển du lịch kết hợp bảo tồn di sản thiên nhiên chung này. Trước tiên là đầu tư cho Cát Bà thành điểm đến của du lịch đẳng cấp cao và du lịch xanh gắn liền với bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học của biển và rừng nguyên sinh trên đảo. Thành phố cũng xác định Cát Bà tiến tới là đảo xanh, không có phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Bên cạnh việc phối kết hợp tỉnh Quảng Ninh trong nhiều lĩnh vực để bảo đảm an ninh trật tự cho du khách qua lại hai địa phương theo các tuyến du lịch trên biển, Hải Phòng cũng tranh thủ mọi cơ hội quảng bá hình ảnh là điểm đến thân thiện, điểm hội tụ của đa dạng, phong phú các loại hình di sản văn hóa.

Thành phố chú trọng giới thiệu mạng lưới hai di tích quốc gia đặc biệt, 21 bảo vật quốc gia, 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bên cạnh dày đặc các di tích cấp quốc gia và thành phố. Trong đó, không chỉ kết nối các điểm di sản, di tích tại địa phương mà còn chủ động tìm hướng mở liên kết với nhiều địa phương trong cả nước. Lễ hội Hoa phượng đỏ năm nay đánh dấu thành quả liên kết này của Hải Phòng: Một triển lãm giới thiệu di sản kiến trúc Pháp tại Hải Phòng song song với kiến trúc Pháp tại Hà Nội; Liên hoan Đờn ca tài tử mở rộng lần thứ nhất với sự tham gia của một số nhà hát và đoàn cải lương từ Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai; các sự kiện trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và là di sản được tạo sinh, duy dưỡng ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hải Phòng, như Ca trù, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ…

Rõ ràng, thành quả tích cực của hành trình 10 năm qua ở Hải Phòng đã khẳng định sự đúng đắn của một hướng đi, một tầm nhìn dài hạn, với điểm tựa vững chắc là bề dày truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương.