Xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện từ cơ sở

Nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không, đảng viên có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không là ở tổ chức cơ sở đảng. Bởi tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, trực tiếp tổ chức, lãnh đạo mọi hoạt động ở cơ sở. Hơn 14 năm thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 2/2/2008 của Hội nghị Trung ương 6, khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra trước yêu cầu mới. Vì thế, Hội nghị Trung ương 5 lần này thống nhất ban hành nghị quyết mới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 vừa diễn ra tại Hà Nội, TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG nhấn mạnh: Tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ở nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở; xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy có đủ năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị; nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên và chất lượng đảng viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

 Có nhiều tiêu chí làm thước đo chất lượng tổ chức cơ sở đảng, trong đó phải kể đến năng lực ra nghị quyết, đặc biệt là năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết và giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh; tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng mà trọng tâm là tự phê bình và phê bình, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;... Ở loại hình tổ chức cơ sở đảng nào cũng vậy, chất lượng cấp ủy và đảng viên quyết định kết quả ấy.

Cấp ủy mạnh thì tổ chức cơ sở đảng mạnh

Nếu tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị ở cơ sở thì cấp ủy là linh hồn của hạt nhân chính trị đó. Không bao giờ có một tổ chức cơ sở đảng mạnh khi năng lực của cấp ủy yếu kém, hoặc mất đoàn kết. Cấp ủy yếu thì không thể đủ sức lãnh đạo đảng bộ; còn nếu mất đoàn kết sẽ dẫn đến nội bộ chia rẽ, kéo bè, kéo cánh.

Mỗi kỳ đại hội, việc lựa chọn, bầu cấp ủy mới được các đảng bộ tiến hành kỹ lưỡng, công phu và được toàn xã hội quan tâm. Đặc biệt là những năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành một cách quyết liệt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ở cơ sở được nâng lên. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, chất lượng của nhiều tổ chức cơ sở đảng còn yếu, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu, chưa đủ sức phát hiện, giải quyết các vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở. Ở đâu, người đứng đầu vi phạm các nguyên tắc của Đảng, cố ý làm trái pháp luật của Nhà nước thì hầu như cấp ủy ở đó rất mờ nhạt. Nếu cấp ủy nơi đó mạnh, dám đấu tranh hoặc ít nhất cũng can gián việc làm sai trái của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thì không thể xảy ra tình trạng như vậy. Thực tế các vụ việc xảy ra tại Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Đà Nẵng, Quảng Nam,… nhiệm kỳ trước là minh chứng rõ nhất.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (dù với loại hình đảng bộ xã, phường, thị trấn, hay cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,…), việc làm đầu tiên và thường xuyên là gắn xây dựng, củng cố cấp ủy với kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm cấp ủy thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, phẩm chất, sức mạnh của đảng bộ và cơ quan, đơn vị; gắn kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị với củng cố, sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng một cách đồng bộ, thống nhất và hợp lý. Các cấp ủy viên, nhất là đồng chí bí thư không chỉ am hiểu công tác đảng mà còn phải có trình độ chuyên môn về lĩnh vực hoạt động của đơn vị, địa phương; có năng lực tổ chức, quy tụ đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Như thế mới đủ sức tổ chức thực hiện nghị quyết, xây dựng đơn vị vững mạnh; mới lãnh đạo, kiểm tra, giám sát hiệu quả các hoạt động trong phạm vi thuộc quyền, giúp đơn vị thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kể cả doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Ở cơ sở, cấp ủy vừa là người lãnh đạo, vừa là người trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Trong bối cảnh cuộc sống ngày càng phát triển với hàng loạt vấn đề đặt ra như hiện nay, kể cả những vấn đề mới, hay mặt trái, tiêu cực của cơ chế thị trường, nếu cấp ủy và từng người tham gia cấp ủy không năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vào việc khó và không biết giữ mình trước mọi cám dỗ thì rất khó lãnh đạo, nhất là xử lý những công việc phức tạp nảy sinh hằng ngày ở cơ sở. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có đội ngũ cấp ủy cơ sở vừa có phẩm chất đạo đức và có trình độ chuyên môn, tâm huyết với công tác đảng. Muốn vậy cần làm tốt các khâu từ đánh giá, quy hoạch đến đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện và bố trí sử dụng; khắc phục bằng được tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy phiếu bầu; kiểm soát bằng được quyền lực trong công tác cán bộ.

Ở loại hình tổ chức cơ sở đảng nào cũng vậy, cấp ủy mạnh không chỉ thể hiện ở trình độ, năng lực mà còn phải là một tập thể đoàn kết, làm việc theo quy chế, tuân thủ nguyên tắc hoạt động của Đảng, như tập trung dân chủ và tự phê bình và phê bình, thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động phù hợp từng loại hình theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở trên mọi lĩnh vực đời sống.

Không cần những đảng viên hữu danh vô thực

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại câu nói của Lê-nin "Thà ít mà tốt"; "những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng tôi cũng không cần".

Chưa bao giờ Đảng có số lượng đảng viên đông, có trình độ cao như hiện nay; nhưng về phẩm chất, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ lại đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Những đảng viên như thế chỉ làm suy yếu Đảng mà thôi. Vì thế, việc cần làm ngay từ bây giờ là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28 ngày 21/1/2019, của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Cụ thể là chấn chỉnh, siết chặt việc kết nạp đảng viên mới, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng. Đồng thời với đó là chú trọng việc quản lý đảng viên, tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, ngăn ngừa, xử lý nghiêm mọi vi phạm, đề cao trách nhiệm đảng viên trong sinh hoạt đảng; thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại đảng viên hằng năm, trên cơ sở đó có giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng đảng viên.

Việc củng cố, nâng cao chất lượng, sức mạnh, tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng. Mỗi cấp ủy, mỗi đảng viên biết đánh giá đúng mình, nhất là những hạn chế, yếu kém, nhận rõ yêu cầu nhiệm vụ chính trị hiện nay sẽ làm tốt những yêu cầu mà Hội nghị Trung ương 5 đề ra.