Xao xác mùa về

Người ta bảo Tây Nguyên chỉ có hai mùa mưa - nắng, không có xuân, hạ, thu, đông.
Xao xác mùa về

Nhưng sống lâu trên đất này, sẽ nhận ra bốn mùa về nương náu trong nắng, trong mưa, trong gió, trong bụi, trong khí trời, trong cỏ cây hoa trái. Khi không gian nhuốm một vẻ đùng đục mầu xám tro, trời nằng nặng, không khí hanh khô, những cơn gió đem cái lạnh sắt se về khiến người ta phải mang thêm khăn áo, và lòng dội về nỗi ao ước được ngồi bên một bếp than hồng, là khi chợt nhận ra cây bàng nơi góc phố thân thuộc lá đã chuyển sang mầu đỏ ối. Rồi rất nhanh, những chiếc lá ấy dần nhuốm vàng, rồi buông mình theo gió. Cây bàng như bắt nhịp cho hàng cây bên dãy phố thân quen thắp lên mầu vàng, cứ mỗi đợt gió ngang qua là từng đám lá buông mình xuống, chúng theo gió cuộn tròn trong không trung, rồi nhẹ nhàng dạt vào mép đường, an phận lá.

Đám lá vàng ấy gợi nhớ về những lần ngang qua một rừng cao-su vào mùa thay áo mới. Khi lá cao-su ngả vàng, cả không gian rộng bát ngát sáng bừng lên trên nền trời mùa đông xam xám mầu chì. Trên nền cái bức tranh tàn úa ấy là những tà áo trắng thong dong trên những chiếc xe đạp len lỏi qua những lối mòn giữa lô cao-su nhuốm màu bụi đỏ. Không gian và cảnh sắc đẹp một vẻ nên thơ, trong sáng và yên bình. Thả chân trần bước trên lớp lá dày êm ái, mới cảm nhận hết được sự tận hiến của đời lá. Cũng những thân cây ấy, mùa mướt xanh, chúng hiến dâng những dòng nhựa trắng mà người ta ví quý tựa vàng. Cái loài cây gì mà lạ, nhựa chỉ tập trung về nhiều như sữa mẹ vào lúc nửa đêm về sáng, để người phải lầm lũi giữa rừng khuya miệt mài với từng đường cạo thật tỉ mỉ, nhẹ nhàng, tựa hồ biết cây đau đớn. Chúng luôn khiến tôi nghĩ đến con người, những con người âm thầm, lặng lẽ cống hiến, hy sinh. Cho đến khi những chiếc lá cuối cùng trút xuống, cây được nghỉ ngơi, những cành cây như những cánh tay gầy guộc níu vào nhau, níu vào gió lạnh, chờ một cuộc tái sinh những chồi non lộc biếc, để rồi lại tuôn những dòng vàng trắng cho đời.

Mùa cao-su thay lá vài năm trở lại đây là thời điểm mà bạn bè chúng tôi hẹn nhau ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Nhìn những bức ảnh mọi người nắm tay nhau đi dưới thảm lá vàng, giữa những hàng cây thẳng tắp, cành cây đan vào nhau như mái cổng vòm, trong một không gian tươi sáng, lòng tôi thường rộn ngân những xúc cảm cũ xưa. Ấy là mùi lá mục trong khu vườn xanh biếc quanh năm hoa trái, chốn thiên đường của một đám nhóc chúng tôi thuở đã xa. Cái thuở cắt những tàu lá chuối già dựng thành túp lều nhỏ nơi góc vườn rồi bày ra đủ thứ trò chơi. Từ trò cô dâu chú rể, ngắt những bông hoa dại nhỏ tí xíu cài lên tóc “cô dâu”, hái những nụ hoa dâm bụt đo đỏ kết thành tràng pháo, miệng kêu lên những tiếng “đì đùng” khi rước dâu về. Rồi nấu nướng bằng vỏ sò vỏ điệp, ngắt lá vườn làm tiền mua đi bán lại những thứ mà chỉ bọn trẻ con mới nghĩ ra. Rất lâu sau này, khi nghe một bạn giáo sinh ngâm nga bài thơ “Tiền và lá” của Kiên Giang, lòng tôi đã lặng đi rất lâu trước những câu thơ:

Đêm vàng soi bóng trăng cao

Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời

Anh moi đất nắn “tượng người”

Em thơ thẩn nhặt lá rơi… làm “tiền”

Mỗi ngày chợ họp mười phiên

Anh đem “người đất” đổi “tiền lá rơi”…

Những kỷ niệm tuổi thơ trở về, nguyên vẹn một góc vườn xưa bốn mùa mướt xanh cỏ lá.

Những chiếc lá vàng bên phố còn gợi nhắc về những ngày giáp Tết, trong không khí chộn rộn hương xuân, mẹ cẩn thận cắt đám lá dong sau vườn, chúng tôi chọn những lá đẹp nhất đem rửa sạch, lau khô xếp vào rổ để chuẩn bị gói bánh chưng. Những quả bưởi để dành từ mùa thu đã chín vàng ươm đung đưa trên cành được cắt xuống đặt lên nải chuối để bày mâm ngũ quả. Và một việc không thể thiếu trong những ngày ấy là dọn dẹp nhà cửa, quét tước trước ngõ sau vườn, những chiếc lá khô được gom lại để đốt, mùi khói từ đám lá ấy ám vào ký ức tôi, có lẽ chẳng bao giờ có thể phai mờ đi được.

Thỉnh thoảng ngang qua một đám lá vàng nằm ngoan lành trên mặt đường, tôi lại lẩn thẩn nghĩ về những ngày đã vời vợi xa, nghĩ về đời lá. Xanh hết mình, đỏ hết mình, úa tàn cũng hết mình, rồi lặng lẽ buông xuống, an nhiên và thanh thản hòa mình vào với đất, để nuôi dưỡng cho một vòng đời lá tiếp theo.

Hàng cây bên góc phố thân thuộc, chẳng biết tự khi nào, đã nhuốm vàng. Mỗi đợt gió ngang qua, những chiếc lá lại xao xác đậu xuống mặt đường, những âm thanh xao xác của lá vàng gợi niềm xao xác trong lòng tôi, dịu nhẹ…