Muốn làm được điều này, yếu tố đầu tiên là quy hoạch vùng sản xuất, trong đó quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo một cách bài bản gắn với thị trường. Vì thị trường của chúng ta ngày càng đa dạng, ngày càng yêu cầu khắt khe, đặc biệt là về chất lượng, về truy xuất nguồn gốc, về bảo đảm độ an toàn các sản phẩm đó. Nhưng hoạt động sản xuất sản phẩm trồng trọt trong đó có lúa gạo mang tính thời vụ rất sâu sắc, trong khi, thời vụ của thị trường và thời vụ của sản xuất thường rất khác nhau, đòi hỏi có sự tính toán nhằm bảo đảm được yếu tố đầu vào-đầu ra thuận lợi, điều này luôn gắn với quy hoạch và gắn với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Một yếu tố nữa, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đề ra mục tiêu rất minh bạch, rõ ràng là giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng của lúa gạo Việt Nam và tăng thu nhập cho người nông dân. Cho nên khi xây dựng và triển khai thực hiện đề án này ở các địa phương, đòi hỏi nông dân phải thay đổi quy trình sản xuất, phải gắn quy trình đó với thu nhập. Và muốn nâng cao thu nhập thì hạt lúa gạo người nông dân làm ra phải được bao tiêu ngay khi họ xuống giống. Phải xác định, tính toán ngay từ đầu hạt gạo đó tiêu thụ ở thị trường nào, vào thời gian nào. Các yếu tố này phải nằm trong quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết từng vùng sản xuất lúa gạo với từng địa phương.
Để đạt được điều đó, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ để nâng cao chất lượng quy hoạch, nâng cao cơ sở vật chất, hạ tầng cho sản xuất lúa gạo, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửa Long hiện nay cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đường sá, kênh, cầu, hệ thống thủy lợi rất cần được nâng cấp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành hàng lúa gạo một cách bền vững, hiệu quả.
Đi đôi với đó, là đào tạo người nông dân, làm cho nông dân hiểu rõ thay đổi tập quán là có lợi cho mình, là trách nhiệm phải thay đổi, để nâng cao giá trị hạt gạo, và đích cuối cùng là nâng cao thu nhập.
Qua thực hiện Đề án này, một trong những giải pháp rất quan trọng nữa là quy hoạch phát triển nông nghiệp phải gắn với quy hoạch địa phương, gắn với quy hoạch vùng mà hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo. Để bảo đảm quy hoạch có tính thống nhất thì quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cần phải gắn chặt với quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương đó và gắn với chủ trương lớn của Nhà nước hiện nay, đồng thời gắn với toàn vùng 12 tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện Đề án.