Bước khởi đầu tạo khí thế, quyết tâm

Cùng với các nhiệm vụ như thông lệ, Đại hội XIV của Đảng, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026, sẽ tổng kết 40 năm đổi mới. Do đó quá trình chuẩn bị các văn kiện, không chỉ đánh giá kết quả công tác 5 năm qua mà còn nhìn lại tám nhiệm kỳ đại hội để tổng kết lý luận và thực tiễn, bổ sung, phát triển đường lối đổi mới, làm sáng tỏ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện để cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị do Tổ Biên tập xây dựng trên cơ sở Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị đã được Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII thông qua, chiều 27/8/2024. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện để cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị do Tổ Biên tập xây dựng trên cơ sở Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị đã được Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII thông qua, chiều 27/8/2024. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Đây là vấn đề cơ bản của cách mạng nước ta, mang ý nghĩa thực tiễn rất lớn để tiếp tục hành trình hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bổ sung và phát triển đường lối đổi mới

Văn kiện của đại hội là tầm cao trí tuệ, thể hiện bản chất cách mạng, khoa học của toàn Đảng cũng như khát vọng vươn mình của cả dân tộc. Trong đó, việc tổng kết 40 năm Đổi mới là đi sâu vào những vấn đề mới về lý luận đúc kết từ thực tiễn, định hướng lớn cho tiến trình đổi mới đất nước phù hợp xu thế phát triển mới của toàn cầu; là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIV.

Từ năm 1986, đường lối đổi mới của Đảng từng bước hoàn thiện hơn cả về phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là sự nối tiếp và khẳng định mạnh mẽ tính đúng đắn của đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Nhờ đó, sau 40 năm, quy mô nền kinh tế tăng 96 lần. Mạng lưới hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết và triển khai với hơn 60 quốc gia và nền kinh tế lớn đã góp phần đưa nước ta trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài và về quy mô thương mại. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với tám quốc gia.

Để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đại hội XIII, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Đại hội XIV rất nặng nề. Đó là kiểm điểm, đánh giá khách quan toàn diện các mặt công tác 5 năm qua; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đất nước 5 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao. Thời gian không còn nhiều, nhưng mục tiêu rất lớn. Muốn thực hiện tốt khối lượng công việc khổng lồ ấy, các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV. Trong đó việc đầu tiên là xây dựng dự thảo văn kiện, nhất là báo cáo chính trị để lấy ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu khoa học, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và đại hội đảng bộ các cấp. Điều đó không chỉ nâng cao chất lượng văn kiện đại hội mà còn là bước khởi đầu tạo khí thế mới, quyết tâm mới, khích lệ cả dân tộc trên dưới một lòng bước vào kỷ nguyên mới.

Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa. Cho nên, toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để đảm bảo Đại hội thành công thật tốt đẹp.

(Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H.2011, tr.545)

Nhìn thẳng vào sự thật để hoàn thiện chính mình

Gần 40 năm đổi mới, nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng có những khó khăn, thách thức hơn dự báo. Đó là đại dịch Covid-19, không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản mà còn làm hàng loạt cán bộ, kể cả ở cấp chiến lược vướng vào lao lý. Đến năm cuối nhiệm kỳ, sau cơn bão số 3 là đợt lũ tàn khốc càn quét nhiều tỉnh, thành phố phía bắc, gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Đây cũng là nhiệm kỳ mà công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiến hành quyết liệt nhất, nhưng vấn đề này chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có lúc, có nơi còn phức tạp. Công tác cán bộ, nhất là việc thay đổi người đứng đầu xảy ra ở nhiều cấp, thậm chí bị động bởi nhiều trường hợp phải xử lý do vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước,… Đó là những vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá khách quan để rút ra bài học cho nhiệm kỳ tới, nhất là trong việc dự báo tình hình; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết, xử lý những vấn đề nảy sinh.

Đối với mỗi đại hội, báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm; các báo cáo chuyên đề làm sâu sắc, cụ thể thêm những nội dung trong báo cáo chính trị. Các vấn đề lớn đang đặt ra cần có giải pháp cụ thể để bảo đảm hài hòa các mối quan hệ giữa kiên định với đổi mới sáng tạo; giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,… Báo cáo phải gắn kết nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa kế thừa và đổi mới; tập trung đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể trên tất cả các lĩnh vực; chú trọng tổng kết mô hình mới, cách làm hay, rút ra bài học thực tiễn có giá trị. Đặc biệt là phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, phân tích thấu đáo những yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân với thái độ cầu thị, nghiêm túc, đưa ra giải pháp khắc phục. Mỗi tổ chức đảng, cấp ủy, cán bộ, đảng viên hãy coi đại hội là dịp chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương để hoàn thiện chính mình.

Thực hiện phương châm đó, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần thống nhất sâu sắc rằng đại hội là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Dân chủ càng được phát huy một cách thực chất, đúng hướng thì việc đóng góp ý kiến càng có chất lượng để văn kiện đại hội thật sự là sản phẩm trí tuệ tập thể của toàn Đảng. Nhưng tuyệt đối không được lợi dụng diễn đàn đó để lồng ý kiến cá nhân với ý đồ riêng, mượn đổi mới để hùa theo quan điểm sai trái, xa rời mục tiêu, lý tưởng mà chúng ta đã chọn; mượn dân chủ để “bảo kê” cho việc làm trái với các nguyên tắc của Đảng; mượn nói về yếu kém để chỉ trích cá nhân, thậm chí là xuyên tạc, bôi nhọ cán bộ và chế độ, gây hoang mang tư tưởng, giảm sút niềm tin của nhân dân. Những hành vi “nối giáo cho giặc” ấy không thể chấp nhận trong mọi điều kiện, đặc biệt là trước, trong và sau Đại hội của Đảng, bởi chính đây là dịp các thế lực thù địch, phần tử bất mãn thường tập trung công kích, chống phá quyết liệt nhất.

Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy các cấp; bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực.

(Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội)

Vai trò người cầm lái cho đại hội về đích thành công

Trực tiếp chịu trách nhiệm và chuẩn bị, tổ chức đại hội không ai khác là cấp ủy. Song đáng lưu ý là, thời gian chuẩn bị và tổ chức đại hội lại được coi là rất nhạy cảm vì liên quan đến phiếu bầu. Không ít trường hợp, thời gian này thường “đi nhẹ, nói khẽ”, không dám quyết liệt, không dám làm mất lòng ai, vì cứ nghĩ như thế là đồng nghĩa với việc mất phiếu bầu. Đây là một thực tế đã xảy ra ở nơi này nơi nọ.

Đại hội đảng là sự kiện trọng đại đối với từng đảng bộ. Cấp ủy có vai trò quyết định đại hội thành công hay không. Các cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu vì trách nhiệm và danh dự mà làm việc hết mình với động cơ trong sáng thì cán bộ, đảng viên và nhân dân biết rõ nên luôn luôn ủng hộ. Mặt khác, công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng những nhiệm kỳ vừa qua được tiến hành quyết liệt, tập thể đảng viên trong đảng bộ là người nắm chắc và biết cần ủng hộ ai. Vấn đề là từng cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu phải vô tư làm hết trách nhiệm được giao. Đi liền với đó là cấp ủy cấp trên cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cho cấp ủy cấp dưới hoạt động tốt, nhất là trước những vấn đề còn ý kiến khác nhau, hay nảy sinh phức tạp trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội. Ai cũng làm việc vì tập thể, vì thành công của đại hội sẽ là chất “xúc tác” để mọi người gắn kết với nhau. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công đại thành công”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy.