Mở lối nhỏ khai thác thị trường lớn

Việc nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia mở ra cơ hội lớn để các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng mở rộng thị trường cung ứng dịch vụ và gia tăng cơ hội tiếp cận sản phẩm tài chính của các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển đổi số trong quản trị tín dụng luôn được EVNFinance chú trọng.
Chuyển đổi số trong quản trị tín dụng luôn được EVNFinance chú trọng.

Song, muốn khai thác triệt để tiềm năng của thị trường này, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng đối diện với nhiều thách thức.

Nhận diện rào cản tiếp cận vốn

Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, trong khi nhóm này đóng góp 20% doanh thu của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Một nghiên cứu gần đây của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số cho thấy, khoảng cách về tiếp cận dịch vụ tài chính giữa ba nhóm doanh nghiệp (doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ) đã bị nới rộng theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp nhỏ. Chưa kể tình hình sở hữu tài khoản, tiếp cận khoản vay từ năm 2009 đến năm 2023 đều kém đi ở cả ba nhóm doanh nghiệp này.

Viện cũng chỉ rõ, trong năm 2023, lãi suất cao là lý do chính cản trở doanh nghiệp vay vốn. Thêm nữa, các yếu tố như yêu cầu cao về tài sản bảo đảm, quy trình phê duyệt tín dụng phức tạp và sự thiếu hụt thông tin tài chính minh bạch từ các doanh nghiệp nhỏ là những nguyên nhân cơ bản khiến nhóm này khó tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng truyền thống.

Tương tự, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đóng góp 30% GDP của Việt Nam. Con đường tiếp cận vốn chính thức của nhóm này cũng gập ghềnh không kém, với 60% số hộ kinh doanh không đáp ứng được yêu cầu tài sản thế chấp của ngân hàng, 80% số tiểu thương không có lịch sử tín dụng hoặc tài sản bảo đảm đủ để vay vốn.

Nhìn chung, việc tiếp cận tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức trực tuyến, phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng phù hợp từng loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, của doanh nghiệp, nhất là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã… song từ chủ trương đến thực tiễn còn khoảng cách xa.

Kênh dẫn vốn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh

Hiện nay các quy định pháp lý mới đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng. Quy định pháp lý đồng bộ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nói chung cũng như EVNFinance nói riêng xây dựng và phát triển hạ tầng chuyển đổi số. Mặc dù số lượng tổ chức tín dụng phi ngân hàng đã tăng trưởng nhanh trong giai đoạn vừa qua, song EVNFinance đã và đang mở ra một lối đi riêng hướng đến đối tượng mục tiêu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong tổng số 26 công ty tài chính hiện nay, gần như không có công ty tài chính nào tập trung cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với các công ty tài chính tiêu dùng, 70% dư nợ phải tập trung vào khách hàng cá nhân, khoản cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa không được vượt quá 30% tổng dư nợ. Riêng EVNFinance, với thế mạnh là công ty tài chính tổng hợp không bị vướng về tỷ lệ dư nợ này như công ty tài chính tiêu dùng, nên có thể vừa cấp vốn cho khách hàng cá nhân, vừa cấp vốn cho doanh nghiệp lớn cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, EVNFinance xây dựng nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh. Để duy trì nguồn vốn, EVNFinance đã và đang mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính, quỹ nước ngoài để tiếp cận nguồn vốn chất lượng, tạo nguồn lực phát triển kinh tế xanh.

Từ định hướng cho vay dựa trên nền tảng công nghệ, EVNFinance hợp tác với các đối tác công nghệ để triển khai các sản phẩm cho vay như: cho vay bổ sung vốn kinh doanh, bao thanh toán, cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống… hướng tới tập khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và khách hàng cá nhân.

Tuy nhiên, EVNFinance cũng xác định việc triển khai kinh doanh trên nền tảng số cũng có những thách thức nhất định. Mối quan ngại chung hiện nay là sự xuất hiện tình trạng tội phạm công nghệ cao có hành vi gian lận, giả mạo, lừa đảo để trục lợi từ hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, từ đó nhằm chiếm đoạt tài sản. Khó khăn khác đến từ nhận thức và ý thức trả nợ của người vay, do đặc thù các khoản vay tín chấp không có tài sản bảo đảm. Trong khi đó, chế tài xử lý các trường hợp này chưa đủ sức răn đe, khiến quyền lợi của người cho vay chưa được bảo đảm, quá trình xử lý nợ cũng gặp khó khăn do thiếu các công cụ, tổ chức trung gian thu nợ chuyên nghiệp để hỗ trợ tổ chức tín dụng trong việc nhắc nợ, thu nợ.

Theo dữ liệu đánh giá rủi ro của Fiin Group, có khoảng 32.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, chiếm hơn một phần ba tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa cả nước, chưa tiếp cận được vốn vay mặc dù mức độ rủi ro thấp. Khoảng trống tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam ước tính là 24 tỷ USD, gấp 2,11 lần mức cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện tại.