Từ “áo mới” đến giá trị mới
Trong lịch sử hình thành, phát triển của mình, sông Hồng có vai trò hết sức quan trọng đối với Thăng Long - Hà Nội. Kinh thành Thăng Long từng có những bến sông nổi tiếng, từng là một thương cảng sầm uất. Tuy nhiên, ngay từ khi ra đời, kinh đô đã được bao bọc bằng những lớp tường thành. Lớp tường thành ngoài cùng cũng chính là “vách ngăn” của đô thị với dòng sông. Ngay cả thời kỳ phát triển nhất, kinh đô Thăng Long cũng chỉ là thành phố “một bên sông”. Sang đến thời Nguyễn, cái tên Hà Nội giống như một sự “đóng khung”. Bởi nghĩa của từ Hà Nội là “trong sông”, địa giới Hà Nội được giới hạn bởi những dòng sông. Theo thời gian, từng bước, Hà Nội “quay lưng” lại với dòng sông. Cách kiến thiết đô thị này đi ngược lại với xu thế của thế giới, khi những thành phố lớn khắp các châu lục đều tận dụng cảnh quan của dòng sông làm trục trung tâm.
Ở giai đoạn lịch sử mới, ngày 24/5/2024, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong đó nêu rõ: “Đặc biệt, cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thật sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến-văn minh -hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô”. Với việc đưa dòng sông vào giữa lòng đô thị, Hà Nội cởi bỏ chiếc áo cũ nghìn năm để khoác lên mình một diện mạo không gian mới.
Câu chuyện mở ra một giai đoạn phát triển mới cho đô thị trung tâm của đất nước không chỉ nằm ở ngôn từ. Về “phần cứng”, đó chính là Quy hoạch, tạo ra một không gian phát triển mới cho Thủ đô. Điều quan trọng hơn nữa, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua tháng 6/2024, với điểm nổi bật nhất là sự phân cấp, phân quyền; đồng thời, Quốc hội cũng đã trao cho Hà Nội những cơ chế ưu tiên, vượt trội để rộng đường cho Thủ đô phát triển.
Định vị và kiến tạo
Lịch sử nghìn năm của Thủ đô đã để lại cho thế hệ hôm nay những tài sản vô giá. Đó trước hết là kho di sản văn hóa khổng lồ, gồm 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội cũng tự hào là mảnh đất lắng đọng tinh hoa của khắp mọi miền hội tụ về. Sang đến thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Thủ đô Hà Nội được ví là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Những năm cuối thế kỷ 20-đầu thế kỷ 21, Hà Nội nỗ lực xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Khi nhận thức về văn hóa được nâng cao, khẩu hiệu trên được bổ sung thành “văn hiến, văn minh, hiện đại”. Sau khi được UNESCO vinh danh là Thành phố Vì hoà bình năm 1999, năm 2019, Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo. Gần đây, một slogan mới được sử dụng với tần suất khá cao, đó là “đô thị thông minh, thành phố kết nối toàn cầu”.
Những khẩu hiệu, danh hiệu đó cho thấy mục tiêu, triết lý phát triển mà chính quyền Thủ đô đang định vị, hướng đến. Hà Nội đang tích cực triển khai xây dựng những văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Và cũng không còn lâu nữa, Thủ đô sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp. Đây thật sự là thời điểm để định vị những giá trị cốt lõi trong giai đoạn phát triển mới. Hà Nội được xác định là đô thị đa chức năng, vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ lớn của cả nước.
Định vị giá trị cốt lõi vừa có tính thời đại, vừa không phủ nhận những giá trị truyền thống, vừa phù hợp hệ giá trị quốc gia, đồng thời, lại có thể giúp thành phố thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ khác là vấn đề không đơn giản.
Chúng ta đang ở thời đại công nghệ, khi số hóa đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Bất kể lĩnh vực nào của cuộc sống cũng cần ứng dụng công nghệ. Công nghệ giúp xây dựng thành phố thông minh, gồm có giao thông thông minh, thương mại thông minh, giáo dục thông minh, quản trị môi trường thông minh… Trong kinh tế, những lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên, bởi nó đem lại giá trị kinh tế cao, đồng thời, quay trở lại phục vụ chính nhu cầu phát triển đô thị thông minh. Hà Nội rất coi trọng vấn đề này trong các chủ trương, đường lối, cả về đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài cho đến ưu đãi đầu tư vào công nghệ cao, đặc biệt là ở lĩnh vực bán dẫn. Tuy nhiên, trong khi quanh Hà Nội đã hình thành một “vành đai” công nghệ, với những “đại bàng” làm tổ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên thì dường như Hà Nội đã “chậm chân” hơn, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố “đạt đỉnh” cũng chỉ đứng thứ 9 vào năm 2019. Riêng năm 2023, chỉ số PCI tụt xuống… thứ 28.
Trong quá trình phát triển của mình, ngay từ khi có được vị thế kinh đô, Thăng Long-Hà Nội đã là nơi nhân tài hội tụ. Tuy nhiên, bối cảnh ngày nay đã khác xưa. Đi vào chi tiết của thứ hạng PCI năm 2023, Hà Nội tăng điểm so với chính mình năm trước, nhưng thứ hạng lại giảm. Điều này cho thấy bản thân các địa phương cũng cạnh tranh quyết liệt. Và nếu không nỗ lực, Hà Nội đứng trước nguy cơ bị tụt lại trong cuộc đua ấy. Không thể phủ nhận Hà Nội có nhiều cải thiện về hạ tầng, nhưng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông vẫn là bài toán chưa lời giải. Các doanh nghiệp cũng như những nhân lực chất lượng cao có quyền lựa chọn và so sánh tổng thể các yếu tố khi chọn điểm đến, chứ không đơn thuần là yếu tố hạ tầng cho doanh nghiệp hoạt động. Đây chỉ là một thí dụ cho thấy, Hà Nội là trung tâm khoa học công nghệ, nhưng lại không dễ để thu hút đầu tư công nghệ cao. Ngay cả Khu công nghệ cao Hòa Lạc, dù đã hoạt động nhiều năm nay nhưng vẫn thiếu vắng những tập đoàn thuộc nhóm dẫn đầu thế giới.
Đưa ra thí dụ về công nghệ bởi đây là yếu tố thời đại không thể bỏ qua, yếu tố có tính động lực quyết định chất lượng phát triển kinh tế cũng như nhiều lĩnh vực khác của đời sống. Tuy nhiên, nếu chỉ chú tâm vào công nghệ, thì ta sẽ có những con người vô cảm. Những giá trị cốt lõi, triết lý phát triển phải bắt đầu từ nhu cầu nội tại, đáp ứng được nhu cầu thời đại, đồng thời, phải tạo đà để Thủ đô phát triển bền vững trên nền những đặc trưng của mình. Những khẩu hiệu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần dễ trở thành sáo rỗng. Giá trị cốt lõi, triết lý phát triển phải là những yếu tố mà người dân, doanh nghiệp cảm nhận rõ ràng những lợi ích mà nó đem đến, như một môi trường đầu tư thông thoáng, một hệ thống hạ tầng hướng đến con người, một môi trường tự nhiên đáng sống, môi trường xã hội giàu tính nhân văn, tạo cho mỗi người cơ hội để thể hiện và phát triển khả năng... Trên thế giới, không ít mô hình thành công khi xây dựng triết lý phát triển giải quyết hài hòa được cả hai vấn đề phát triển công nghệ và xây dựng môi trường sống nhân văn. Đạt được điều đó, Thủ đô Hà Nội mới thật sự nâng tầm phát triển về “chất” và nhiều bài toán khác sẽ được “giải”, điển hình như bài toán dân cư, nhân lực-Hà Nội sẽ có sức hút tự nhiên với nhân lực chất lượng cao (nhân tài) làm động lực cho sự phát triển, thay vì lo lắng về sự phức tạp của dân cư, khi mỗi năm thành phố tăng dân số cơ học thêm hàng trăm nghìn người.
Một lĩnh vực tưởng như có khoảng cách lớn với số hóa là di sản, bởi di sản là những gì của quá khứ, còn công nghệ số thuộc về hiện tại và tương lai, nhưng thực tế, số hóa lại đang góp phần bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản.