Hướng đi tiềm năng cho tài chính số

Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh vào chuyển đổi số cho ngành bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, việc này chưa có tác động đến các hộ kinh doanh cá thể, chủ tạp hóa, đặc biệt những đối tượng tương đối lớn tuổi, ít tiếp cận với trào lưu chuyển đổi số hay thương mại điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng “Eco Người tiêu dùng” giúp bảo đảm quy trình đóng học phí nhanh chóng, thuận lợi và bảo mật cao cho cả nhà trường và phụ huynh.
Ứng dụng “Eco Người tiêu dùng” giúp bảo đảm quy trình đóng học phí nhanh chóng, thuận lợi và bảo mật cao cho cả nhà trường và phụ huynh.

Vì vậy, mục tiêu cung cấp các giải pháp toàn diện, khiến công nghệ trở nên gần gũi, thiết thực đối với cả những nhóm đối tượng này đã được nhiều doanh nghiệp fintech theo đuổi. Trong đó, Công ty cổ phần Công nghệ Finviet (Finviet) lựa chọn phát triển mô hình kinh doanh kết nối “nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng” (B2B2C), dựa trên nền tảng hệ sinh thái công nghệ Eco. Từ đó, hàng triệu hộ kinh doanh, điểm bán lẻ rộng khắp trên cả nước được kết nối.

Cả hệ sinh thái nằm trong chiếc điện thoại

Hiện hệ sinh thái Eco đã được xây dựng hoàn chỉnh và trở thành nền tảng công nghệ kết nối toàn bộ chuỗi cung ứng: nhà sản xuất - nhãn hàng - nhà phân phối - ngân hàng - điểm bán lẻ, và đến tay người tiêu dùng trên khắp cả nước. Mọi khâu trung gian gây ra chi phí tốn kém không cần thiết đều được loại bỏ khi các chủ tiệm tạp hóa sử dụng “Eco Điểm bán” và “Eco Pay”.

Thay vì mua hàng theo cách thức truyền thống, các chủ tiệm tạp hóa được kết nối trực tiếp tới nhà sản xuất thông qua chỉ một App duy nhất trên điện thoại. Họ tiến hành đồng thời tất cả các công việc cần thiết để vận hành hoạt động của một tiệm tạp hóa như: đặt hàng hóa, dịch vụ, quản lý đơn hàng, triển khai chương trình khuyến mãi… được thực hiện trực tuyến giúp tối ưu chi phí và thời gian. Với giao diện thân thiện và thao tác dễ dàng, các chủ tiệm tạp hóa dù ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể thích nghi được với các nền tảng Eco tích hợp trong chiếc điện thoại.

Hiện tại, Finviet đã hợp tác với nhiều nhà phân phối có uy tín, cùng nhiều nhãn hàng nổi tiếng để phát triển hàng trăm nghìn hộ kinh doanh, điểm bán lẻ kỹ thuật số tại các khu dân cư và khu công nghiệp có mật độ dân cư cao. Các hộ kinh doanh, điểm bán lẻ sử dụng ứng dụng Eco App hỗ trợ quản lý kho hàng, lên đơn đặt hàng, theo dõi tiến độ giao hàng và thanh toán. Quy trình thanh toán, giao hàng được cá nhân hóa, quản lý đồng bộ, bảo đảm chất lượng dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Ứng dụng “Eco Người tiêu dùng” là nền tảng mua sắm đa năng, tích hợp các dịch vụ thanh toán và tài chính trong hệ sinh thái số Eco do Finviet đầu tư nghiên cứu, phát triển với giao diện thân thiện và tiện lợi nhờ những thành tựu mới nhất của khoa học trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, máy học.

Trong mùa tựu trường năm nay, dựa trên thế mạnh về công nghệ, ứng dụng “Eco Người tiêu dùng” đang góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc số hóa thanh toán học phí mọi lúc, mọi nơi cho các trường học, ngân hàng và tổ chức tài chính bảo đảm quy trình nhanh chóng, thuận lợi và bảo mật cao cho cả nhà trường và phụ huynh.

Lời giải cho bài toán đa mục tiêu

Hiện cả nước có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.000 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Trong khi các doanh nghiệp với tư cách pháp nhân đăng ký đầy đủ có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống của tổ chức tín dụng, thì nhóm doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh khó tiếp cận hơn, nhất là các hợp tác xã, hộ kinh doanh khu vực nông thôn, vùng sâu, miền núi, hải đảo.

Trong bối cảnh đó, các dịch vụ tài chính số vừa góp phần nâng cao hiểu biết tài chính, bảo đảm người dân, doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong lựa chọn, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, vừa phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt, giúp người dân không chỉ tránh được các cạm bẫy của tệ nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế số nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền và tầng lớp dân cư theo hướng bền vững.

Kể từ khi xuất hiện, các doanh nghiệp fintech với sự phát triển của các công cụ tài chính số đã làm thay đổi cách tiếp cận dịch vụ tài chính, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình có thu nhập thấp; cung cấp cho các đối tượng này một số dịch vụ tài chính với chi phí thấp cùng trải nghiệm mới dựa trên các nền tảng công nghệ mới nhất. Chính các nền tảng số này đã cho phép các fintech đưa ra nhiều sản phẩm tài chính đa dạng và tối đa hóa giá trị tạo ra cho khách hàng, giảm chi phí, rủi ro.

Không chỉ đóng góp vào xây dựng nền kinh tế số, các doanh nghiệp công nghệ tài chính đang nỗ lực để Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng tới là thông qua phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính để nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng của những người chưa được hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính; mở ra hướng phát triển đầy triển vọng đối với doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ.