Khi cấp ủy “xắn quần, lội ruộng”

Có thể việc trồng lúa là rất đỗi bình thường ở nhiều nơi, nhưng tại đô thị có tốc độ đô thị hóa bậc nhất cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh - nơi chỉ còn vẻn vẹn 5.000 ha đất lúa lại rất lạ. Đó là chuyện đã diễn ra tại xã Qui Đức (huyện Bình Chánh), khi cấp ủy Đảng nơi đây cùng với những nông dân tâm huyết ngồi lại với nhau bàn cách thực hiện mô hình trồng lúa sạch và xây dựng thương hiệu gạo cho địa phương. Điều đáng nói, là cả hệ thống chính trị của địa phương cùng xuống ruộng, khi việc này đã đưa vào nghị quyết!
Ông Trương Văn Ơn (bên trái) tự hào nói về mô hình trồng lúa đang được triển khai trên quê hương.
Ông Trương Văn Ơn (bên trái) tự hào nói về mô hình trồng lúa đang được triển khai trên quê hương.

Từ quyết tâm thoát khó ở một xã thuần nông...

Là xã khó khăn bậc nhất của huyện Bình Chánh, do đất bị nhiễm mặn, lâu nay, người dân Qui Đức luôn trăn trở với câu hỏi trồng gì, nuôi gì? Bởi tốc độ đô thị hóa nơi đây đang diễn ra nhanh, người trẻ không còn mặn mà canh tác nông nghiệp, thậm chí xa rời đồng ruộng…

Vậy nên chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đồng chí Hồ Ngọc Hiếu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã tâm đắc chia sẻ: “Thường vụ Đảng ủy xã trăn trở nhiều, bàn họp nhiều, cuối cùng ra nghị quyết “biến điểm yếu thành ưu điểm, biến đồng ruộng quê nhà thành cánh đồng trồng đặc sản là lúa ST25; tiến tới xây dựng thương hiệu Gạo Qui Đức”. Xã khó khăn, thuần nông, chỉ còn biết dựa vào nông nghiệp, nông dân!”.

Nói vậy, nhưng đưa nghị quyết vào cuộc sống không hề đơn giản, bởi muốn nông dân tin, thì phải có sự bảo đảm, có mô hình thí điểm. Ban đầu Hội Nông dân xã huy động được 16 hộ nông dân có kinh nghiệm, có đất đai và còn tâm huyết trồng lúa vào Tổ hợp tác Trồng lúa ST25, với 14,4 ha đất lúa. Rất may, anh Dương Công Duy Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: “Công ty TNHH Xúc tiến thương mại dịch vụ vận tải Tiến Phát đã đồng ý cung ứng giống, hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón… Và giờ đã sắp kết thúc vụ lúa hè-thu, sắp thu hoạch lần đầu, chúng tôi hy vọng sẽ có một thương hiệu gạo Qui Đức phát triển bền vững. Điều đáng mừng là đã có thêm nhiều nông dân trong xã đã bắt đầu tìm hiểu, viết đơn xin gia nhập tổ hợp tác”.

Theo dự kiến, sản lượng thu hoạch là 66 tấn, với giá thu mua khoảng 8 triệu đồng/tấn, vị chi là 528 triệu đồng. Để thống nhất các tiêu chí sạch, an toàn, trước khi xuống giống, Hội Nông dân tuyên truyền, chia sẻ kiến thức về quy trình trồng lúa ST25 và đưa ra những khuyến cáo khi trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ, chỉ dùng các chế phẩm sinh học và phân chuồng bón lúa. Hội Nông dân xã Qui Đức còn thực hiện bản đồ số hóa về định vị các mô hình trồng lúa ST25 của xã Qui Đức trên Google map. Từ đó, giúp doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng tìm đến các mô hình trồng lúa ST25. Đồng thời có thể truy xuất nguồn gốc, quy trình canh tác lúa ST25 đối với từng hộ sản xuất...

… Đến kỳ vọng vào những mùa vụ sáng tươi

Lật từng trang sổ ghi chép của xã, vừa giới thiệu với chúng tôi về đồng đất nơi đây, ông Trương Văn Ơn - người cả đời theo đuổi việc trồng lúa trên đồng đất Qui Đức, thành viên cao niên trong tổ hợp tác, chia sẻ, có cùng xuống đồng mới cảm nhận được cán bộ đảng viên và nông dân nơi đây nặng lòng với cây lúa như thế nào. Chúng tôi đặt rất nhiều niềm tin vào tổ hợp tác này.

Và đã là thời điểm cận kề thu hoạch, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thanh Bạch đứng ngồi không yên. Ngoài liên hệ các đầu mối, anh Bạch còn liên tục có mặt trên các cánh đồng đang thực hiện mô hình để ngắm nghía, nâng niu cây lúa… Có thể thấy bằng tất cả tâm sức và trí tuệ, Đảng ủy xã Qui Đức đang rất kỳ vọng vào mô hình rất độc đáo này, anh Bạch nói: “Mình có đồng đất, còn thiên nhiên, mình sẽ bán những cái mình có, đó là cảnh quan, là không khí trong lành, là gạo thơm”.

Góp vào câu chuyện giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hồ Minh Tân nói: “Khi xây dựng thương hiệu, cần thiết kế logo, thiết kế bao bì loại 2 kg và 5 kg để thuận tiện đưa ra thị trường và cần chiết tính chi phí vận chuyển từ điểm tập kết đến điểm sấy và xay xát lúa do đặc thù thành phố khác Đồng bằng sông Cửu Long. Tổ hợp tác cần thông báo trước cho bên phía công ty và cung cấp số tài khoản cho phía họ để thuận tiện trong thanh toán tiền thu mua của hộ dân”.

Còn theo anh Thái Quang Duy, Chủ nhiệm Tổ Hợp tác, đến ngày thu hoạch lúa, tổ sẽ giúp nông dân thu hoạch lúa đóng bao 50 kg theo quy cách và đưa đến điểm tập kết, thuận tiện cho xe vận chuyển tới nhà máy sấy và xay xát. Trong vụ đầu tiên, xã còn vận động “mượn” lò sấy và nông dân chỉ trả tiền điện, tạo khí thế và tiết kiệm.

Theo những kiến thức ông Trương Văn Ơn vừa được “cập nhật” từ các kỹ sư nông nghiệp, giống lúa ST25 là giống lúa thuộc nhóm cao cây, thân dài bông to nên nhiều hạt và năng suất cao. Đặc biệt là “nó” chịu mặn, kháng đạo ôn và bệnh bạc lá, thân cứng chống đổ ngã, rất hợp đồng đất Qui Đức.

Ông Ôn hồ hởi: “Các giống xưa như thơm lài, nàng hương, nàng thơm… thì bà con trồng cả trăm năm nay nhưng ưu điểm của ST25 làm ai cũng mê, đó là sản phẩm hạt gạo trắng, thon dài, thơm, mềm cơm. Nông dân chúng tôi đã ăn thử, và quyết trồng bằng được. Bởi vậy mà chỉ vì chuyện trồng lúa thôi, cả đảng ủy xã đều đồng lòng. Từ thành công này, nông dân Qui Đức có thể sẽ có hướng đi mới, bền vững, và có thể gắn bó dài lâu cùng ruộng đồng và cây lúa”.