Còn chồi nảy cây...

Cơn bão lịch sử Yagi đã gây nên những thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp nhiều tỉnh, thành phố. Dẫu khó khăn chồng chất, nhiều hộ nông dân vẫn gắng gỏi mót nhặt những gì còn sót lại, gom góp vốn để đầu tư gieo trồng, sản xuất chăn nuôi, với niềm hy vọng “còn chồi nảy cây”.
Nhờ "sơ tán" được một ít chậu giống hoa cúc, ông Trần Văn Thân, làng Xuân Quan (Văn Giang) đã tỉa ra để trồng lại.
Nhờ "sơ tán" được một ít chậu giống hoa cúc, ông Trần Văn Thân, làng Xuân Quan (Văn Giang) đã tỉa ra để trồng lại.

Nhọc nhằn khôi phục sản xuất

Tranh thủ chiều nắng, anh Nghiêm Văn Kế, làng Kim Quy, xã Minh Tân (Phú Xuyên-Hà Nội) ra đồng trồng lại ruộng rau cải hai sào. Cũng bởi, mưa liên tiếp những ngày qua đã làm chết gần hết lứa bắp cải mà vợ chồng anh vất vả trồng từ cuối tháng 8. Sau bão ít ngày, Kế tranh thủ trồng bắp cải nhưng cây giống quá bé, gặp mưa nên chết hết. “Cả góc đồng “ba sạch” anh ạ! Người dân cứ vất vả giằng co mãi với mưa”, giọng anh Kế nghẹn lại.

Kế già hơn nhiều so với tuổi ngoài 40. Chục năm trước đi làm gạch thuê, chẳng may bị máy nhào đất tiện mất một cánh tay, càng khiến dáng đi của anh trở nên nặng nhọc. Là nông dân, người bình thường cố gắng một thì Kế phải cố gắng hai. Khổ nỗi, thời tiết ngày càng khắc nghiệt khiến công việc nhà nông, nhất là nghề trồng rau thêm phần vất vả.

Ở thửa ruộng kế bên hộ anh Kế, chị Bùi Thị Ngân đang trồng lại những luống su hào để nếu may mắn, hai tháng rưỡi nữa sẽ cho thu hoạch. Nhà chị trồng bốn thửa với tổng năm sào rau, nhưng đều bị bão làm hỏng. Chị Ngân tâm sự: “Những năm trước, thời điểm này cánh đồng quê hương đã trải mầu xanh tốt, cho thu hoạch. Nhưng năm nay nhiều hộ mất trắng. Sau bão là mưa kéo dài, lúc nắng lại gắt, làm đất chua nên cứ đặt cây gì xuống là chết. Mà cây giống cũng đắt đỏ, khó mua vì ruộng vườn của các hộ sản xuất cây giống cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đúng là thiệt đơn thiệt kép!”. Nhìn sang những thửa ruộng khác cũng đang thấp thoáng bóng người, chị Ngân tự động viên: “Nhưng cả làng, cả xã như vậy chứ đâu riêng mình. Vẫn phải làm thôi…”.

Kim Quy và Thành Lập được mệnh danh là “thủ phủ” rau xanh, cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình… với khoảng 600 hộ gắn bó với nghề. Vào chính vụ, hàng đoàn xe thồ, xe máy của người dân được chất đầy rau xanh tỏa đi các chợ từ sáng sớm. Ông Nguyễn Văn Trung, làng Thành Lập, chỉ về phía làng, tự hào: Quê chúng tôi đất tốt, phù hợp với các loại rau xanh, rau gia vị. Người dân chúng tôi chịu khó nên xây được nhiều nhà hai, ba tầng. Nhưng năm nay, quả là rất khó khăn…!

Huyện Phú Xuyên có nhiều khu dân cư sinh sống, sản xuất ở vùng bãi sông Hồng. Do điều kiện tự nhiên nên không ít thôn, xóm vừa có ruộng đồng trũng, vừa có đất đồng cao kết hợp chăn nuôi. Sau bão, lũ, ngoài việc thu hoạch lúa vùng trũng, trồng hoa mầu vùng cao, người dân còn phải lo việc tái lập đàn gia cầm, gia súc, cải tạo ao đầm để thả cá… Anh Nguyễn Bá Trung, một hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Khai Thái, đã đầu tư hơn chục tỷ đồng vào trang trại, nhưng trận bão đã cướp hết. Ông Nguyễn Huy Tiền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khai Thái, kiến nghị: Địa phương đã báo cáo thiệt hại lên cấp trên. Mong rằng sẽ có chính sách hỗ trợ kịp thời, tạo động lực cho bà con phục hồi sản xuất.

Thời điểm này bà con nông dân các xã Hồng Vân, Hà Hồi, Tự Nhiên… thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) cũng bắt tay vào khôi phục sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hải, làng Cơ Giáo (xã Hồng Vân), cho hay, với những ô ruộng thấp còn bùn, bà con phải chờ khô mới cải tạo được. Riêng những ô ruộng cao, khô ráo trước thì phải sản xuất nhanh. Đồng cam cộng khổ với bà con nông dân, ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Vân chia sẻ: “Thời tiết năm nay quá bất thường, sau bão trời vẫn mưa liên miên, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động khôi phục sản xuất của bà con nông dân. Tuy nhiên, địa phương đã và đang tích cực có các biện pháp động viên, chia sẻ để giúp người dân vươn lên”.

Còn chồi nảy cây... ảnh 1

Nông dân xã Hạ Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội tranh thủ gieo củ cải.

Gắng gỏi cho mùa mới

Nằm sát sông Hồng, nên những huyện như Khoái Châu, Kim Động, Văn Giang (Hưng Yên) chịu thiệt hại nặng do lũ lụt… Trong đó, Phụng Công và Xuân Quan (huyện Văn Giang) là những xã chịu thiệt hại nặng nhất bởi các loại hoa, cây cảnh giá trị kinh tế cao bị ngập và chết. Người làng hoa kể, ngày 11/9/2024, vỡ đê bao Văn Đức, nước lũ tràn vào làm toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Xuân Quan, Phụng Công… bị ngập. Riêng hai cụm dân cư của thôn 10 Xuân Quan bị nước cô lập ba ngày.

Nước rút, người dân phải nhặt nhạnh lại những cây chưa chết hẳn để ươm lại và dọn dẹp nhà vườn với la liệt cây khô, chậu hỏng, giàn đổ, nhà lưới rách tươm. Với các hộ đầu tư diện tích lớn, riêng dọn dẹp và cải tạo nhà vườn phải mất cả tháng, việc thuê lao động cũng rất tốn kém.

Tranh thủ trời nắng, ông Trần Văn Thân bấm mầm cúc, trồng lại trên những chiếc chậu nhỏ. Số giống ít ỏi đó là những gì còn lại trong lúc cấp bách, các thành viên gia đình ông mỗi người khuân vài chậu về nhà, nhờ vậy mới có mầm để tách ra và trồng xuống. “Có người hỏi dân chúng tôi, sao nước lên không di chuyển hoa? Di chuyển làm sao được khi ở đâu cũng ngập nước và mỗi hộ có từ vài nghìn đến hàng vạn chậu cảnh lớn nhỏ? Chỉ những hộ trồng lan mới có giàn, nhưng nhiều giàn đã đổ từ trong bão rồi… Dân chúng tôi, người mất ít cũng không dưới 100 triệu đồng, nhưng phải tích cực sản xuất để kiếm lấy cái Tết”, ông Thân xót xa.

Cũng chỉ cứu được một phần sau bão, ông Nguyễn Văn Tuyên, một trong những người đưa nghề hoa, cây cảnh về làng đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để làm nhà lưới, trồng hoa lan, tạo công ăn việc làm cho 20 người. Ông Tuyên kể: “Khi biết tin nước bắt đầu tràn vào, chúng tôi đã huy động người mang hoa treo lên giàn giáo dựng tạm. Nhưng chỉ được một phần thì nước đã dâng cao, chúng tôi đành bỏ của chạy lấy người. Thiệt hại 10 tỷ đồng”.

Ông Lê Mạnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Quan là một trong nhiều cán bộ địa phương “đi hai chân” - vừa là công chức, vừa là thợ vườn. Gia đình ông thiệt hại hơn 500 triệu đồng bởi lũ lụt. Chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần, ông Tuyến cho biết: “Trong xã chúng tôi có hơn 250 ha hoa, cây cảnh bị chết, ước tính thiệt hại khoảng 450 tỷ đồng. Thiệt hại nặng nhất là các chủ vườn Đông Ngân, Chuyển Lạng, Cường Hướng, Quỳnh Chiên, Kiên Hiên… Thế nhưng hoa, cây cảnh lại không nằm trong danh mục hỗ trợ thiên tai trong Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Lãnh đạo xã Xuân Quan cho biết thêm, địa phương đang kiến nghị với lãnh đạo huyện có giải pháp, kiến nghị với ngân hàng hỗ trợ bà con giãn nợ cũ, vay vốn để sản xuất. “Chúng tôi đã liên hệ với các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu giúp đỡ bà con. Bà con cũng đã gặp các mối nhập cây con, mua hạt giống mới để sau khi khử khuẩn đất là bắt tay vào gieo trồng cho kịp thời vụ”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Tiếp giáp Xuân Quan là làng Phụng Công, với 1.800 hộ theo nghề. Bị thiệt hại gần hết diện tích hoa, cây cảnh, người dân nơi đây cũng đang gắng gượng khôi phục sản xuất. Với những loại ngắn ngày người dân có thể sản xuất ngay để bán dịp Tết dương lịch và Nguyên đán nhưng với những loại cây dài ngày, phải mất một vài năm mới có thể xuất bán.

Dọc đê sông Hồng từ Văn Giang đến thành phố Hưng Yên, nhiều cánh đồng vẫn nhuốm màu ảm đạm, xơ xác vì bão lũ. Song, ở “vựa chuối” tiêu hồng thuộc huyện Khoái Châu, mầu xanh đang dần trở lại. Người dân đang cắt xén những thân chuối đổ gãy, chăm sóc cho những mầm non để chừng một tuần nữa thì tách ra làm giống. Một số hộ vài năm qua chuyển đổi từ trồng chuối sang trồng đào. Dù ít nhiều bị thiệt hại, những gốc đào ở đây khỏe khoắn, vững vàng, đang dần hồi phục sức sống.

Còn người là còn của, niềm tin đó đang trở thành trợ lực giúp những người nông dân chăm chỉ, hay lam hay làm vực dậy sau gian khó. Song, để nông dân vững tâm hơn trong nỗ lực phục hồi sản xuất, rất cần sự chung tay giúp đỡ của các cơ quan chức năng với cơ chế hỗ trợ về vốn, giải pháp cung ứng đủ số lượng giống cho sản xuất, trong đó ưu tiên các hộ bị thiệt hại nặng có nhu cầu vay vốn phục hồi và phát triển sản xuất.