Mở tiềm năng từ tư duy mới

Giảm rác thải nhựa nói riêng, để góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu nói chung là những chủ đề nóng được cả thế giới quan tâm nhiều trong những năm gần đây.
Lực lượng thu gom phế liệu cho thấy hiệu suất cao trong thu gom rác thải nhựa.
Lực lượng thu gom phế liệu cho thấy hiệu suất cao trong thu gom rác thải nhựa.

Báo động vẫn ở mức cao

Theo số liệu được Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Nếu năm 2019, cả nước phát sinh khoảng 64.658 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày thì đến nay là 67.877,34 tấn/ngày. Trung bình mỗi năm, cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, phần lớn là túi nylon. Ước tính, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng một kilogram túi nylon mỗi tháng.

Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế. Có đến 90% tổng khối lượng rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt; chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Càng nguy hiểm hơn khi có tới khoảng 80% tổng khối lượng rác thải nhựa trên đại dương có nguồn gốc từ đất liền, 20% còn lại từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển.

Tác hại về lâu dài của thực trạng này đã được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nhiều biện pháp cũng đã được các tỉnh, thành phố triển khai theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, cho thấy hiệu quả giảm rác thải nhựa trên biển thuộc địa bàn. Thí dụ, tại tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai lắp đặt các thùng rác nổi trên biển để tập kết rác trước khi vận chuyển lên bờ.

Trong cuộc hội thảo hằng năm của Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) Việt Nam, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam chủ trì, được tổ chức hồi giữa tháng 9 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Mỹ Hằng, Phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đánh giá: Rác thải nhựa vẫn là vấn đề nhức nhối. Hệ thống thuế, phí cho rác thải nhựa phải được xây dựng kèm các quy định cụ thể. Quan trọng là cần hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ, đi kèm với các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất nhựa tái chế.

Cần các biện pháp bao trùm

Hiện nay, trên cả nước có 340 cơ sở đốt chất thải rắn, 30 cơ sở xử lý chất thải rắn thành phân hữu cơ, mùn cưa, 1.178 cơ sở chôn lấp chất thải rắn, trong số này vẫn còn nhiều cơ sở chưa bảo đảm vệ sinh, xử lý nhựa chủ yếu bằng cách chôn lấp, không tái chế.

Hướng đến giải quyết các vấn đề đó, Tiến sĩ Nguyễn Mỹ Hằng đề xuất: "Cần thường xuyên thực hiện đánh giá tổng thể về thực trạng ô nhiễm nhựa nói chung và ô nhiễm nhựa đại dương ở Việt Nam nói riêng. Đưa ra các chế tài quản lý hiệu quả vòng đời nhựa một cách cụ thể và bài bản hơn. Nâng cao nhận thức cộng đồng, như xây dựng đô thị giảm nhựa, đặc biệt là các đô thị gần biển, trường học không rác thải nhựa…. Tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trong điều tra khảo sát, quan trắc, giám sát, phát triển nhựa thân thiện với môi trường. Cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nhựa để phát triển, nghiên cứu các loại nhựa thân thiện".

Bên cạnh đó, chuyên nghiệp hóa lực lượng thu gom phế liệu là một trong những sáng kiến được nhấn mạnh.

Chị Nguyễn Ngọc Lý, người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), phân tích: Lực lượng thu gom phế liệu tại Việt Nam hiện nay có khoảng 1-2 triệu người, mức thu nhập trung bình từ 4-6 triệu đồng/tháng. Phần lớn trong số họ đều không có kiến thức về vệ sinh an toàn lao động nhưng đây lại là những người đóng góp đáng kể vào việc thu gom và tái chế rác thải nhựa, do đó, nếu có thể chính thức hóa và chuyên nghiệp hóa lực lượng này, họ sẽ trở thành "cánh tay đắc lực" cho công tác giảm và tái chế rác thải nhựa. Dự kiến, nếu hiện thực hóa ý tưởng này, có thể cải thiện sinh kế cho hơn 50.000 người thu gom phế liệu. Lượng chất thải nhựa có thể tái chế từ nguồn cung có trách nhiệm là 100.000 tấn.

Liên quan đến lực lượng lao động nói trên, có thể thấy, về chính sách, hiện Luật Lao động có đề cập Công tác môi trường và Biến đổi khí hậu là dịch vụ đặc biệt, được hưởng chế độ đặc biệt. Hay trong Luật Việc làm đang trong quá trình lên kế hoạch sửa đổi, cũng bổ sung các điều khoản hỗ trợ chính thức hóa lao động phi chính thức.

Về tài chính, Quỹ Việc làm quốc gia có khoản Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tuyển dụng lao động phi chính thức. Nhưng lại chưa có chính sách cụ thể nào hỗ trợ các cơ sở thu mua phế liệu trở thành doanh nghiệp tái chế có đăng ký và tuyển dụng được lao động phi chính thức.

Về giáo dục, các trung tâm dạy nghề hiện nay có chính sách Hỗ trợ tài chính cho lao động phi chính thức được tham gia học tại các trung tâm đào tạo nghề tại địa phương, kết hợp với các dự án đào tạo từ các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, hoàn toàn có thể tạo điều kiện, trang bị cho đội ngũ "đồng nát, ve chai" những kỹ năng và kiến thức mới về chất thải, từ đó nâng cao năng lực.

Nhìn chung, để có thể tận dụng tối đa tiềm năng đội ngũ thu gom phế liệu trong chuỗi giá trị nhựa bao trùm, tạo ra tác động tích cực với môi trường, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các bên liên quan. Qua đó, có thể thiết kế một mạng lưới chính sách xuyên suốt, quy định rõ ràng về trách nhiệm của mỗi bên, tránh sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực.