Làn khói độc âm thầm

Theo điều tra tại hai đô thị lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển, trung bình có 12,7 điểm bán lẻ thuốc lá (cả truyền thống và thế hệ mới) trong bán kính 100m quanh mỗi trường học.
Mỗi học sinh đều có thể dễ dàng sắm cho mình một loại thuốc lá thế hệ mới.
Mỗi học sinh đều có thể dễ dàng sắm cho mình một loại thuốc lá thế hệ mới.

“Tại sao người lớn lại bán thuốc lá điện tử cho học sinh?”

Đó là câu hỏi của “cử tri nhí” Nguyễn Ngọc Ngân đến từ Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra trong chương trình tiếp xúc “cử tri” trẻ em, chuẩn bị cho phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần 2 dự kiến được Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương tiến hành cuối tháng 9 này. Câu hỏi đã phản ánh thực trạng đáng báo động trong môi trường học đường: Thuốc lá điện tử thế hệ mới đang len lỏi tiếp cận môi trường học đường, còn người lớn lại chính là đối tượng tiếp tay!

Ngân kể thêm: “Ngay tại các tiệm tạp hóa, xe hàng rong chung quanh cổng trường học vẫn bán cả thuốc lá truyền thống lẫn thuốc lá điện tử cho học sinh”.

Còn em Huỳnh Anh Thư (lớp 9/2 Trường trung học cơ sở Nguyễn Du, Thành phố Hồ Chí Minh) lại kể về vấn đề trên một nền tảng khác: “Em có thể xem được tràn lan các bài quảng cáo về thuốc lá điện tử trên mạng xã hội. Điều vô lý hơn là dưới mỗi bài đăng quảng bá sản phẩm của họ còn đính kèm dòng cam kết Sản phẩm không có hại cho sức khỏe, khiến nhiều bạn học của em vin vào lý do đó để sử dụng công khai!”.

Số liệu nghiên cứu sơ bộ tại 11 tỉnh, thành phố do Bộ Y tế công bố đầu năm 2024 càng khẳng định thực trạng trên: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở độ tuổi 13-15 đã tăng hơn hai lần chỉ trong vòng một năm (từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023).

Điều đáng nói, phần lớn giới trẻ đều cho rằng, thuốc lá điện tử không gây hại, không gây nghiện, vì không có nicotine, thậm chí còn có thể được sử dụng thay thế để... cai nghiện thuốc lá thông thường.

Thêm vào đó, mẫu mã đa dạng, nhỏ gọn bắt mắt, phương thức quảng cáo đánh thẳng vào thị hiếu giới trẻ, giá thành lại rẻ, khiến mỗi học sinh đều có thể dễ dàng sắm cho mình.

Nguyên nhân và thực trạng của vấn đề thuốc lá điện tử đang len lỏi vào học đường, còn đối tượng sử dụng đang dần trẻ hóa đã được đề cập đến nhiều trong thời gian qua. Câu hỏi quan trọng cần được trả lời ngay lúc này là làm sao để ngăn chặn xu hướng ấy?

Vừa qua, trong Công điện được gửi tối 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương áp dụng nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử, nung nóng. Trong đó, vẫn nhấn mạnh giải pháp hàng đầu là tăng cường truyền thông, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá thế hệ mới. Tuy nhiên, rõ ràng công tác tuyên truyền, cách thức tiếp cận truyền thông đến các bạn trẻ còn nhiều hạn chế.

Trước hết về công tác nêu gương, nhiều chuyên gia cho rằng, chính một bộ phận không nhỏ phụ huynh, thậm chí là giáo viên vẫn sử dụng thuốc lá, hoặc thuốc lá điện tử, tạo hình ảnh xấu. Do đó, biện pháp đầu tiên phải là tăng cường trách nhiệm, sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục cho trẻ em về tác hại của thuốc lá thế hệ mới.

Cùng với đó, cần huy động sự tham gia của Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội, cộng đồng cùng tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá. Đặc biệt phải đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước với thực trạng buôn bán thuốc lá quanh khu vực trường học.

Bạn Huỳnh Anh Thư bày tỏ một vài kiến nghị để các kênh truyền thông của Nhà nước, nhà trường có thể tiếp cận giới trẻ: “Đẩy mạnh tuyên truyền với học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử là điều mà em nhận thấy các thầy cô trong trường học, cũng như báo đài đã nhắc đến rất nhiều. Nhưng theo em, để có thể gần gũi hơn, trực quan hơn trong mỗi chương trình tuyên truyền như vậy các thầy cô có thể thiết kế những mô hình mô phỏng cơ quan hô hấp, đặc biệt là phổi, để chúng em được quan sát và nắm rõ hơn. Và em nghĩ quan trọng hơn cả là môi trường mạng xã hội, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng truy vết, khóa hết các tài khoản đăng bài, xử phạt thật nặng người lớn bán thuốc lá điện tử cho trẻ em!”.

GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế rất vui mừng khi trẻ em quan tâm đến tác hại của thuốc lá và ảnh hưởng của thuốc lá tới sức khỏe. “Việc hít phải khói thuốc còn độc hại hơn người hút. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay đã không bao phủ hết, trong đó có việc thuốc lá mới, thuốc lá điện tử… có tác hại không khác gì thuốc lá thường và còn nguy hiểm khi sử dụng như có thể gây cháy nổ”. Ông cho rằng, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về việc cấm lưu hành, cấm sản xuất, sử dụng các loại thuốc lá mới. Qua phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, qua ý kiến của các “cử tri nhí” ông mong muốn công tác này sớm được thúc đẩy, để bảo vệ trẻ em tránh được tác hại của thuốc lá.