Lỗ hổng trong quy định đóng bảo hiểm xã hội:

Lợi trước mắt, thiệt lâu dài

Chia nhỏ thu nhập để đóng bảo hiểm xã hội ở mức thấp là “chiêu” lách luật mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện. Dù mang lại lợi ích trước mắt là số tiền thực lĩnh hằng tháng cao hơn, song lại gây ảnh hưởng về lâu dài với người lao động là mức lương hưu thấp. Nhiều chuyên gia cho rằng, phải xây dựng hệ thống quy định chặt chẽ, thống nhất, đồng thời có những giải pháp tốt hơn để ngăn chặn tình trạng này.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động cần chủ động bảo vệ quyền lợi sau này của mình.
Người lao động cần chủ động bảo vệ quyền lợi sau này của mình.

Lương hay thu nhập?

Chị Lê Thị Tuyến, công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, lo ngại với mức đóng bảo hiểm xã hội hiện ở mức thấp, khi nghỉ chế độ, khoản lương hưu của chị sẽ rất nhỏ. Hiện lương của Tuyến khoảng 10 triệu đồng/tháng, nhưng công ty để mức 5,1 triệu đồng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (tức mỗi tháng, chị đóng khoảng 535 nghìn đồng). Phần thu nhập còn lại được “bổ” nhỏ thành các khoản hỗ trợ, như ăn trưa, xăng xe, điện thoại, phụ cấp… “Đối với nhiều công nhân, được lợi vài trăm nghìn mỗi tháng cũng rất đáng kể trong thời buổi giá cả leo thang. Họ sẵn sàng đồng thuận với doanh nghiệp xén bớt quyền lợi tương lai của mình”, chị Tuyến bộc bạch.

Cách đây ít năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam áp dụng mức đóng dựa vào thu nhập thực tế. Bởi mức đóng thấp kéo theo mức hưởng thấp, khiến chính sách bảo hiểm giảm sức hút, nhiều người sẽ chọn nhận trợ cấp một lần. Tuy nhiên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lại hướng dẫn, ngoài lương cơ bản, phần thu nhập bổ sung có tính cố định mới phải đóng bảo hiểm xã hội. Điều đó dẫn đến chuyện ở không ít doanh nghiệp, công nhân lĩnh 20 triệu đồng nhưng mức đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng một nửa, có trường hợp “lương phụ cao hơn lương chính”.

Ông Lại Thế Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình (Khu công nghiệp Tân Bình), cho rằng, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là yếu tố quyết định mức hưởng các chế độ sau này của công nhân. Do vậy, doanh nghiệp cần xây dựng bảng lương, bậc lương cụ thể để làm căn cứ trả tiền lương, xét nâng lương định kỳ và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Xây dựng hệ thống quy định chặt chẽ, thống nhất

Tại Khoản 1, Điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực ngày 1/7/2025), có quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã quy định chặt chẽ hơn Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại doanh nghiệp lách luật để đóng mức bảo hiểm xã hội thấp. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng vẫn phải tăng cường thanh, kiểm tra, bảo đảm việc chấp hành nghiêm của các doanh nghiệp, góp phần an sinh xã hội. Thêm nữa, các cấp công đoàn cũng phải tăng cường giám sát, đổi mới, nâng cao hơn nữa vai trò là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Theo nhiều chuyên gia, để bảo vệ quyền lợi của người lao động, cơ quan chức năng phải tăng cường các biện pháp xử lý trường hợp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhìn nhận, nợ đọng bảo hiểm xã hội là vấn đề lớn, để lại hệ lụy cả trước mắt và lâu dài. Mặc dù hệ thống pháp luật hiện có đã tạo hành lang pháp lý để xử lý các trường hợp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhưng thực tế, vẫn còn thiếu thống nhất, dẫn đến thiếu tính khả thi.

Theo luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, ngành Bảo hiểm xã hội chỉ có quyền kiểm tra ở một số khía cạnh, khi phát hiện sai phạm của các doanh nghiệp mới đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc xử phạt. Nhưng khi vào cuộc, cơ quan này lại không thể dùng kiến nghị của Bảo hiểm xã hội để xử phạt mà phải quay lại quy trình thanh tra, dẫn đến mất thời gian. Một điều nữa, chức năng thanh tra, xử phạt thuộc thẩm quyền của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, song nhân lực thanh tra của ngành còn hạn chế.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cho phép người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung để hưởng lương hưu mức cao. Theo đó, mức đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ do người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận. Để quy định chi tiết về việc tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, Bộ Tài chính đang phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành thông tư hướng dẫn văn bản thỏa thuận tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.