Ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ

Cơ sở y tế tại nhiều tỉnh, thành phố đang tập trung nguồn lực cứu nạn nhân chấn thương sau bão, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau đợt mưa lũ lịch sử.
0:00 / 0:00
0:00
Vừa điều trị bệnh nhân, cơ sở y tế tại tỉnh Quảng Ninh vừa gia cố cơ sở vật chất bị hư hại sau mưa bão. Nguồn: SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG NINH
Vừa điều trị bệnh nhân, cơ sở y tế tại tỉnh Quảng Ninh vừa gia cố cơ sở vật chất bị hư hại sau mưa bão. Nguồn: SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG NINH

Ngày 16/9, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đã ký ban hành Công văn số 5481/BYT-KCB gửi các sở y tế, các bệnh viện và y tế các bộ, ngành về việc bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt do cơn bão số 3.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện trực thuộc, bệnh viện thuộc các trường đại học y, dược; và bệnh viện tại các tỉnh, thành phố có điều kiện về chuyên môn, không bị ảnh hưởng bão, lụt sẵn sàng chi viện, thành lập đoàn công tác để tăng cường nhân lực điều trị và phòng chống dịch bệnh cho các bệnh viện tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ, kết nối hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa, tiếp nhận người bệnh.

Với các bệnh viện, cơ sở y tế tại các vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Bộ Y tế lưu ý, không thu viện phí các khoản không được bảo hiểm y tế thanh toán đối với các nạn nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổng hợp chi phí điều trị và báo cáo sở y tế; phối hợp tiếp nhận, phân phối, sử dụng các khoản hỗ trợ của tổ chức, cá nhân, theo đúng quy định của pháp luật.

Khắc phục nhanh nhất các thiệt hại

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, mưa lũ lịch sử khiến nhiều cơ sở khám chữa bệnh bị ảnh hưởng và hư hại, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hòa Bình...

Với tinh thần “4 tại chỗ” được chỉ đạo xuyên suốt ngay khi bão, lũ xuất hiện, các bệnh viện nhanh chóng thực hiện di dời tài sản, vật tư y tế, sơ tán bệnh nhân nội trú đến khu vực an toàn; bảo đảm việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Ông Lê Minh Quang, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hải Phòng cho biết, ngay sau bão, các đơn vị đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân. Các vật tư y tế, thuốc men, hóa chất được các cơ sở y tế bảo đảm, đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị cho người dân. Hiện hầu hết các cơ sở y tế vẫn bảo đảm tại chỗ nguồn nhân lực, vật lực, chưa cần hỗ trợ của sở.

Tại Quảng Ninh, đại diện Sở Y tế tỉnh cho biết, toàn bộ 24 đơn vị khám chữa bệnh đều bị thiệt hại về cơ sở vật chất, lưới điện do bão số 3. Ngay sau bão, ngành y tế đã chủ động khắc phục thiệt hại, chủ động triển khai phòng chống dịch bệnh. Đến nay nhiều cơ sở y tế đã được cấp điện, cán bộ y tế cùng lực lượng địa phương dọn dẹp cây xanh, các khu nhà bị hư hại, tốc mái, bảo đảm công tác cấp cứu, điều trị người bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tập huấn công tác y tế và phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ. Bảo đảm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người dân; xử trí sơ cứu, cấp cứu ban đầu và vận chuyển người bệnh an toàn đối với một số dạng chấn thương, tai nạn thường gặp.

Ngăn chặn dịch bệnh bùng phát

Theo đại diện Bộ Y tế, ngay sau bão số 3, Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo sở y tế các địa phương bị ảnh hưởng nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh có thể bùng phát sau bão lũ. Bộ đã hướng dẫn các địa phương, lực lượng y tế dự phòng cấp phát thuốc thiết yếu như: thuốc nhỏ mắt, thuốc tiêu chảy, sát trùng, băng bông cá nhân, thuốc hạ sốt… Đây là những loại thuốc cần thiết giúp người dân có thể tự chăm sóc sức khỏe trong điều kiện hiện nay. Đặc biệt là ở các địa phương đang bị cô lập do bão lũ.

Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng cho biết, hiện Bộ Y tế đã triển khai đánh giá tình hình ảnh hưởng sau bão lũ của các địa phương để có phương án hỗ trợ chuyên môn, ngân sách chống dịch phù hợp. Theo ông Tâm, những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ là sốt xuất huyết, sốt rét, cảm cúm, da liễu, đau mắt đỏ; bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy… Nguyên nhân bởi nguồn nước, nguồn thực phẩm có nguy cơ bị ô nhiễm do các mầm bệnh có sẵn trong nước, chất thải của người và động vật. Người dân vùng bão lũ thiếu nước sạch sinh hoạt, sử dụng nguồn thực phẩm không bảo đảm dễ dẫn đến nhiễm bệnh.

Chuyên gia y tế Trần Đắc Phu cũng cho rằng, sau bão lũ, người dân dễ có nguy cơ mắc bệnh, chấn thương nhưng khi mắc bệnh lại không tiếp cận kịp với dịch vụ y tế. Vị chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên e ngại đến bệnh viện, trạm y tế khi có vấn đề về sức khỏe, nhất là khi mắc các bệnh cần được cấp cứu kịp thời như bị chảy máu dạ dày, đột quỵ... Trong trường hợp không thể đến cơ sở y tế, cần tìm mọi cách để được tư vấn online bác sĩ, qua đó bác sĩ đưa ra chẩn đoán, lời khuyên, chứ không nên tự chữa hoặc để qua giai đoạn có thể điều trị hiệu quả nhất.