Bình luận

Vòng xoáy bạo lực

Tấn công và trả đũa
0:00 / 0:00
0:00
Chim bồ câu bay trên đống đổ nát của căn nhà bị vụ tấn công của Israel phá hủy tại Khan Younis, phía nam Dải Gaza tháng 10/2023. Ảnh | REUTERS/ Ibraheem Abre Mustafa
Chim bồ câu bay trên đống đổ nát của căn nhà bị vụ tấn công của Israel phá hủy tại Khan Younis, phía nam Dải Gaza tháng 10/2023. Ảnh | REUTERS/ Ibraheem Abre Mustafa

Hơn một tháng trôi qua kể từ khi hơn 2.000 quả rocket do lực lượng Hamas, phong trào vũ trang Hồi giáo đang kiểm soát Dải Gaza, dội xuống các thành phố thị trấn của Israel ngày 7/10. Cũng trong ngày đó, hơn 1.000 tay súng Hamas đã tràn vào các thị trấn làng mạc của Israel, tấn công cả các căn cứ quân sự và điều bất ngờ hơn cả, bắt giữ nhiều binh sĩ và người dân Israel làm con tin. Chiến dịch “Cơn bão Al Aqsa” của Hamas nhằm vào Israel đã làm chấn động thế giới, kéo theo nó những hệ lụy thảm khốc mà cho đến nay người ta chưa thể lường hết được.

Tính cho đến những ngày cuối tháng 10, do hậu quả của “Cơn bão Al Aqsa”, tổng cộng khoảng 1.400 binh sĩ và dân thường Israel đã thiệt mạng, một con số thiệt hại nhân mạng cao khủng khiếp đối với Tel Aviv.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhanh chóng tuyên bố đất nước “trong tình trạng chiến tranh”.

Không thể coi thường tâm lý báo thù này của người Israel và họ có đủ sức mạnh để biến nó thành hiện thực. Không ai có thể quên chuyện các thành viên tổ chức Tháng Chín Đen đã đột nhập vào làng vận động viên ở Thế vận hội Munich năm 1972, bắt giữ các con tin Israel và nỗ lực giải cứu vụng về sau đó của cảnh sát Tây Đức khiến tổng cộng 11 vận động viên, huấn luyện viên Israel bị thiệt mạng. Sau đó, đích thân Thủ tướng Israel phê duyệt một chiến dịch báo thù mang mật danh “Sự phẫn nộ của Chúa”, tìm diệt bằng hết tất cả những người liên quan, dù trực tiếp hay gián tiếp đến vụ bắt giữ các con tin ở Thế vận hội Munich.

Thế nên sự trả đũa của Israel kể từ ngày 7/10 đến nay nhằm vào Hamas, rộng hơn là toàn bộ Dải Gaza, cũng kinh hoàng không kém. Sau một tháng, các đợt không kích liên miên nhằm vào Gaza, nơi có mật độ dân cư đô thị thuộc hàng cao nhất thế giới, đã làm hàng nghìn người chết, hàng chục nghìn người bị thương, cả triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Đấy là chưa kể rất nhiều người bị vùi lấp trong các đống đổ nát chưa tìm thấy tung tích. Hầu hết thương vong là dân thường, trong đó quá nửa là trẻ em. Một thảm họa nhân đạo tàn khốc đang diễn ra ở khu vực này.

Mục tiêu của Hamas

Ngay sau khi vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas nhằm vào Israel diễn ra, hàng loạt câu hỏi đã nảy sinh.

Vì sao Hamas lại có thể thực hiện một vụ tấn công bất ngờ quy mô nhường ấy mà Israel, với hệ thống an ninh, tình báo khét tiếng có hiệu quả, cộng với các thiết bị cảnh báo tinh vi được thiết lập trong suốt nhiều năm qua, lại hoàn toàn không hề hay biết gì?

Có thể đoán chắc một điều rằng vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas là một trong những thất bại tình báo tệ hại nhất của Israel kể từ cuộc chiến Yom Kippur vào năm 1973, khi Ai Cập và Syria mở một cuộc tấn công bất ngờ có điều phối vào Israel.

Trong những năm qua, Israel đã chi hàng tỷ USD để xây dựng “hàng rào thông minh” bao quanh dải Gaza, kèm theo một mạng lưới các tháp canh, hệ thống cảnh báo điện tử tinh vi dưới lòng đất nhằm phát hiện bất kỳ một động thái nào xâm nhập đường hầm của Hamas qua biên giới.

Ấy còn chưa kể mạng lưới chỉ điểm cài cắm rộng khắp trong các nhóm Hồi giáo vũ trang, có khả năng nhanh chóng định vị nơi trú ngụ của các chỉ huy Hamas để ra tay nếu cần thiết. Thế nhưng hàng nghìn tay súng Hamas ém sẵn ngay bên ngoài hàng rào mà an ninh Israel đã không hề hay biết gì và ngay cả những hàng rào an ninh đó cũng có thể bị chọc thủng dễ dàng ở một vài nơi bởi những chiếc máy ủi...

Israel cũng rất tự hào về hệ thống đánh chặn tên lửa Vòm Sắt do chính nhà thầu quốc phòng của nước này phát triển, đủ khả năng đánh chặn tới 90% lượng tên lửa bắn vào lãnh thổ. Nhưng con số hơn 2.000 quả tên lửa (trong khi Hamas nói là hơn 5.000 quả) cho thấy Hamas đã tính toán dựa trên một nguyên lý đơn giản: khiến hệ thống Vòm Sắt bị quá tải.

Hamas sử dụng chiến thuật bắn các loạt tên lửa cách nhau dưới 1 phút, kéo dài suốt 20 phút, trong khi hệ thống Vòm Sắt sau loạt tên lửa đánh chặn đầu tiên, cần khoảng một phút để nạp đạn bắn loạt thứ hai, đã không đủ khả năng đánh chặn một lượng tên lửa lớn như vậy, lại bắn thành nhiều loạt cách nhau trong khoảng thời gian rất ngắn. Chính số tên lửa không bị hệ thống Vòm Sắt đánh chặn này đã gây thương vong lớn cho phía Israel.

Một câu hỏi khác cũng quan trọng không kém là mục tiêu chính của Hamas trong vụ tấn công thảm khốc này là gì?

Không chỉ tấn công ồ ạt bằng rocket, Hamas còn thực hiện các cuộc tấn công trên bộ tràn vào các thị trấn của Israel, bắt đi nhiều con tin (theo thông báo của Hamas vào khoảng hơn 200 người, trong đó có nhiều binh lính Israel). Phải chăng đây là một trong những mục tiêu chính của Hamas?

Cần nhớ rằng năm 2011, chỉ một người lính Israel là Gilad Shalit bị giam giữ ở Dải Gaza từ năm 2006 đã đổi được hơn 1.000 tù nhân Palestine, trong đó có cả Yahya Sinwar, hiện tại là người đứng đầu Hamas ở Dải Gaza, vốn đã ngồi tù 22 năm trong nhà tù của Israel. Việc tìm cách giải cứu các tù nhân trong nhà tù của Israel luôn là một trong các ưu tiên hàng đầu của Hamas.

Chẳng thế mà ngay trong khi Israel đang không kích dữ dội Dải Gaza, ông Yahya Sinwar tuyên bố phong trào này sẵn sàng thực hiện ngay một thỏa thuận trao đổi tất cả tù nhân Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel, để đổi lấy những tù nhân bị lực lượng này bắt giữ. Gia đình các con tin Israel bị Hamas bắt giữ cũng gây sức ép lên Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đòi đưa người thân của họ về trước khi thực hiện bất cứ một cuộc hành quân trên bộ nào ở Dải Gaza.

Ðiều gì xảy ra tiếp theo?

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào Israel?

Bằng việc bất thần phóng một số lượng rất lớn rocket kết hợp với các cuộc đột kích trên bộ gây nên thương vong lớn cho Israel, phong trào Hamas đã đạt được một trong những mục tiêu chính trị quan trọng là phá tan huyền thoại về sự bất khả xâm phạm của Israel cũng như sức mạnh của lực lượng quân sự của Tel Aviv. Người Israel giờ đây sẽ không còn cảm thấy an toàn trên chính lãnh thổ của mình. Vụ tấn công chắc chắn đã giáng một đòn chí mạng vào Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu và nội các của ông.

Vụ tấn công của Hamas ngày 7/10 cũng sẽ gây nên hiệu ứng mạnh mẽ, tác động đến bản đồ địa chính trị vùng Trung Đông.

Thời gian qua, dưới sự trung gian của Mỹ, thông qua Hiệp ước Abraham ký năm 2020, Israel đã bình thường hóa quan hệ với hàng loạt nước Arab như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan, Maroc, đang tiến hành các cuộc đàm phán với Saudi Arabia, đối thủ lớn nhất của Iran ở khu vực. Vụ tấn công và sau đó là làn sóng phản ứng đáp trả của Israel sẽ buộc Saudi Arabia và các quốc gia Arab khác đang có ý định bình thường hóa quan hệ với Israel phải nghĩ lại.

Vụ tấn công Israel ngày 7/10 của Hamas và tiếp sau đó là những đòn báo thù của Tel Aviv nhằm vào Dải Gaza là một vòng xoáy bạo lực đẫm máu nữa trong bức tranh chính trị ở Trung Đông. Các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả vụ tấn công 7/10 là một vụ tấn công khủng bố, trong khi luật pháp quốc tế thừa nhận quyền kháng chiến vũ trang chống lại sự chiếm đóng.

Ngay cả trong trường hợp Hamas bị xóa sổ thì vẫn có các tổ chức vũ trang Hồi giáo khác sẵn sàng thay thế. Cái vòng xoáy bạo lực ấy sẽ chẳng thể tìm thấy lối ra nếu như người Palestine không được quyền sống trên mảnh đất của mình.