Vì những điểm đến không rác thải nhựa

Không phải ngẫu nhiên mà Chương trình Môi trường Liên hợp quốc chọn "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa" làm chủ đề hành động của Ngày Môi trường Thế giới năm nay - 5/6/2023. Nếu biết Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia có lượng rác thải nhựa (RTN) xả ra đại dương nhiều nhất thế giới, nếu biết những điểm đến hấp dẫn bậc nhất đều đang oằn mình dưới gánh nặng RTN, ta sẽ thấy những nỗ lực chung tay của cả cộng đồng "vì những điểm đến không RTN" đáng trân trọng tới mức nào.
0:00 / 0:00
0:00
Những nhân viên thu gom rác thải tại quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Danh thắng Tràng An. Ảnh trong bài: Huyền Nga
Những nhân viên thu gom rác thải tại quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Danh thắng Tràng An. Ảnh trong bài: Huyền Nga

Những con số gây ám ảnh

Đầu tháng 4 vừa qua, hiện trạng RTN - chủ yếu là phao xốp của các lồng bè nuôi trồng thủy sản bị dỡ bỏ nhưng chưa kịp thu gom dập dềnh phủ trắng mặt nước trong xanh khiến Di sản thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long ô nhiễm nặng nề. Không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường và để lại ấn tượng rất xấu cho du khách, phao xốp trôi nổi gây cản trở không nhỏ tới việc lưu thông của các phương tiện giao thông vận tải và cung cấp dịch vụ du lịch hoạt động dày đặc trên vịnh. Để xử lý bước đầu, Ban quản lý Vịnh phải huy động 25 tàu, xuồng, đò chạy liên tục cùng cả trăm nhân sự tham gia vớt hàng tấn rác về bờ mỗi ngày. Tính đến hết ngày 23/4, ước tính có tới 7.000m3 rác thải đã được hàng nghìn lượt người cần mẫn thu gom để có thể trả lại môi trường biển trong lành cho du khách thỏa sức bơi lội, khám phá dịp nghỉ lễ 30/4 dài ngày sau đó.

Nhưng lượng RTN từ hoạt động du lịch, trung bình 4 tấn/ngày trên Vịnh Hạ Long vẫn còn thuộc loại khiêm tốn, nếu so với những điểm đến du lịch Việt Nam tốp đầu được du khách luôn ưu tiên lựa chọn. Theo số liệu mà Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cung cấp, những bãi biển tuyệt đẹp ở Sầm Sơn thải ra lượng RTN trung bình 25,2 tấn/ngày. "Thành phố đáng sống nhất" Đà Nẵng phải hứng chịu 20,8 tấn/ngày và "thiên đường đảo ngọc" Phú Quốc phải nhận về 32,1 tấn/ngày, chỉ tính riêng lượng RTN.

RTN xuất phát từ nhiều nguồn trong chuỗi hoạt động du lịch, từ cơ sở dịch vụ - du khách tới tàu thuyền du lịch. Không nhiều người biết, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi ni-lông, 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa trong một ngày, đó là còn chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng một lần. Lượng chất thải nhựa và túi ni-lông của cả nước đang chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường thì tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Trong đó chỉ có một phần được thu hồi để tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp, còn một lượng lớn chất thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch rồi trôi ra biển.

Với con số dao động ước tính từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn RTN mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng RTN đổ xuống đại dương), theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Việt Nam đứng thứ 4 trong nhóm 20 quốc gia xả ra biển lượng RTN nhiều nhất thế giới. Một vị trí thực sự đáng buồn! Nhiều chuyên gia đã đưa ra lời cảnh báo, rằng nếu không phát triển bền vững, Việt Nam sẽ phải trả cái giá rất đắt lên tới 6-7% GDP cho việc môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm nặng nề. Nếu tính cả chi phí y tế để chữa bệnh cho người dân, tổng khoản thiệt hại phát sinh sẽ chiếm tới 8-10%GDP.

Bởi thế, nếu ở thời điểm năm 2019, lượng RTN phát sinh từ hoạt động du lịch mới dừng lại ở ngưỡng 116.114 tấn/năm thì tới năm 2030, các điểm đến trên dải đất hình chữ S phải đối mặt với lượng RTN ước tính tăng gấp ba lần (336.400 tấn/năm từ 35 triệu lượt khách quốc tế và 150 triệu lượt khách nội địa, với tổng số 841 triệu ngày lưu trú). Một viễn cảnh tồi tệ, bởi hệ lụy tiêu cực mà RTN mang lại cho hoạt động du lịch là không thể đong đếm khi nó vừa tác động xấu tới cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, vừa ảnh hưởng lớn tới chất lượng sản phẩm du lịch và giảm doanh thu cùng đóng góp của ngành công nghiệp không khói cho sự tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Vì những điểm đến không rác thải nhựa ảnh 1

Những chú cá "xin cho em chai nhựa" đáng yêu này đang góp phần mang lại môi trường du lịch không rác thải nhựa cho vùng Đất Mũi.

Chung tay hành động, trước khi quá muộn

Nhận rõ thách thức và tác động tiêu cực của RTN đến hoạt động du lịch, giảm thiểu RTN đã trở thành một mục tiêu cấp thiết ở tầm vĩ mô. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030 đã đặt ra những mục tiêu quan trọng. Giảm 50% RTN đại dương vào năm 2025, 80% khu du lịch - dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy, 80% khu bảo tồn biển không còn RTN. Mục tiêu tương ứng, cho cột mốc năm 2030 là giảm 75% RTN đại dương, 100% các khu du lịch - dịch vụ và khu bảo tồn biển "nói không" với các sản phẩm nhựa dùng một lần và sạch bóng RTN.

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) vừa công bố Ứng dụng quản lý RTN, với mục tiêu tổng quát tích hợp thông tin liên quan tới RTN; hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt và quản lý thông tin về lượng RTN trong đơn vị để từ đó đề ra những biện pháp giảm thiểu; là công cụ giám sát - báo cáo và là cơ sở định hướng về chính sách quản lý môi trường cho cơ quan quản lý Nhà nước. Dự án "Giảm thiểu RTN trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" được Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP) chấp thuận tài trợ và triển khai trong hai năm 2023-2024.

Trong buổi tọa đàm "Giảm thiểu RTN trong du lịch" được tổ chức như một điểm nhấn của Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2023, bà Vũ Mỹ Hạnh - đại diện nhóm làm việc về quản lý rác thải tại nguồn ở Hội An đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm thú vị. Hội An là điểm đến nổi tiếng, thu hút số lượng du khách rất lớn. Khách càng đông thì lượng RTN cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận. Theo số liệu của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hội An, nếu lượng rác thải phát sinh năm 2013 là 24.547 tấn thì tới năm 2019, con số này đã lên tới 37.188 tấn, tăng gấp rưỡi chỉ sau 6 năm. Để giải quyết thực trạng này, từ tháng 6/2020 đến nay, lãnh đạo thành phố đã kêu gọi doanh nghiệp du lịch cam kết giảm thiểu RTN. Từ tháng 3/2021, Kế hoạch hành động đến năm 2023 nhằm xây dựng Hội An thành điểm đến xanh cũng đã được triển khai quyết liệt. "Khi mới bắt tay vào làm, trong quá trình tiếp cận với các doanh nghiệp du lịch, chúng tôi nhận thấy người quan tâm, người không. Nhưng khi đề cập tới việc cùng tạo ra giá trị một điểm đến bền vững về mặt môi trường và các doanh nghiệp du lịch được hưởng lợi ích trong đó thì họ đã tự nguyện tham gia. Từ điểm xuất phát thuận lợi đó, sự vào cuộc và chung tay của các bên liên quan là chính quyền, tổ chức phát triển phi chính phủ, nhà tài trợ, các tổ chức cung cấp giải pháp và cộng đồng địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực" - bà Mỹ Hạnh cho hay.

Đô thị cổ Hội An đã từng bước giảm dần lượng RTN, nhờ vào mô hình 8T do nhóm đề ra. Cụ thể, mô hình bao gồm các bước: Tổ chức thực hiện - Từ chối sản phẩm nhựa dùng một lần - Tiết giảm - Tái sử dụng, làm đầy (Hội An hiện có 27 cơ sở kinh doanh du lịch làm đầy các sản phẩm tẩy rửa và tái sử dụng nhiều lần) - Thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng sản phẩm làm từ chất liệu thân thiện khác (thay túi ni-lông bọc thùng rác bằng giấy báo, thay chai nước nhựa bằng bình thủy tinh và để khách tự làm đầy... Chỉ riêng cơ sở Silk Sense Hoian River Resort đã giảm được 20 nghìn chai nhựa, chỉ sau 1,5 năm áp dụng biện pháp này) - Tái chế sau phân loại - Truyền thông (Cơ sở An Villa đã vận động được khách ủng hộ bằng cách mang theo đồ dùng vệ sinh cá nhân để sử dụng trong thời gian lưu trú) - Tạo sản phẩm, dịch vụ bền vững (Hội An hình thành những điểm đến mang chủ đề Không rác thải, nơi du khách tham gia trải nghiệm, học tập và trở thành một phần của giải pháp du lịch bền vững).

Mới đây, sản phẩm "Green Mộc Châu - Hành trình không RTN" của SGO Travel cũng được đông đảo du khách yêu môi trường nhiệt tình ủng hộ, khi xây dựng "một hành trình bền vững, không RTN từ khi lên xe đến lúc về nhà". Được vận chuyển bằng những chuyến xe Green Bus, trên xe sử dụng bình nước vặn vòi, khách du lịch sẽ nghỉ lại trong những cơ sở lưu trú cam kết hạn chế RTN, dùng chai nước thủy tinh trong phòng. Khách cũng được khuyến khích tham gia chiến dịch "Đổi nhựa lấy cây" ở ngay những điểm đến nổi tiếng như Đồi chè Trái tim, rừng thông Bản Áng hay cầu kính Bạch Long. RTN sau khi thu gom sẽ được tái sử dụng, sáng tác thành những biểu tượng thú vị và phát triển thành điểm tham quan mới...

Tất cả cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều đơn vị - tổ chức - hội nhóm và từng doanh nghiệp riêng lẻ, khi cùng chung tay vì một Việt Nam xanh, một Việt Nam không RTN.