Theo số liệu của cơ quan Thống kê, những năm qua, tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu của Việt Nam đều tăng trưởng so cùng kỳ.
Rủi ro lớn từ sự phụ thuộc
Đối với ngành dệt may, thông thường tháng 10, 11 hằng năm là thời điểm doanh nghiệp phải đẩy mạnh nhập khẩu nguyên phụ liệu căn cứ trên đơn hàng ký cho năm tiếp theo. Theo số liệu thống kê trong 11 tháng của năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đã đạt 25,2 tỷ USD, tăng 14,9% so cùng kỳ năm 2023.
Trong khi hầu hết các nước tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) đều áp dụng quy tắc yarn-forward (yêu cầu tỷ trọng nội địa từ nguyên liệu sợi trở đi), thì nguồn cung vải trong nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của các doanh nghiệp ngành dệt may. Đây chính là một rào cản đối với hàng dệt may của Việt Nam. Thêm vào đó, giới chuyên gia còn cảnh báo, chúng ta có thể đối diện nguy cơ bị áp thuế lên các mặt hàng có nguồn nhập khẩu từ nước thứ ba, kể cả chỉ là nhập khẩu nguyên liệu hay thuộc diện hàng hóa “đội lốt”.
Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi phải cạnh tranh với chính các đối thủ lớn như Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu về sản xuất sợi và vải, có lợi thế lớn về nguồn lực lao động chi phí thấp, là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Hay Ấn Độ - nơi tự cung, tự cấp các loại vải, sợi, bông…
Nhìn sang các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may tại thị trường Liên minh châu Âu, như: Bangladesh, Campuchia và Indonesia..., có thể thấy doanh nghiệp của họ đều đang nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực chuyển đổi sang mô hình sản xuất dệt may bền vững nhờ có nguồn cung nguyên liệu nội địa ổn định.
Tương tự, với ngành nhựa, vấn đề nan giải nhất trong năm 2025 cũng là… nguồn nguyên liệu. Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam Đinh Đức Thắng, chỉ riêng năm 2024, Việt Nam đã nhập gần 1,1 triệu tấn hạt nhựa PVC, chủ yếu từ Trung Quốc. Việc nguồn nguyên liệu chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu trong nước, còn lại phải nhập khẩu khiến cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp ngành nhựa bị đẩy lên cao, suy giảm khả năng cạnh tranh.
Đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 22,4 triệu tấn nguyên liệu, riêng tấm và gạo (vốn là thế mạnh của Việt Nam) cũng phải nhập khẩu đến… 304 nghìn tấn. Chính việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu (trên 65% nguyên liệu thô, trên 90% thức ăn bổ sung) đã tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước.
Cần minh bạch, chuẩn hóa nguồn gốc xuất xứ
Việc tự chủ nguyên liệu nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng là điều mà các ngành hàng của Việt Nam cần phải tập trung đầu tư, nhất là trong bối cảnh thương mại toàn cầu năm 2025 chứa đựng nhiều yếu tố bất định.
Thấu hiểu sâu sắc những khó khăn do thiếu ổn định nguồn cung nguyên liệu, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chủ động xây dựng một chuỗi cung ứng khép kín từ “sợi - dệt - nhuộm - may mặc”. Không giấu được tự hào khi nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trị, Phó Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ, đây là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp của Vinatex giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Về phía ngành nhựa, ông Đinh Đức Thắng cho biết, xu hướng phát triển chuỗi cung ứng nội địa, hướng tới tự chủ nguyên liệu nhựa nguyên sinh và xây dựng hệ thống tái chế kết hợp phân loại rác thải tại nguồn đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện khá bài bản, minh bạch.
Đánh giá cao sự chủ động của các doanh nghiệp, hiệp hội trong việc đầu tư vào sản xuất bền vững hơn, song bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vẫn lưu ý, không chỉ từng bước tự chủ nguồn cung nguyên liệu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải tuân thủ tốt các quy định và minh bạch hóa công nghệ bảo quản, sản xuất.
Ở góc nhìn khác, PGS, TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan chức năng cần rà soát kỹ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa Việt Nam, tránh rủi ro khi bị cảnh báo về nguy cơ chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp nhằm né thuế, dẫn đến các biện pháp kiểm soát gắt gao hơn.
Về vấn đề này, bà Hiền cho biết, đối với nhóm hàng thuộc danh mục cảnh báo, có nguy cơ gian lận xuất xứ, các cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đã tăng cường kiểm tra trước khi xem xét cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi hoặc hậu kiểm, xác minh xuất xứ hàng hóa và luôn chủ động phối hợp cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu khi có yêu cầu xác minh nhằm phát hiện lô hàng “mượn” xuất xứ Việt Nam. Hiện, hoạt động sử dụng C/O của doanh nghiệp Việt Nam đã có chuyển biến tích cực.
Động lực hoàn thiện chuỗi cung ứng
Nếu chuỗi cung ứng nguyên liệu nhập khẩu quá phụ thuộc vào một nhà cung ứng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rủi ro lớn hơn khi có biến động thuế quan. Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên gia về quản lý chuỗi cung ứng và logistics, các doanh nghiệp nên xác định nguy cơ về biến động thuế quan cũng chính là động lực để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng.
Các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU sẽ giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động trung chuyển, hay hàng hóa được đóng gói, dán nhãn lại tại Việt Nam với mục đích tránh thuế. Để tránh khỏi nguy cơ Việt Nam trở thành “trạm trung chuyển” cho khâu đóng gói đơn giản, các doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp nhằm thiết lập lại chuỗi cung ứng sản xuất.
Còn theo TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), với kim ngạch xuất nhập khẩu 786,29 tỷ USD, Việt Nam đã được xếp vào nhóm cường quốc về xuất khẩu, nên phải có cách ứng xử tương xứng vai trò này. Đơn cử, Việt Nam cần nỗ lực đáp ứng được các yêu cầu về hàng rào bảo vệ hàng hóa trong nước từ các quốc gia một cách chuẩn mực, minh bạch.
Xuất phát điểm, các tiêu chuẩn khắt khe như "tiêu chuẩn xanh" có thể "làm khó" doanh nghiệp xuất khẩu, song về lâu dài việc nâng cao chất lượng sản xuất sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng một cách bền vững, không chỉ cho từng doanh nghiệp mà còn cho toàn bộ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung.