Từ năm 2010, sản phẩm chip bán dẫn đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục là một trong các sản phẩm quốc gia. Hiện chuỗi cung ứng bán dẫn của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, đã thu hút khoảng 174 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 11,6 tỷ USD. Thị trường bán dẫn Việt Nam hiện có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế chip với lực lượng lao động hơn 6.000 kỹ sư; 7 nhà máy thử nghiệm và đóng gói với khoảng 6.000 kỹ sư và hơn 10.000 kỹ thuật viên. Như vậy, nếu có sự chuẩn bị từ sớm và sự tập trung vào chìa khóa “nguồn nhân lực chất lượng cao”, Việt Nam có thể hội đủ điều kiện để trở thành điểm đến hấp dẫn với ngành công nghiệp chip toàn cầu.
Việt Nam đã tham gia ngành công nghiệp bán dẫn từ rất lâu nhưng mới chỉ ở khâu đóng gói, kiểm tra các loại chip đơn giản cho một số nhà sản xuất chip như intel..., trong khi sản xuất con chip là một ngành mang tính toàn cầu hóa triệt để, không một cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào có thể làm được tất cả công đoạn.
Thêm nữa, để đáp ứng tiêu chuẩn của ngành công nghiệp bán dẫn tiên tiến đòi hỏi quá trình đầu tư dài hạn và không dễ dàng. Trong thời gian ngắn hạn, sự tăng trưởng của ngành này ở Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các khoản đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia. Điều này khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng trước những biến động quốc tế và thêm khó khăn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực như: Thái Lan và Malaysia.
Gần hai mươi năm chưa phải là quãng thời gian dài để Việt Nam có chỗ đứng trong ngành công nghệ cao đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối như chip bán dẫn. Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện là thời điểm hội đủ ba yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” cho giấc mơ tự chủ trong ngành công nghiệp bán dẫn sau khi bị lãng quên nhiều năm, cho chip “Make in Vietnam” chứ không chỉ lắp ráp…, trở thành mục tiêu quốc gia với niềm hy vọng mới ■