Nỗ lực này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tập đoàn quốc tế, mà còn mở ra cơ hội phát triển sôi động cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Sức hút của thị trường mới nổi
Từ lâu Việt Nam đã được biết đến như một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói nhờ sự hiện diện của các nhà máy từ các “ông lớn” trong ngành này. Hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam thực tế đã mở rộng bao phủ cả ba giai đoạn quan trọng trong chuỗi giá trị, dù phần lớn các hoạt động này hiện vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Minh chứng là 20 năm trước, một “ông lớn” hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế bán dẫn từ Nhật Bản là Renesas đã chọn Việt Nam để thành lập một trung tâm thiết kế lớn. Hiện nay, không chỉ Renesas mà nhiều công ty thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới như: Global Unichip Corporation (GUC) và Faraday Technology của Đài Loan (Trung Quốc); Microchip, Marvell, Synopsys, Qorvo… của Mỹ đều đã hiện diện tại Việt Nam.
Theo phân tích của TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc của nhiều tập đoàn công nghệ, bán dẫn trên thế giới, Việt Nam đã trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều nhà sản xuất lớn nhằm giảm rủi ro về chuỗi cung ứng, tăng cường sự ổn định trong sản xuất. Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, đóng gói thử nghiệm chất bán dẫn đã bắt đầu xây dựng nhà máy tại Việt Nam cho thấy “bức tranh công nghiệp bán dẫn Việt Nam” có nhiều mảng sáng và Việt Nam đã tạo được một hệ sinh thái bán dẫn hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.
Cụ thể như: Amkor Technology, tập đoàn có trụ sở tại Mỹ, đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 1,6 tỷ USD để xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Nhà máy này, với diện tích 200.000 m2, sẽ là cơ sở lớn và tiên tiến nhất của Amkor, chuyên cung cấp khả năng đóng gói bán dẫn thế hệ mới.
Tương tự, Hana Micron, một công ty Hàn Quốc, đã cam kết đầu tư 1,3 nghìn tỷ won (tương đương khoảng 930 triệu USD) đến năm 2026 để sản xuất bộ nhớ, bao bì chip tại Việt Nam. Và Intel - tập đoàn bán dẫn lớn nhất thế giới, cũng đã xây dựng nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới ở Việt Nam và đã tham gia mạnh mẽ vào triển lãm bán dẫn quốc tế đầu tiên tổ chức tại Hà Nội.
Trước đây, Việt Nam đã được biết đến là một trong những “công xưởng” lớn của thế giới với sự hiện diện của hàng loạt nhà máy của những tên tuổi hàng đầu. Điển hình, Tập đoàn Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc), nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, chuyên lắp ráp sản phẩm cho Apple, đã đầu tư hơn 3 tỷ USD để xây dựng nhiều nhà máy sản xuất điện tử tại Việt Nam. Hay Samsung (Hàn Quốc) với hai nhà máy lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên cùng hàng trăm nhà thầu phụ đã tạo ra chuỗi công nghiệp lắp ráp, sản xuất hiện đại, và đã ghi danh Việt Nam trên bản đồ các quốc gia sản xuất điện tử, điện thoại thế giới. Điều này là minh chứng cho việc Việt Nam hoàn toàn có triển vọng trở thành một thị trường hấp dẫn của ngành công nghiệp bán dẫn.
Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã đề ra công thức C = SET + 1. Trong đó, C là “Chip” - mục tiêu cuối cùng của ngành công nghiệp bán dẫn; SET là 3 yếu tố then chốt: S (Specialized - Chuyên dụng), E (Electronics - Điện tử), T (Talent - Nhân tài); và +1 là tượng trưng cho Việt Nam, khẳng định vị thế của quốc gia là một điểm đến mới, an toàn và hấp dẫn trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Tầm nhìn chiến lược tạo nền tảng quan trọng
Để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, với lộ trình và mục tiêu cụ thể. Nhờ có tầm nhìn dài hạn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không chỉ các tập đoàn nước ngoài, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã có động lực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để nắm bắt công nghệ thiết kế chip tiên tiến, từng bước đưa Việt Nam vào sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.
Viettel và FPT là hai doanh nghiệp Việt Nam tiên phong và đã đạt được những thành tựu ban đầu. FPT đã ra mắt sản phẩm Internet vạn vật (IoT) đầu tiên ứng dụng trong ngành y tế, trong khi Viettel đã sản xuất chip phục vụ thiết bị 5G. Không chỉ dừng lại ở thiết kế, với vai trò đầu tàu dẫn dắt ngành bán dẫn Việt Nam tiến lên, FPT và Viettel còn định hướng tự chủ sản xuất và đóng gói chip trong tương lai. Cụ thể, FPT đã đầu tư vào việc xây dựng một nhà máy thử nghiệm chip gần Hà Nội. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2025, nhà máy này sẽ tăng quy mô lên gấp ba vào năm 2026, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 30 triệu USD. Trong khi đó, Tập đoàn Viễn thông Viettel đã có kế hoạch xây dựng nhà máy đúc chip đầu tiên của Việt Nam. Đây là một động thái phù hợp mục tiêu của Chính phủ về việc có ít nhất một nhà máy đúc chip hoạt động vào năm 2030, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
Theo GS, TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhờ nỗ lực của Chính phủ trong kiến tạo môi trường thuận lợi với nhiều chính sách ưu đãi thuế, thúc đẩy đầu tư, chi phí lao động cạnh tranh… và sự ổn định địa chính trị, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp lớn ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh mà còn là nền tảng quan trọng củng cố triển vọng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai.
Việt Nam - một đối tác tin cậy
Trước bài toán “Việt Nam sẽ tham gia như thế nào vào thị trường bán dẫn 1.000 tỷ USD toàn cầu năm 2030” mà Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã đề ra, Cục trưởng Công nghiệp Công nghệ và Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Khắc Lịch nhìn nhận, còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Bởi, trong ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay đã có những đơn vị chiếm hữu vị thế độc quyền trong từng công đoạn. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ tập trung phát triển ngành công nghiệp này thời gian gần đây.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, sau quá trình nghiên cứu và dựa trên tính thực tiễn của Việt Nam và toàn cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra một con đường phát triển riêng biệt cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo công thức C = SET + 1. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, doanh thu công nghiệp bán dẫn ước đạt 25 tỷ USD, doanh thu công nghiệp điện tử đạt 225 tỷ USD. Đến năm 2050, con số này lần lượt là 100 tỷ USD và 1.045 tỷ USD.
Để hiện thực hóa những tham vọng này, ông Nguyễn Khắc Lịch nêu rõ, về mặt cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, thay vì chỉ giảm thuế cho doanh nghiệp sẽ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp bằng tiền mặt; xây dựng đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới tới năm 2030, định hướng 2050 nhằm đưa Việt Nam làm chủ thiết kế, trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu; thành lập các trung tâm, viện nghiên cứu về công nghiệp bán dẫn; hoàn thành xây dựng nhà máy chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao trước năm 2030.
Ngay trong ngày cuối cùng năm 2024 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Đây là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, trực tiếp hỗ trợ các tập đoàn bán dẫn và trí tuệ nhân tạo lớn và các doanh nghiệp công nghệ khác về khoản chi phí đầu tư ban đầu. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là minh chứng rõ nét về việc Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tôi tin, Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu trong tương lai không xa ■
Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục tạo mọi thuận lợi để các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới đến Việt Nam đầu tư, qua đó từng bước định hình sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”.
NGUYỄN CHÍ DŨNG
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư