Góc nhìn

Động lực thúc đẩy đổi mới đào tạo

Với vai trò tiên phong, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu, hợp tác với doanh nghiệp, xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao nghiên cứu công nghệ bán dẫn, vật liệu mới, tự động hóa... để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trả lời phỏng vấn Nhân Dân cuối tuần, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội tự tin khẳng định, chất lượng nguồn nhân lực sẽ góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo chuyên biệt cho ngành công nghiệp bán dẫn.Ảnh: LÊ Khiếu Minh
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo chuyên biệt cho ngành công nghiệp bán dẫn.Ảnh: LÊ Khiếu Minh

- Chính phủ Việt Nam đã xác định ngành công nghiệp bán dẫn là then chốt cho tăng trưởng trong tương lai. Ở góc độ đào tạo, ông nhìn nhận thế nào về việc đón đầu cơ hội này?

Động lực thúc đẩy đổi mới đào tạo ảnh 1

PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng

Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội

Hằng năm, Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo được khoảng 250 cử nhân/kỹ sư chuyên ngành và gần 3.000 cử nhân/kỹ sư liên ngành sẵn sàng tham gia ngành công nghiệp bán dẫn... Trường cũng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo kết hợp đào tạo sau đại học, với số lượng 150 học viên sau đại học mỗi năm.

- Không chỉ là nền tảng của chuyển đổi số mà công nghiệp bán dẫn còn là trụ cột chính trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ trí tuệ nhân tạo đến các thiết bị Internet vạn vật (IoT), tự động hóa, truyền thông 5G và hàng không… Ngành công nghiệp bán dẫn mang lại cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm công nghệ quan trọng trong khu vực. Không chỉ gia công đóng gói, Việt Nam trở thành cứ điểm mới của sản xuất bán dẫn khi tham gia vào khâu thiết kế, chế tạo, nghiên cứu phát triển.

Tốc độ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tăng nhanh, nhiều nhà máy lắp ráp, sản xuất bán dẫn được mở rộng, xây mới cả ở Việt Nam và trên thế giới, tăng cao nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Xác định đây là cơ hội của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg với mục tiêu đào tạo được 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn, làm cơ sở để các bộ, ban, ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo nhân lực bán dẫn.

- Phải chăng, đào tạo cần phải đổi mới, gắn với thị trường và thông qua cơ chế đặt hàng của doanh nghiệp mới là chính sách căn cơ, thưa ông?

- Cơ chế khuyến khích người học như: miễn, giảm học phí cho một số ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn sẽ giúp thu hút sinh viên giỏi. Đây là giải pháp thiết thực thu hút nhân tài trẻ vào ngành này - lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao, đầu tư dài hạn. Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đã thông tin về vấn đề này.

Thực tế minh chứng, bên cạnh những chính sách hỗ trợ đó, để phát triển bền vững, cần sự tham gia của doanh nghiệp thông qua cơ chế đặt hàng đào tạo, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu. Giải pháp hiệu quả này vừa bảo đảm nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng, vừa gắn liền nhu cầu của thị trường. Qua đó sẽ có cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Mặc dù được sự quan tâm của Chính phủ và xã hội, song đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn còn gặp khó khăn, thách thức như thiếu hụt các chuyên gia đầu ngành, hạn chế tài chính cho đầu tư trang thiết bị... Và khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt về nguồn lực: cơ sở vật chất và con người. Đào tạo ngành bán dẫn đòi hỏi cơ sở vật chất hiện đại như: Lab vi mạch, phòng sạch dành cho chế tạo, thiết bị kiểm tra và phần mềm chuyên dụng… Đầu tư ban đầu đã lớn, song chi phí vận hành, duy trì, phát triển còn lớn hơn nhiều.

Mặt khác, chính sách miễn, giảm học phí cần đi kèm các cơ chế, chính sách về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của người học, doanh nghiệp để tăng cường hợp tác phối hợp giữa nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp. Lực lượng quan trọng nhất trong nguồn nhân lực chất lượng cao là sau đại học và chuyên gia xuất sắc ngang tầm thế giới, do đó, chính sách, cơ chế của Nhà nước nên tập trung đầu tư vào điểm then chốt này.

- Cụ thể, trường đã và đang hợp tác với những thương hiệu lớn như thế nào để thiết kế được chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu tạo ra nguồn nhân lực chuyên ngành chất lượng cao lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, thưa ông?

- Nhận thức sâu sắc vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực chất lượng cao hiện nay, trường đã triển khai các mô hình hợp tác như học kỳ thực tập tại doanh nghiệp, mời doanh nghiệp tham gia quá trình thiết kế chương trình đào tạo, nghiên cứu đặt hàng, phát triển khóa học theo yêu cầu từ các tập đoàn, doanh nghiệp. Cụ thể, hợp tác với các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Intel, Qorvo, Nvidia… để thiết kế các khóa học đáp ứng yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp, chương trình học bổng cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp; đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

Với Đại học Bách khoa Hà Nội, việc hợp tác này là định hướng đào tạo phù hợp các nội dung trong lĩnh vực bán dẫn, bảo đảm sinh viên sẵn sàng làm việc tại doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế ngay sau khi tốt nghiệp. Đây là lợi ích của cả quốc gia và cộng đồng toàn cầu. Nhằm đáp ứng yêu cầu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực chip bán dẫn, trường đã đào tạo và đang đẩy mạnh các chương trình đào tạo trong toàn chuỗi bán dẫn, như: thiết kế chip, chế tạo bán dẫn, đóng gói kiểm thử ở bậc cử nhân, kỹ sư chuyên sâu, sau đại học.

Để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn, đặc biệt là thiết kế và đóng gói chip, các hoạt động quan trọng đã và đang thực hiện tại trường là:

Thứ nhất, phát triển đội ngũ giảng viên thông qua các chương trình đào tạo nâng cao trình độ tại các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp uy tín trên thế giới về công nghệ bán dẫn. Trường đang có 150 cán bộ tham gia đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và liên quan, nhưng vẫn cần tăng thêm nhiều cả về số lượng và chất lượng.

Thứ hai, mở chương trình đào tạo chuyên sâu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp như chương trình kỹ thuật vi điện và công nghệ nano, đồng thời đang triển khai xây dựng chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù về thiết kế vi mạch bên cạnh các chương trình chuẩn liên quan đến thiết kế và đóng gói. Các chương trình đào tạo đều gắn với kế hoạch đầu tư và nâng cấp các phòng thí nghiệm cho thực hành, thực tập, nghiên cứu: mạch bán dẫn, thiết kế chip, linh kiện bán dẫn, vật liệu bán dẫn, thiết bị bán dẫn, hệ thống điện trong bán dẫn, chế tạo, sản xuất, phòng sạch, plasma…

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và doanh nghiệp nhằm đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đào tạo và nghiên cứu. Mời các chuyên gia của doanh nghiệp tham gia giảng dạy, chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực bán dẫn tới sinh viên.

- Trong thiết kế chương trình đào tạo, Trường có tính đến việc định hướng thiết kế riêng biệt là sản phẩm vi mạch bán dẫn, phù hợp thị trường, yêu cầu trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu không, thưa ông?

- Ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng rất cao, đa dạng trong lĩnh vực ngành nghề và thay đổi nhanh cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ. Đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch vừa phải bảo đảm kiến thức cơ sở nền tảng nhưng vẫn phải trang bị cho người học những kỹ năng kiến thức chuyên môn cập nhật theo xu thế phát triển rất nhanh của ngành công nghiệp.

Sớm nhận thức rõ yêu cầu đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch phải bám sát nhu cầu thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu, chương trình đào tạo của trường được thiết kế với sự tham vấn từ các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, tích hợp các học phần định hướng sản phẩm như thiết kế chip theo yêu cầu thực tế, nghiên cứu phát triển sản phẩm, với thực hành trong môi trường doanh nghiệp.

Các chương trình đào tạo tập trung vào các lĩnh vực vực thiết kế vi mạch cho các sản phẩm cụ thể như thiết bị IoT, cảm biến, vi xử lý, và các chip bán dẫn phục vụ truyền thông 5G, tự động hóa, robot… Chúng tôi cũng đang xây dựng các chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù, tập trung vào các lĩnh vực thiết kế vi mạch ứng dụng, tích hợp hệ thống và kiểm thử chip, đáp ứng yêu cầu cụ thể từ các doanh nghiệp và tập đoàn ngành bán dẫn trong nước và quốc tế.

Với kinh nghiệm đại học kỹ thuật trọng điểm của quốc gia, kết hợp mạng lưới hợp tác doanh nghiệp và mạng lưới cựu sinh viên trải rộng, trường đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ đào tạo với các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, Samsung, LG, Synopsys, Intel, Qualcomm, Nvidia... Các chương trình đào tạo theo đặt hàng doanh nghiệp, chương trình thực tập và việc làm tại doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước được triển khai mạnh mẽ với các đối tác, giúp sinh viên được rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm thực tế và cơ hội được tiếp cận những công nghệ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.

- Xin cảm ơn PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng! ■