Còn nhiều điểm yếu…
Theo số liệu nghiên cứu do Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) công bố, trong giai đoạn 2001-2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu tăng trưởng 13% mỗi năm, đạt quy mô khoảng 600 tỷ USD. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt quy mô khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Các nền kinh tế lớn nhất thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều công bố các kế hoạch trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn, tạo nên thế cạnh tranh trong ngành công nghệ thế giới. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, Internet of Things (IoT) ngày càng phát triển, nhu cầu về linh kiện bán dẫn cũng ngày càng lớn.
Ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn của Việt Nam đã chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chóng. Hiện tại, Việt Nam đóng góp khoảng 1% vào công suất toàn cầu về lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ nhận định, con số này dự kiến sẽ tăng lên từ 8-9% vào năm 2032, nhờ các khoản đầu tư từ các tập đoàn lớn. Đây là một tín hiệu cho thấy tiềm năng của Việt Nam trong việc nâng cao chuỗi giá trị công nghệ trong tương lai.
Dù sản xuất chip có thể tạo ra cơ hội xuất khẩu lớn, đặc biệt khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung cấp an toàn và độc lập trong lĩnh vực bán dẫn. Song ngành này cũng đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp và chính phủ các nước bởi chi phí đầu tư cao, mức đầu tư cho sản xuất chip rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt, các dây chuyền sản xuất phức tạp. Đơn cử, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới… 50 tỷ USD. Mức độ cạnh tranh quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn cũng rất cao, đáng chú ý là các nước như Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu. Các quốc gia này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50-150 tỷ USD.
Doanh thu ngành bán dẫn thế giới năm 2023 ước đạt 545 tỷ USD. |
Ở Việt Nam, dù đã xuất hiện từ nhiều năm qua, nhưng ngành công nghiệp bán dẫn vẫn còn khá sơ khai, chưa có sự tham gia sâu của doanh nghiệp nội địa, mà chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp toàn thể diễn ra đầu tháng 11/2024, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) từng thẳng thắn chỉ rõ, để thật sự vươn tầm trong chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần có chính sách phát triển các mảng sản xuất, đóng gói và thử nghiệm vốn có giá trị gia tăng cao hơn.
Điều quan trọng, để “tham gia sâu và làm chủ được một phần công nghệ thuộc công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn...” cần phải có các sáng chế (patent về các công nghệ nguồn, công nghệ lõi, với khả năng có thể chi phối công nghệ, dù chỉ là một phần). Điều này gần như không khả thi trong điều kiện hiện nay của Việt Nam.
Nhân lực chất lượng cao - khoảng trống không dễ lấp đầy
Trong bối cảnh nền kinh tế số hội nhập và phát triển nhanh chóng, ngoài thách thức về công nghệ, về tầm mức đầu tư lớn vào nghiên cứu, phát triển, Việt Nam còn đứng trước thách thức về đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Theo dự báo, nhu cầu về nhân lực lên tới 10.000 kỹ sư mỗi năm, song Việt Nam chỉ mới đáp ứng được khoảng 20%, tạo ra một khoảng trống lớn về lực lượng lao động, đặc biệt là các kỹ sư thiết kế chip và các nhà khoa học vật liệu. Còn theo đánh giá của các tổ chức lao động quốc tế, kỹ năng, trình độ nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam chưa đủ đáp ứng đòi hỏi của các doanh nghiệp bán dẫn lớn.
Cùng nỗi ưu tư này, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, TS Vũ Ngọc Hoàng phân tích, ngoài các kiến thức cơ bản về thiết kế vi mạch, các kỹ sư thiết kế các vi mạch bán dẫn còn phải có kiến thức sâu rộng về công nghệ chế tạo vi mạch hiện đại. Hiện Việt Nam chưa có hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên sâu nghiên cứu các công nghệ này, cũng chưa có đầu tư cho nghiên cứu hay chuyển giao công nghệ về các vi mạch bán dẫn hiện đại. Các kỹ sư Việt Nam mới tốt nghiệp sẽ khó có thể tham gia sâu ngay vào quy trình thiết kế vi mạch bán dẫn hiện đại.
Mặt khác, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh cũng chỉ ra, chương trình đào tạo hiện tại của nhiều trường đại học, cao đẳng chưa được cập nhật theo tiến bộ mới nhất của công nghệ bán dẫn, việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong lĩnh vực này càng hạn chế, dẫn đến khoảng cách giữa kiến thức lý thuyết và thực tế sản xuất còn lớn. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung nhân lực chất lượng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của ngành…
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng trong ngành bán dẫn. “Chúng ta có tiềm năng, có cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức. Nếu tận dụng tốt cơ hội, đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nhân lực, Việt Nam có thể vươn lên trở thành điểm đến lý tưởng của ngành bán dẫn toàn cầu”, bà Trịnh Thị Tú Anh khẳng định .
Không thể đào tạo chuyên gia thiết kế vi mạch chung chung mà phải có định hướng thiết kế chương trình đào tạo theo sản phẩm vi mạch bán dẫn cụ thể, phù hợp tình hình yêu cầu thực tế của thị trường trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hơn thế, các kỹ sư cần phải tiếp tục làm việc, thực hành chuyên sâu trong môi trường nghiên cứu, sản xuất với các máy móc, trang thiết bị hiện đại từ 3 đến 5 năm mới có thể tham gia vào các quy trình thiết kế vi mạch bán dẫn hiện đại và làm chủ một phần công nghệ đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn”.
TS VŨ NGỌC HOÀNG
Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam