Vẫn là vấn đề nan giải

Ðội ngũ y, bác sĩ ở các trung tâm thể thao lớn đang ngày càng mỏng và đối diện nguy cơ thiếu hụt trầm trọng trong tương lai gần. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Hiền (trong ảnh) - Trưởng phòng Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, khẳng định:

Vẫn là vấn đề nan giải

Ðiều rất quan trọng là phải thay đổi trong nhận thức về vai trò của công tác y học thể thao, trước khi nghĩ đến những điều chỉnh khác.

- Thể thao nước nhà đã có nhiều thay đổi đáng kể những năm gần đây, vậy nhưng, y học thể thao Việt Nam vẫn đang có khoảng cách đáng kể so với những nước phát triển?

- Y học thể thao được nhìn nhận như một chuyên ngành độc lập ở nước ta từ những năm 1993, 1994. Khi ấy, nói về y học thể thao là nhắc đến Trung tâm 1 (Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội - Nhổn) hay Trung tâm 2 ở Hoài Ðức. Phòng y học thể thao lúc bấy giờ có chức năng chủ yếu là kiểm tra đầu vào, đầu ra hay trong chính quá trình tập luyện mỗi khi VÐV xuất hiện vấn đề. Công việc kiểm tra sức khỏe còn được thực hiện định kỳ trong năm cũng như đều đặn trước khi VÐV đi thi đấu.

Nếu so với thế giới, nhất là những nước phát triển, chúng ta vẫn còn khoảng cách rất xa. Dù đã xuất hiện từ lâu, nguồn nhân sự vẫn đang là một hạn chế lớn. Một số cá nhân được cử đi học ở nước ngoài nhưng khi trở về cũng không áp dụng được, do điều kiện hoạt động chưa tương thích. Ðội ngũ y, bác sĩ trong nước không phải ai cũng lành nghề và được đào tạo bài bản. Bởi vậy, việc đặt bút quyết định liệu VÐV có được thi đấu hay không cũng gặp nhiều tranh cãi vì bất đồng quan điểm.

Ðiều kiện cơ sở vật chất ở nước ta cũng còn thiếu thốn. Trên thế giới, hầu như các bệnh viện lớn đều có khoa thể thao phát triển. Nhưng ở Việt Nam, hiện tại, chỉ một số ít cơ sở y tế trong nước như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Ðức,… phát triển mạnh ở lĩnh vực này.

Sự thiếu tin tưởng vào đội ngũ y tế trong nước khiến nhiều VÐV như Trần Ðình Trọng, Chương Thị Kiều phải sang Hàn Quốc hay Xin-ga-po để phẫu thuật. Khi về nước lại tồn tại độ "vênh" về chẩn đoán, đánh giá tình hình chấn thương giữa đội ngũ chuyên môn trong nước và quốc tế, dẫn đến nhiều bất cập cho các VÐV.

- Rõ ràng, những bất cập đó đã được nhìn nhận từ lâu, nhưng vì sao thực trạng đó vẫn tiếp tục kéo dài?

- Chúng ta không có hệ thống đào tạo chất lượng, dẫn đến không có nguồn nhân lực dồi dào. Hiện tại, hầu hết quy trình hồi phục và trị liệu cho VÐV được truyền đạt thông qua các băng ghi hình tư liệu chứ cũng chưa có đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản.

Hằng năm, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có mở lớp đào tạo hai tuần cho các bác sĩ. Bệnh viện Thể thao Việt Nam cũng có đào tạo từ một đến hai khóa mỗi năm, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Thiếu nhân lực sẽ gây hệ lụy khó lường. Ðơn cử như việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) tài trợ nhiều trang thiết bị, nhưng mấy năm không dùng được vì không có bác sĩ vận hành.

Ở các trung tâm thể thao nhỏ trong cả nước thậm chí còn không có bác sĩ thể thao, chỉ cần có ứng viên đủ tiêu chuẩn sẽ được nhận ngay. Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia ở Hà Nội có đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên (KTV), nhưng họ chỉ được ký hợp đồng chuyên môn, không có chỉ tiêu biên chế.Trung tâm 2 từ năm 1992 đến giờ mới tuyển được một bác sĩ. Các trung tâm khác không mấy khả quan hơn khi chỉ có y sinh ở các trường. Còn Trung tâm 1 tuy có bác sĩ nhưng lại thiếu chỉ tiêu. Ở đây, chúng tôi có 12 bác sĩ, KTV, công tác suốt 17, 18 năm vẫn chưa được vào biên chế. Họ chỉ được ký hợp đồng kỹ thuật giản đơn. Tính chính danh của bác sĩ thể thao vẫn chưa có.

Lãnh đạo ngành cũng hiểu sự cần thiết của bác sĩ thể thao, đã cố gắng tìm những chương trình đào tạo và liên kết. Năm ngoái, Tổng cục Thể dục - Thể thao có chương trình cử người đi Mỹ, Cu-ba học y tế thể thao, nhưng chưa có ai theo được. Lứa tôi nghỉ, chắc không có bác sĩ vào đây nữa. Như bác sĩ đội tuyển bóng đá là suất viên chức mà còn không có người vào.

Chỉ trong vòng ba, bốn năm nữa thôi, Trung tâm 1 cũng sẽ không còn đội ngũ kế cận. Nếu không có phương án, sợ rằng sẽ không còn nhân sự nữa, càng ngày càng mất dần đi. Hiện tại, y học thể thao đang nằm trong trạng thái nguy hiểm. Bây giờ đã yếu, sau này có khả năng còn yếu hơn nữa.

- Vậy cần phải có giải pháp thế nào để khắc phục tình trạng đáng lo ngại này, thưa ông?

- Việc cần làm ngay lúc này là phải đưa ra được sự chính danh cho đội ngũ cán bộ. Phải xây dựng chương trình đào tạo bài bản để tạo nguồn nhân sự chất lượng. Hiện tại, duy nhất đội tuyển bóng đá có nhân sự mang chức danh bác sĩ thể thao, chứ các đội tuyển khác không hề có. Bác sĩ dù đi theo đoàn, nhưng phải đăng ký dưới chức danh trợ lý huấn luyện, vì chúng ta không có bất cứ một chế độ nào cho đội ngũ bác sĩ, mà chỉ có chế độ cho VÐV, HLV, trợ lý huấn luyện. Chúng ta cần có chỉ tiêu biên chế rõ ràng cho y học thể thao.

Việc đào tạo, nếu chỉ dựa vào một vài khóa học thì không ổn. Ngay như việc đưa nhân lực sang nước ngoài học cũng phải lựa chọn những khía cạnh mà thể thao trong nước đang "khát" nhân sự. Nhìn chung, cả đầu vào lẫn đầu ra của ngành y học thể thao vẫn là vấn đề nan giải.

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Nam (thực hiện)