Từ niềm đam mê mỹ phẩm handmade

Tôi không ngờ Đỗ Anh Thư - tác giả của cuốn sách “Tự làm mỹ phẩm” - được Thái-lan, Hàn Quốc mua bản quyền, liên tục được tái bản ở Việt Nam và bán trên Amazon lại trẻ và gương mặt hãy còn những nét hồn nhiên đến vậy. Con đường đưa Thư đến với mỹ phẩm bắt đầu từ một giấc mơ và cho đến nay cô gái này đang biến giấc mơ ấy thành hiện thực...

Làm mỹ phẩm từ gian bếp

Thích mỹ phẩm từ bé, năm lớp tám, một người bạn của Thư có thỏi son dưỡng của Bonne Bell với mầu hồng nhạt rất đẹp, Thư thích lắm nhưng không có tiền để mua. Thế rồi, sau đó, Thư có một giấc mơ lạ: “Tôi mặc một chiếc váy công chúa mầu trắng bồng bềnh, lạc trong một khu rừng có nhiều cây thẳng tắp và cao vút. Tôi ngước nhìn lên những tán cây, một luồng gió xuyên qua khiến hàng nghìn chiếc lá xanh rụng xuống. Trước khi chạm đất, chúng xoay tròn như những vũ công. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra mình đang ở trong một thỏi son trong suốt, mầu vàng nhạt, với hàng nghìn hạt li ti mầu xanh chuyển động vòng tròn. Giấc mơ làm tôi ngơ ngẩn mấy ngày liền”.

Sau giấc mơ, Thư dành dụm tiền để mua son. Đến năm lớp chín, Thư đã có bộ sưu tập 52 sản phẩm son dưỡng và son mầu, phần lớn của hãng Bonne Bell. Mỗi ngày đi học về, Thư lại mở chúng ra ngắm nghía, ngửi, rồi thoa lên môi. Sau này, Thư theo gia đình sang Mỹ vì bố mẹ làm trong ngành ngoại giao. Thay vì học ngành kinh tế như kỳ vọng của bố mẹ, Thư lại học làm mỹ phẩm. Một ngày năm 2009, sau khi mua một tảng sáp ong và sô-cô-la, gian bếp ở nhà đã có sẵn dầu ăn, dầu ô-liu và dầu ngô, Thư lụi hụi suốt mấy giờ liền để làm son. Thỏi son đầu tiên ra đời mầu nâu đen, mùi sô-cô-la và vị hơi đắng. Tưởng đã thành công, Thư chụp ảnh chia sẻ với bố mẹ và bạn bè. Khoảng khắc cầm thỏi son, Thư cảm giác như đã chạm vào giấc mơ của mình. Nhưng giấc mơ đó lại xa vời khi mà những sản phẩm đầu tay ấy còn rất nhiều khiếm khuyết chưa thể dùng được. Thư tiếp tục theo đuổi những công thức mỹ phẩm như bị ám ảnh. Thiếu tiền mua tài liệu và nguyên liệu, nhưng Thư vẫn kiên trì, nhẫn nại tỉ mẩn từng ngày một. Thư kể: “Tôi luôn muốn làm được một thỏi son trong veo. Đó là giấc mơ của tôi, theo mọi nghĩa. Khoảnh khắc trong vắt sẽ chỉ diễn ra rất ngắn trong cuộc đời một thỏi son. Tôi phải làm nhiều mẻ để được chứng kiến khoảnh khắc này. Chưa làm được thỏi son mãi trong là lý do tôi vẫn tiếp tục làm những mẻ son mới”.

Thế rồi, niềm đam mê của cô gái trẻ được đền đáp. Thư không những làm ra được cả son bóng, son nền, son mầu mà còn chế tạo ra cả sữa tắm, sữa rửa mặt, kem dưỡng toàn thân, kem làm trắng, kem trị mụn - thâm - sẹo, nước hoa khô, nước hoa lăn, xịt khử mùi, xịt khoáng, kem đánh răng, kem massage... Tất cả đều được làm bằng tay, với nguyên liệu tự nhiên. Thư trở thành một “phù thủy” mỹ phẩm từ gian bếp nhà mình.

Từ niềm đam mê mỹ phẩm handmade ảnh 1

Chia sẻ đam mê cùng “Tự làm mỹ phẩm”

Về Việt Nam, Đỗ Anh Thư mở Công ty TNHH Thực mỹ phẩm Grandpa’s Garden để theo đuổi sự nghiệp làm mỹ phẩm. Cái tên công ty có nghĩa là “Vườn của ông nội”, được Thư lý giải: “Ông nội tôi là nhà ngoại giao, dịch giả, nhạc sĩ Xuân Oanh. Bài hát Mười chín tháng Tám, Quê hương anh bộ đội, Gọi thu... là của ông. Ông dịch các tác phẩm: Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (Mark Twain), Trần trụi giữa bầy sói (Bruno Apitz), Hai số phận (Jeffrey Archer)... Từ khi tôi sinh ra, bút danh của ông tôi trở thành “Anh Thư”. Tôi đặt Grandpa’s Garden để huề việc ông “bắt” tôi làm dịch giả. Và đó là cách của tôi để ông tôi sống mãi”.

Có thể gọi Thư là một trong những người làm mỹ phẩm handmade đầu tiên ở Việt Nam. Thời điểm đó, mỹ phẩm handmade còn hết sức xa lạ ở Việt Nam và người dùng vẫn nhìn nó với đôi mắt e dè. Nhưng Thư không làm sản phẩm để bán mà muốn truyền cảm hứng và tạo trào lưu về mỹ phẩm handmade - thứ có lợi cho sức khỏe và môi trường. Khi mà thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang hết sức nhộn nhạo, thật giả lẫn lộn, khi mà có những loại kem “trộn” dưỡng da bán tràn lan, khi mà hóa chất trong mỹ phẩm chất lượng kém đang tàn phá gương mặt, làn da, mái tóc người tiêu dùng thì những thỏi son làm từ gấc của Thư như một sản phẩm thuần khiết, mát lành đưa người ta trở về với vẻ đẹp của tự nhiên.

Sau 5 năm kể từ ngày làm ra thỏi son đầu tiên, Anh Thư xuất bản cuốn sách “Tự làm mỹ phẩm” cùng với người bạn Thu Giang. Cuốn sách được xem là cuốn “từ điển mở” dành cho các tín đồ ưa lọ mọ tự chế mỹ phẩm. Trong cuốn sách bao gồm rất nhiều công thức cụ thể để có thể tự chế son môi, nước hoa, kem nền, kem dưỡng, sáp lăn nách, thậm chí cả kem đánh răng. Không chỉ vậy, hai tác giả còn nêu rõ cách đi tìm công thức lý tưởng, cách phân biệt thế nào là dầu, thế nào là tinh dầu, cách luyện tập trực giác về mùi vị. Nếu nghiêm túc và đủ say mê, ai cũng có thể trở thành người làm mỹ phẩm sau khi đọc xong cuốn sách của Thư.

Quay clip hướng dẫn làm mỹ phẩm trở thành một công việc được Thư dành nhiều thời gian. Lớp học làm mỹ phẩm trên mạng của Đỗ Anh Thư đã trở thành một thương hiệu được các bạn trẻ từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác trong cả nước chọn ngày càng nhiều. Mỗi khóa học kéo dài 36 giờ, học viên đăng ký rất đông, trong đó có không ít người kinh doanh mỹ phẩm hoặc đã là đại lý phân phối của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng. Dùng mỹ phẩm handmade đang trở thành một xu hướng của giới trẻ hiện nay, khi mà đã có rất nhiều trả giá về nhan sắc và sức khỏe cho những thứ son, phấn... đầy chì và hóa chất độc hại.

Nguyên liệu để làm mỹ phẩm được Thư nhập khẩu từ Mỹ. Việt Nam có rất nhiều loại hoa trái tự nhiên giàu tinh dầu có thể làm ra những loại mỹ phẩm tuyệt hảo, nhưng công nghệ chiết xuất lại chưa phát triển để khai thác được tiềm năng này. Tuy nhiên, với mỹ phẩm handmade, nguyên liệu phải chuẩn, phải “tự nhiên” từ trong các chỉ số. Chính vì vậy, Thư trở thành nhà phân phối nguyên liệu làm mỹ phẩm handmade từ Mỹ, giá có thể cao hơn nhập từ Trung Quốc nhưng chất lượng
bảo
đảm.

Ngoài ra, làm mỹ phẩm handmade còn phải đáp ứng quy trình và liều lượng nguyên liệu một cách nghiêm ngặt, trong môi trường và các dụng cụ phải vô trùng. Cái khó nhất chính là lên công thức chuẩn. Để có một công thức như vậy, có khi Thư mất vài năm mày mò nghiên cứu, thử nghiệm. Thế nhưng, Thư không ngần ngại chia sẻ 14 công thức trong cuốn sách “Tự làm mỹ phẩm”, mặc dù biết điều đó sẽ khiến lượng học viên của mình có thể giảm.

Tôi đến nhà Thư trong một con ngõ yên tĩnh, ở đó có những hộp son mang nhãn hiệu “Too Thư” nằm trong những chiếc hộp xinh xắn. Tôi cầm những thỏi son này, son mầu cam đất, son đỏ mận, đỏ cherry... những mầu sắc thuần khiết không pha tạp chất. Cảm giác như đã được chạm vào những thỏi son trong veo trong giấc mơ của Thư.