Từ những "điểm chạm" của lịch sử

Tự nhận là "những người không mấy ai biết đến", nhưng cả Phan Trường Sơn (Admin trang Facebook Hà Nội 1946) và Võ Quốc Tuấn (nhà nghiên cứu "tay ngang" về chiến dịch Điện Biên Phủ) đều "có tiếng" trong giới yêu thích lịch sử quân sự Việt Nam, kể từ khi còn sinh hoạt chung ở Diễn đàn Trái tim Việt Nam online, qua Diễn đàn Quân sử Việt Nam... Họ cùng tham gia một buổi trò chuyện cởi mở với chúng tôi, về hành trình âm thầm đưa những sự kiện trong quá khứ đến gần hơn với công chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Phan Trường Sơn (bên trái) và anh Võ Quốc Tuấn.
Anh Phan Trường Sơn (bên trái) và anh Võ Quốc Tuấn.

- Trước tiên, các anh có thể chia sẻ nguyên nhân gốc rễ hay cơ duyên đưa mọi người đến với lĩnh vực mình đang đeo đuổi?

- Anh Phan Trường Sơn: Tôi lập trang Facebook Hà Nội 1946 từ khoảng năm 2020, nhưng trên thực tế, hành trình nghiên cứu sự kiện trận Hà Nội- Đông Xuân 1946-1947 đã bắt đầu từ cách đây cả chục năm rồi. Lý do, thật ra cũng rất cá nhân. Tôi là người Hà Nội, sinh ra và lớn lên tại Thủ đô, tôi cảm thấy gắn kết và gần gũi hơn khi tìm hiểu. Thí dụ như những địa danh được nhắc đến trong trận đánh như chợ Đồng Xuân hay Hồ Hoàn Kiếm, đều là những nơi tôi đi qua hằng ngày.

Thêm nữa, năm 2010, có lần tôi đi mua sách về sự kiện năm 1946. Sau khi đọc xong tất cả số sách ấy, tôi cảm thấy không hài lòng. Cuốn thì có tính bao quát quá lớn song chưa có câu chuyện, mà có những cuốn chỉ là những câu chuyện, nhưng thiếu đi tính bao quát. Tôi nghĩ đến việc tìm cách gắn kết hai thứ ấy. Ban đầu, kết hợp ở đây đơn giản chỉ là tận dụng những thành tựu mà người đi trước đã có, cố gắng kết nối các kiến thức ấy lại để bổ sung cho nhau. Sau đó, tôi mới ngày càng đi sâu hơn.

Nói rộng hơn, niềm đam mê với lịch sử được nhen từ những ngày tôi còn nhỏ, được bố đưa đi thăm bảo tàng, được mua cho sách, truyện lịch sử để đọc. Dù thật sự, tôi là học sinh "dốt" môn Lịch sử.

- Anh Võ Quốc Tuấn: Tôi hoàn toàn đồng cảm với sự chưa thỏa mãn với các tài liệu có sẵn của Sơn. Khi bản thân nhen nhóm suy nghĩ ấy, ta sẽ tự mình đặt ra các câu hỏi, và sẽ muốn tìm được manh mối để trả lời các câu hỏi.

Và đương nhiên, mọi lĩnh vực nghiên cứu đều phải được bắt nguồn từ đam mê cũng như những nguyên nhân chủ quan gắn kết. Một nguyên nhân nữa: Tự thân trận Điện Biên Phủ đã là một nguồn cảm hứng bất tận rồi. Sau đó, càng tìm hiểu, tôi càng phát hiện ra thêm nhiều điều mới, từ đó càng thích và càng theo đuổi, không dừng lại được.

- Anh Phan Trường Sơn: Vâng, đôi khi chỉ là những mảnh thông tin chứng minh được những nhận định trước đó cũng khiến những người yêu thích lịch sử sướng rơn!

- Hiện nay, có không ít bạn trẻ muốn tìm hiểu và khai thác lịch sử để sáng tạo nội dung. Dựa vào kinh nghiệm cá nhân, các anh có thể chia sẻ thêm cách thức để thu thập thông tin dữ liệu lịch sử một cách chính xác?

- Anh Phan Trường Sơn: Với một sự kiện cụ thể như Hà Nội 1946, tôi sẽ khai thác hai luồng thông tin chính: Một, từ phía Việt Nam, tôi tiếp cận chủ yếu qua sách, báo. Hai, từ phía Pháp, thông qua các nguồn báo cáo, nhật ký mà họ còn lưu trữ.

Với mỗi thông tin tôi sẽ luôn cố gắng đọc, tìm hiểu từ thật nhiều nguồn khác nhau để có thể so sánh tương quan. Sau đó, cố gắng lập luận thật khách quan. Lịch sử luôn có tình trạng xung đột thông tin, do đó, chúng ta cần có nhiều nguồn để kiểm chứng. Một câu chuyện rất cụ thể mà bất cứ ai nghiên cứu lịch sử đều có thể gặp phải: Khi tìm dữ liệu sự kiện, mỗi nguồn thông tin lại đưa ra một mốc thời gian khác nhau. Lúc đó, tôi phải vận dụng khả năng suy luận và kiến thức lịch sử của mình để nhận định. Bên cạnh đó, tôi thường đặt niềm tin vào nguồn thông tin có thời điểm công bố gần với sự kiện hơn.

Cũng có thể, sau khi đăng tải thông tin lên các nền tảng online, bình luận của các chuyên gia, của những nhân chứng lịch sử còn lưu giữ bằng chứng mà chúng ta nhận được sẽ là những nguồn tài liệu quý giá để đối chứng, để tiệm cận nhất đến các sự thật lịch sử. Đối với các sự kiện có hai luồng thông tin mà cả hai đều có vẻ chính xác, tôi sẽ chọn cách đăng lên cả hai, để mọi người cùng kiểm chứng.

- Anh Võ Quốc Tuấn: Khai thác khía cạnh bên lề, như những cuộc đời trong cuộc chiến cũng là một điều rất hay. Phương diện đó nên là một luồng thông tin song hành với lịch sử thuần túy về con số hay sự kiện. Khi tổng hợp dữ liệu, nếu nắm được cả hai phương diện ấy thì "cái hiểu" của mình về lịch sử sẽ toàn diện hơn.

Từ những "điểm chạm" của lịch sử ảnh 1

Các bạn trẻ tham quan di tích đồi A1. Ảnh: THÀNH

ĐẠT

- Các anh nghĩ sao về một sự kết hợp liên thế hệ, hoặc một phương thức mới nào đó nhằm thu hút giới trẻ quan tâm hơn đến các vấn đề lịch sử?

- Anh Phan Trường Sơn: Như vậy tốt quá đi chứ! Tôi là dân kỹ thuật nên cách làm nghiên cứu luôn rõ ràng, gạch đầu dòng thứ nhất, mục a,b,c,… rất khó để chạm được cảm xúc người khác. Cũng sẽ rất hay nếu như có thể có một cách truyền đạt khác, cùng là nội dung đó, mà vẫn khơi gợi được cảm xúc cho người tiếp nhận thông tin. Các bạn trẻ cũng sở hữu tiềm năng về công nghệ và sáng kiến, có thể vận dụng tiềm năng đó để đa dạng hóa các thông tin lịch sử.

Tôi nghĩ có thể bổ sung nhiều phương pháp trong cách giáo dục về lịch sử nhằm tạo hứng thú cho các bạn trẻ. Thay vì chỉ truyền đạt và áp đặt thông tin, con đường hợp lý hơn là gợi mở, đưa ra những mốc sự kiện lịch sử, cung cấp nguồn để học sinh có thể tự khai thác, tự vận động và tìm hiểu. Cách tiếp cận như vậy sẽ hay hơn nhiều việc đọc và chép đơn thuần. Bản thân quá trình sưu tầm là đã đọc và ngấm rồi, nên chắc chắn sẽ thú vị hơn.

Nhưng tất nhiên, cũng phải giữ được ranh giới giữa "thú vị" và "nhảm nhí", bảo đảm được cả sự hấp dẫn lẫn tính chính xác học thuật, ngắn gọn là tránh tình trạng "đã không biết lại cứ chém gió linh tinh" – điều thật sự có hại.

- Anh Võ Quốc Tuấn: Việc kết hợp giữa người nghiên cứu chuyên sâu và giới trẻ làm nội dung trên các nền tảng mạng xã hội có một lợi thế rất lớn! Đơn cử, người làm nghiên cứu chuyên sâu có thể mô tả chuẩn xác, truyền tải chân thực được không khí, bối cảnh của sự kiện để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn những gì đã biết. Thí dụ như, một trận đánh vĩ đại trong lịch sử chắc chắn phải được tạo nên bởi rất nhiều con người nhỏ bé khác nhau. Như vậy, có thể đem lại thêm các chất liệu đời sống, các điểm chạm cảm xúc cho những nội dung về lịch sử với giới trẻ. Thông qua những lần thực địa, những câu chuyện của các nhân chứng vẫn còn sống, lịch sử có thể trở nên sống động hơn hẳn. Đó có thể là điểm kết nối giữa những người làm lịch sử một cách khá chuyên sâu, với khả năng "tạo sóng" trong giới trẻ.

Tôi cũng đồng ý với Sơn, những phương thức sử dụng cảm xúc làm đòn bẩy một cách thái quá có thể gây nên những hiệu ứng cực đoan, tiêu cực trong giới trẻ, nhất là các bạn chưa có nhiều trải nghiệm sâu với lịch sử. Song, khởi đầu, cân nhắc nặng nhẹ, thì khiến được giới trẻ yêu lịch sử đã là điều đáng mừng rồi.

Tôi cho rằng, để lịch sử có thể tiếp cận hơn đến công chúng nói chung, giới trẻ nói riêng, lịch sử cần có các gương mặt. Sự kiện lịch sử không chỉ là một vị tướng hay một đội quân, mà còn phải là những gương mặt, trong một cuộc chiến khốc liệt chẳng hạn. Họ không phải là những gương mặt trừu tượng, họ là con người cụ thể có máu, có thịt. Có thể, tên của họ sẽ nhanh chóng bị quên lãng, nhưng câu chuyện của họ thì lại được ghi nhớ rất rõ và rất lâu. Họ có thể là những người bình thường, một bác nông dân, một ông giáo, mỗi người họ lại có một cuộc đời riêng, nhưng họ vẫn tham gia và chiến đấu hết mình cho cuộc chiến giải phóng, bảo vệ đất nước. Những khía cạnh đó cũng sẽ tạo nên sự vĩ đại của lịch sử và tạo nên "điểm chạm" cảm xúc cho công chúng!

- Xin chân thành cảm ơn hai anh!

Võ Quốc Tuấn (sinh năm 1981) hiện công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, là người nhiều năm trăn trở với đề tài Điện Biên Phủ, với hàng chục chuyến thực địa lần theo những dấu tích cũ ít được nhắc tới trên chiến trường này.

Phan Trường Sơn (sinh năm 1986) hiện là kỹ sư hàng không, ngành bảo dưỡng máy bay. Là chủ kênh Facebook lịch sử Hà Nội 1946 - nơi cung cấp các dữ liệu lịch sử chuyên sâu về trận Hà Nội đông-xuân 1946-1947. Là nhà nghiên cứu lịch sử không chuyên từ những năm 2010.