Bộ tiêu chuẩn này đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đội ngũ y bác sĩ và quy trình chăm sóc người bệnh, với mục tiêu tạo ra một môi trường khám chữa bệnh an toàn, hiệu quả.
Mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm”
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của xã hội và nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ y tế, theo ông Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Thông tư Tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đặt ra mục tiêu bảo đảm an toàn trong quá trình khám chữa bệnh và giảm rủi ro y khoa; đánh giá khả năng cung cấp dịch vụ y tế hiệu quả, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người dân; nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ y bác sĩ; bảo đảm cơ sở vật chất hiện đại, hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe; lấy người bệnh làm trung tâm, cải thiện trải nghiệm và xây dựng lòng tin.
Bộ tiêu chuẩn giúp bệnh viện công lập định hướng và chuẩn hóa các hoạt động, bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, tạo niềm tin cho người dân và nâng cao mức độ hài lòng của người bệnh. Thông qua việc áp dụng các tiêu chí, bệnh viện có cơ hội đánh giá, cải thiện hệ thống quản lý nội bộ, từ quản lý nhân sự, cơ sở vật chất đến quản trị tài chính. Việc áp dụng tiêu chí chất lượng thúc đẩy bệnh viện công lập không ngừng đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ để cạnh tranh với các cơ sở y tế khác, đặc biệt là bệnh viện tư nhân.
Mặc dù kỳ vọng các bệnh viện “thay da đổi thịt” khi Bộ tiêu chuẩn đi vào thực tế như vậy, song nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc thực hiện các tiêu chí không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện bộ tiêu chuẩn khó khăn là sự thiếu hụt cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế. Dù Bộ Y tế quy định cơ sở y tế phải có các thiết bị hiện đại, bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, nhưng nhiều bệnh viện công hiện vẫn đang phải đối mặt tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu trang thiết bị y tế quan trọng, gây cản trở việc thực hiện các tiêu chí chất lượng. Một số bệnh viện vẫn chưa đủ khả năng đầu tư trang thiết bị hiện đại, làm giảm hiệu quả điều trị và khả năng chẩn đoán bệnh chính xác.
Bên cạnh thiếu cơ sở vật chất, việc đào tạo nhân lực y tế cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Cụ thể, bộ tiêu chuẩn yêu cầu các bệnh viện phải có đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng. Nhiều bệnh viện công thiếu bác sĩ, điều dưỡng có tay nghề cao, dẫn đến việc không thể thực hiện các tiêu chuẩn trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh mà còn làm giảm sự tin tưởng của người dân vào hệ thống y tế công. Cùng đó, việc thiếu đào tạo và cập nhật kiến thức cho nhân viên y tế cũng khiến cho việc áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng tại các bệnh viện gặp khó khăn.
Một yếu tố quan trọng khác làm giảm hiệu quả thực hiện bộ tiêu chuẩn là mâu thuẫn trong việc đánh giá chất lượng giữa các cơ sở y tế. Mặc dù Bộ Y tế đã đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá cụ thể, nhưng không phải bệnh viện nào cũng áp dụng một cách thống nhất, dẫn đến sự không đồng đều trong chất lượng dịch vụ y tế giữa các bệnh viện, tạo ra sự bất bình đẳng trong quyền lợi của người dân khi tiếp cận dịch vụ.
Sự thiếu đồng bộ trong đánh giá chất lượng còn gây khó khăn trong công tác giám sát và cải thiện chất lượng bệnh viện. Một số bệnh viện có thể đạt được điểm cao ở một số tiêu chí, nhưng lại không đạt các tiêu chí quan trọng khác, gây ra sự thiếu công bằng trong việc thực hiện và đánh giá chất lượng.
Ngoài ra, bộ tiêu chuẩn yêu cầu các bệnh viện thực hiện tự đánh giá chất lượng ít nhất một lần trong năm, nhưng không phải bệnh viện nào cũng thực hiện đúng yêu cầu này. Việc thiếu đồng bộ trong báo cáo và đánh giá chất lượng giữa các cơ sở y tế làm giảm tính minh bạch, hiệu quả của công tác giám sát, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cải thiện chất lượng dịch vụ.
Chưa kể, công tác giám sát từ các cơ quan quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Một số bệnh viện không cung cấp thông tin cần thiết hoặc thiếu hợp tác trong quá trình đánh giá, khiến cho việc giám sát và cải thiện chất lượng bệnh viện trở nên kém hiệu quả.
Bàn về vấn đề này, PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng chưa tương xứng sự phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển y tế chuyên sâu được đẩy mạnh nhưng hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực công nghệ thông tin tại các bệnh viện chưa được đầu tư tương xứng.
Với các bệnh viện khu vực phía bắc, theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, dù liên tục áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh, nâng cao năng lực điều trị chuyên sâu, nhưng cơ sở vẫn phải đối mặt tình trạng quá tải tại các khoa khám bệnh và điều trị nội trú, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các tiêu chí chất lượng.
Đồng bộ giải pháp thúc đẩy chất lượng
Để đạt được mục tiêu xây dựng hệ thống y tế chất lượng cao, theo nhiều ý kiến chuyên gia, các bệnh viện công cần tiếp tục vượt qua khó khăn, cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao năng lực quản lý. Các giải pháp đồng bộ từ đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, đến huy động nguồn lực tài chính sẽ giúp bệnh viện đáp ứng tốt hơn yêu cầu của bộ tiêu chuẩn và thúc đẩy chất lượng y tế phát triển bền vững.
Theo ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để nâng chất lượng bệnh viện theo bộ tiêu chuẩn mới do Bộ Y tế vừa ban hành, bệnh viện này sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ như cải thiện trang thiết bị y tế và hệ thống quản lý thông tin, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng. Bệnh viện cũng tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức, tổ chức các khóa tập huấn để nhân viên y tế hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ bộ tiêu chuẩn và khuyến khích sáng tạo trong cải tiến chất lượng.
Còn lãnh đạo Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương đề xuất, cơ quan quản lý cần thực hiện các cuộc đánh giá thường xuyên, có sự giám sát chặt chẽ hơn để bảo đảm rằng các bệnh viện thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn. Đồng thời, cần có sự điều chỉnh hợp lý trong việc thiết lập các tiểu mục và tiêu chí để phù hợp điều kiện thực tế của các bệnh viện, giúp giảm bớt gánh nặng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện bộ tiêu chuẩn một cách hiệu quả.
Ông Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng nêu quan điểm, để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bệnh viện, cơ quan quản lý và các tổ chức độc lập. Việc tăng cường đào tạo và nhận thức của nhân viên y tế về bộ tiêu chuẩn là một yếu tố quan trọng giúp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ các bệnh viện trong việc tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn.
Đồng quan điểm, ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh, các bệnh viện cần tăng cường hợp tác đa chiều, đa lĩnh vực, phát huy nguồn lực sẵn có để nâng chất lượng khám chữa bệnh. Trong đó hợp tác giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn thành phố để phát triển kỹ thuật chuyên sâu; hợp tác với các tổ chức y tế thế giới và các tổ chức quốc tế có uy tín triển khai hiệu quả các chương trình y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống dịch bệnh.
Cải thiện chất lượng bệnh viện công, thiết nghĩ cần có các giải pháp đồng bộ, từ đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nhân lực, đến việc xây dựng một hệ thống đánh giá chất lượng bệnh viện công bằng, minh bạch. Chỉ khi vượt qua những thách thức này, chất lượng y tế công tại Việt Nam mới có thể được nâng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.
Theo Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có một mạng lưới bệnh viện rộng khắp cả nước với gần 1.500 bệnh viện, trong đó 1.150 bệnh viện công lập chiếm 93% tổng số giường bệnh trên cả nước và đóng vai trò cung ứng 88% tổng số lượt điều trị nội trú.