1 Năm 2024, đời sống sân khấu diễn ra sôi động với hàng loạt liên hoan chuyên nghiệp cấp quốc gia được tổ chức. Từ các sân chơi nghệ thuật này, hàng chục vở diễn đã được trao Huy chương vàng, bạc. Song giành giải cao là một chuyện, còn có đến được với công chúng hay không lại là chuyện khác.
Thực tế lâu nay, có không ít tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng nhưng khi đưa ra biểu diễn, dù không bán vé, cũng thưa vắng người xem. Thực trạng này khiến Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Nguyễn Đăng Chương từng phải thốt lên: “Phải chăng, sự đánh giá về nội dung, nghệ thuật các tác phẩm của nhiều Hội đồng chấm giải còn có khoảng cách và độ chênh rất lớn với nhận thức thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả? Phải chăng, nhiều đơn vị đang đưa ra công chúng những sản phẩm nghệ thuật mà đơn vị có chứ chưa phải là những sản phẩm mà khán giả cần? Phải chăng, đội ngũ sáng tạo chưa tìm được chìa khóa để mở cánh cổng về nhận thức và tâm hồn của khán giả hôm nay”? Những câu hỏi mang theo hàm ý trả lời này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về công tác đầu tư cho tác phẩm sân khấu chất lượng.
Đã tồn tại dai dẳng nhiều năm qua là sự khan hiếm những vở diễn mang hơi thở cuộc sống. Đất nước đã đi qua gần 40 năm đổi mới, nhưng nghệ thuật sân khấu dường như vẫn hoài cổ, né tránh những vấn đề lớn của con người và thời đại hôm nay, nên chưa thể kéo được đông đảo khán giả, nhất là khán giả trẻ đến với các nhà hát. Theo Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, thực trạng này bộc lộ một “khoảng trống” lớn về lực lượng tác giả kịch bản sân khấu. Những kịch bản hay là yếu tố đầu tiên làm nên giá trị của tác phẩm. Do đó, để có những tác phẩm sân khấu chất lượng cao, phải quan tâm đầu tư ngay từ khâu kịch bản, cũng có nghĩa là đầu tư từ nguồn lực con người. Bên cạnh đó, ông Kiên cũng cho rằng, đầu tư cho tác phẩm sân khấu đỉnh cao tức là phải đầu tư cho tài năng nghệ thuật. Trải qua thời gian khủng hoảng kéo dài, nhân lực ở tất cả các thành phần tạo nên một tác phẩm sân khấu đang bị mai một: Tác giả kịch bản, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên… Muốn có những nguồn lực mới đủ khả năng thổi luồng sinh khí trẻ cho sân khấu, đòi hỏi phải có một chiến lược đầu tư đồng bộ, dài hơi.
2 Là đơn vị đã “cống hiến” nhiều tác phẩm opera, ballet, nhạc kịch được công chúng đánh giá cao về chất lượng, như “Những người khốn khổ”, “Giselle”, “Hồ Thiên nga”, “Carmen”,… tiêu chí để Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chọn kịch mục đầu tư là những tác phẩm kinh điển của thế giới và đã được đông đảo công chúng Việt Nam biết đến. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để thu hút khán giả, theo khẳng định của ông Phan Mạnh Đức, Giám đốc Nhà hát. Ông Đức cũng cho biết, việc dàn dựng tác phẩm nghệ thuật hàn lâm đòi hỏi sự đầu tư kinh phí rất lớn, không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách đặt hàng của Nhà nước mà còn đòi hỏi sự chủ động của đơn vị để khai thác những nguồn hỗ trợ, xã hội hóa khác. Việt Nam không có những đạo diễn chuyên về opera nên Nhà hát thường xuyên phải mời đạo diễn từ nước ngoài, kể cả chỉ huy và biên đạo ballet. Nếu theo mức chi trả thông thường thì Nhà hát khó có thể đáp ứng. Tuy vậy, trên cơ sở khai thác quan hệ hợp tác, họ sẵn sàng nhận mức thù lao thấp hơn, bù lại, đơn vị sẽ giúp họ ở những kịch mục khác với các hỗ trợ sáng tạo trong khả năng.
Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam nêu quan điểm: Nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho tác phẩm nghệ thuật cần được sử dụng hiệu quả hơn thông qua lựa chọn đầu tư cho những đơn vị mũi nhọn ở từng loại hình nghệ thuật để tránh sự chồng chéo, giúp nguồn lực đầu tư tập trung hơn, có tác phẩm chất lượng cao hơn. Ông Đức cũng bày tỏ trăn trở lực lượng nghệ sĩ biểu diễn opera, ballet có đặc thù tuổi nghề ngắn, trong khi biên chế rất ít và ngày càng tinh giản, dẫn đến khó khăn trong tuyển các nghệ sĩ trẻ tài năng. Vì thế, việc cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu để có những chiến lược đầu tư lâu dài cho nguồn lực con người cũng là vấn đề được ông Phan Mạnh Đức đặc biệt nhấn mạnh.
Khẳng định cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các tác phẩm sân khấu chất lượng cao, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tống Toàn Thắng cho rằng, nên tập trung đầu tư cho những dự án sân khấu đỉnh cao để trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa, có khả năng thu hút đông đảo công chúng trong nước và quốc tế. Những dự án này cần quy tụ đội ngũ thực hiện tài năng đến từ nhiều đơn vị nghệ thuật khác nhau để hợp sức làm nên những đột phá trong sáng tạo, từ xây dựng kịch bản đến dàn dựng tác phẩm theo hướng tiếp cận mới, ứng dụng công nghệ hiện đại mà vẫn làm nổi bật vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Theo ông Thắng, đây là giai đoạn sân khấu không thể chờ khách hàng tìm đến mà phải chủ động đi tìm khán giả. Liên đoàn Xiếc Việt Nam là đơn vị nghệ thuật công lập hiếm hoi thường xuyên tổ chức hội nghị khách hàng để “chào hàng” tác phẩm, giúp những nhóm khách hàng lớn sớm tiếp cận thông tin về các sản phẩm phù hợp và lựa chọn thưởng thức.