Từ anh thợ sửa điện thoại đến nhà văn của những cuốn sách best seller

Năm 2016 tôi tham gia một chuyến cứu trợ lũ lụt miền trung. Khi đi qua Hương Sơn, Hà Tĩnh, đoàn dừng lại ăn tối ở thị trấn Phố Châu. Tôi buột miệng hỏi anh em trong đoàn, ở quanh đây có gì hay không. Một cậu trẻ tuổi nhất hội bảo có đấy, có biết Song Hà không, hình như tay nhà văn Song Hà cũng ở gần đây thì phải, để gọi tới mần chén cho vui.
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung nhà văn Song Hà của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà văn Song Hà của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Lúc đó tôi cũng chỉ mới biết Song Hà qua mấy truyện ngắn được bạn bè chia sẻ rần rần trên mạng. Nhớ láng máng có truyện anh khoe mới tậu được "con la già" bốn bánh nát như chõng đẻ của một trường dạy lái, nên lúc gọi điện thoại rủ tới nhậu, tôi cứ dặn đi dặn lại: "Mày đi xe máy cho nhanh, đừng đi con la già kia nhé... Đêm hôm rồi, đường quê tối mù, nhỡ nó dở chứng chết máy thì toi, bọn tao già rồi mắt mũi tèm nhem chẳng đẩy được đâu".

Lát sau đang ngồi trong nhà, thấy ánh đèn ô-tô, chạy ra thì thấy Song Hà bước xuống từ con xế hơi hiệu Civic bóng loáng. Hà khoe xe mới mua từ tiền bán sách đấy. Hỏi chứ không phải là con la già ba mấy củ như trong truyện hả, con này mua bao nhiêu. Anh thủng thẳng nói nửa tỷ. Cả bọn nghe xong bàn tán xôn xao. Mới bập vào nghề, viết được vài cuốn sách mà tậu hẳn xe hơi nửa tỷ bạc thì có lẽ cả Hội Nhà văn ít ai làm được.

Nhà văn xứ ta có nguyên tắc bất di bất dịch là bán đứt bản thảo cho nhà xuất bản để hưởng nhuận bút theo quy tắc phần trăm giá bìa. Cũng có tác giả tự in bằng cách nộp bản thảo rồi xin giấy phép xuất bản nhưng nói thật số này sách ở tầm chỉ mang tặng, cho với số lượng hạn chế. Còn nhà văn bán sách thì sao? Cũng rất thật là vô cùng ít ỏi. Nhà văn bán được sách ở ta và sống được bằng sách chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Một trong số đó là nhà văn Song Hà. Giai đoạn mới nổi, nhà xuất bản mua bản quyền sách của Song Hà để in, sau anh tự làm lấy mọi công đoạn, nhà xuất bản chỉ biên tập và cấp phép. In ấn bao nhiêu tùy thuộc vào dự cảm chất lượng cuốn sách để Song Hà quyết định số lượng bản in. Tất nhiên anh tự phát hành theo cách bán trực tiếp và online cho từng độc giả. Quá kỳ công và khác biệt.

Tôi biết đến Song Hà chính ở những sáng tác trên mạng của anh. Cũng chưa lâu, chỉ dăm bảy năm trước, đọc một loạt truyện cả ngắn cả dài của anh đăng tải trên blog Boy Già và facebook cá nhân, ngay lập tức tôi đã chú ý và tìm hiểu tác giả này. Một chất giọng ngang tàng, bụi bặm và hài hài đầy nội lực trong những câu chuyện đời cực giản dị nhưng lại chứa rất nhiều ý nghĩa và thông điệp cuộc sống. Trong đó đặc biệt là sự hài hước vừa trí tuệ vừa bỡn cợt, bông lơn rất đời, giễu nhại đấy nhưng mà có vui có buồn, có cả sự đau đời đau thân đau phận vậy mà lại tràn lạc quan sống. Văn chương của Song Hà tích cực chính ở điểm này.

Mạng xã hội có lẽ là một nơi dễ dàng nhất để đăng tải sáng tác cá nhân. Nhưng đừng nhầm lẫn ở sự dễ dàng này. Để chinh phục được độc giả mạng xã hội phải là dạng văn chương đậm đặc chất liệu đời sống, có thể không mang tính hàn lâm kinh viện trong mắt giới phê bình nhưng dứt khoát phải gần gũi với cuộc sống thường nhật, tải được những vấn đề thuộc về ngày hôm nay. Độc giả mạng lại đa phần thuộc về lứa tuổi còn trẻ nên lớp người đọc này thích thú vì có người cùng thời nói hộ những gì họ suy nghĩ, trăn trở và mơ ước. Có lẽ Song Hà đánh trúng được vào thị hiếu và tâm lý này nên những sáng tác của anh thu hút mạnh, lôi kéo được một lượng độc giả đông đảo.

Đọc văn thấy một Song Hà bươn chải, lăn lộn cuộc đời làm đủ nghề để sống để trụ lại ở nghề viết, tôi cứ hình dung ra một khuôn dung tác giả từng trải, da mặt nứt như ruộng nẻ, thậm chí bặm trợn giống mấy anh hỗ trợ tài chính ở quê, nhưng tối hôm đó là một Song Hà hiền lành, không biết uống rượu, nói năng nhỏ nhẹ và mặt mũi đẹp trai kiểu thư sinh con nhà quyền thế, giầu có. Hay thật, văn với người hóa ra không phải bao giờ cũng đồng nhất trong một khuôn định như quan niệm.

Song Hà học văn khoa Tổng hợp niên khóa 1993-1997. Tốt nghiệp, anh ở lại Hà Nội làm báo để kiếm sống nuôi mộng văn chương. Không nói ra nhưng có lẽ cũng như nhiều người khác, Song Hà bám trụ lại để lập nghiệp bằng con đường văn chương báo chí được dệt bằng những ước mơ màu hồng. Ngay thời còn là sinh viên, Song Hà đã đoạt giải nhất Tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền Phong năm 1996 bằng truyện ngắn Biến tấu đời thường. Với một giải thưởng tầm cỡ của giới trẻ như vậy, tưởng rằng Song Hà dễ dàng trên con đường sự nghiệp. Nhưng số phận long đong đã đưa anh tới nhiều công việc khác nhau, từ viết báo phủi, trình dược viên, đến xe ôm, chạy quảng cáo cho các tòa soạn. Cuối cùng sau gần 10 năm bám trụ thủ đô bất thành, trong một chiều mưa tầm tã anh đã cuốn gói ba-lô, nhảy xe khách quay về quê làm lại cuộc đời.

Nghề văn có lẽ là như thế, chẳng có sự khởi đầu nào dễ dàng. Cất tấm bằng văn khoa vào tủ, Song Hà đã có ý định xuất khẩu lao động, thậm chí là gia đình đã dự tính đầu tư một con bò kéo và cỗ xe bánh hơi để kiếm sống. Cuối cùng anh lựa chọn học nghề sửa chữa điện thoại để kinh doanh mặt hàng này. Vốn liếng ít ỏi vài chục triệu, Song Hà mở cửa hàng ở ngay thị trấn quê hương.

Chàng cử nhân văn khoa từng có giải thưởng văn chương hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều thành phần ở cửa hàng điện thoại. Thôi thì đủ loại từ cave đến trộm cắp, nghiện ngập và cờ bạc là những đối tượng hay cầm cố máy khi bí tiền. Cửa hàng sửa chữa và mua bán điện thoại thậm chí Song Hà kiêm cả cầm đồ. Một lần cho một người quen vay tiền bằng giấy vay nợ, khi nhà văn tương lai đến nhà đương sự đòi tiền thì bị vây giữ vu vạ. Phải rất may mắn, Song Hà mới chạy thoát bỏ lại cả xe máy. Sau lần đó anh thề cạch cái nghề cầm đồ cực kỳ nguy hiểm. Và anh chuyên tâm vào với cửa hàng điện thoại. Sau này có lần tôi về Phố Châu, lúc ngang qua căn nhà cấp 4 lợp tôn bé tí, Hà chỉ tay bảo: "Trại sáng tác khi trước của em đấy". Hóa ra đây chính là "trụ sở cơ quan" cũ, nơi mấy năm trước anh từng vừa lọ mọ sửa điện thoại vừa tranh thủ viết lách linh tinh.

Bước ngoặt văn chương đến khi gia đình giục Song Hà lấy vợ. Một phần chưa quên được tình cũ, phần nữa chán nản vì sự nghiệp chẳng đâu vào đâu, Song Hà nhắm mắt bước vào hôn nhân. Cuộc hôn nhân vội vàng và chóng vánh sau đó đã rạn nứt và tan vỡ vì nghèo, vì thiếu tình yêu và sự đồng cảm. Trong những ngày tháng buồn chán và bế tắc, anh chỉ còn biết trải lòng vào những trang viết như là một cách độc thoại với chính mình để vợi bớt cô đơn.

Ban đầu viết chỉ để mà viết cho ra những ẩn ức, rồi dần dà là kể lại chuyện đời của chính bản thân nhưng chính Song Hà cũng không ngờ lại được độc giả hoan nghênh, hưởng ứng nhiệt thành. Độc giả hứng thú tương tác với một tác giả lạ lẫm có một giọng điệu riêng biệt và đặc biệt là văn "bựa" không giống ai. Có chững câu chuyện dài ngắt thành nhiều kỳ được độc giả mong đợi những phần tiếp theo như một bộ phim truyền hình dài tập chất lượng. Cái tên Song Hà nổi bần bật trên mạng xã hội được coi như một hiện tượng của văn học mạng.

Nghe Boy Già kể chuyện đời, Những chuyện bựa thời sinh viên, Ngoại tình, Trúng số… các tác phẩm của Song Hà liên tiếp ra đời. Năm 2015 một nhà xuất bản mua bản quyền cuốn đầu tiên và lần lượt mua các cuốn kế tiếp để xuất bản. Những cuốn sách ra đời như thế. Song Hà giải nghệ nghề điện thoại bấp bênh và chính thức trở lại với văn trường bút trận. Những thành công ban đầu cho Song Hà sự tự tin, anh chuyển sang tự in và bán sách.

Bây giờ nhà văn Song Hà sống ở thành phố Vinh, vẫn độc thân. Anh đang hoàn thành bộ Tuyển tập Song Hà dày hơn 500 trang. Và cũng như các facebooker nhóm ngàn like khác, thi thoảng nhà văn Song Hà cũng viết quảng cáo như anh cười cười thú nhận với tôi, để kiếm thêm chút thu nhập. Chính đáng thôi, tôi đùa, còn an toàn chán vạn lần hơn nghề cầm đồ năm xưa.

Mới đây nhất tôi có việc vào Vinh và vô tình gặp Song Hà lái một chiếc xe KIA mới khự chưa đeo biển. Song Hà mừng rỡ, ôi nhà văn anh, em vừa lấy con xe chiều nay chưa kịp đăng ký, may gặp anh ở đây, ta đi làm chầu nhậu rửa xe hầy.

Tôi nhìn chiếc xe mới bất giác mỉm cười khoái trá. Đấy cứ bảo nhà văn xứ ta khổ. Khổ đâu không biết nhưng nhà văn viết truyện, in sách và bán sách sắm được ô-tô rõ ràng không phải chuyện trên trời. Nhà văn đó là Song Hà, một nhà văn bán sách.