Trung thu xưa, trung thu nay

Tết Trung thu gắn với văn minh nông nghiệp lúa nước. Từ xa xưa, khi trời vào thu, người dân thường tổ chức lễ hội cầu mùa, vui chơi, ca hát. Hình ảnh Trung thu của người Việt thể hiện qua họa tiết trên trống đồng Ngọc Lũ. Tết Trung thu còn được ghi nhận tổ chức từ đầu thế kỷ thứ 12, dưới thời Lý, với các tiết mục như rước đèn, múa rối nước, đua thuyền…

Tết Trung thu là hoạt động văn hóa truyền thống để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tạ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy, cô giáo. Theo phong tục, vào Tết Trung thu, ban ngày người lớn làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ trông trăng. Trẻ em rước đèn, xem múa lân, chơi trò chơi dân gian như tò he, đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn lồng, đèn cù, trống ếch, đeo mặt nạ giấy bồi… Trong đêm rằm, người lớn và trẻ em ngắm trăng, thưởng thức mâm cỗ gồm bánh kẹo, hoa quả ở ngoài sân, được gọi là “phá cỗ”.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 22-9-1945, Bác Hồ có “Thư gửi thiếu nhi Việt Nam đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Kể từ đó, Tết Trung thu thật sự trở thành Tết Thiếu nhi và được tổ chức tưng bừng, rộn ràng, phấn khởi, vừa mang niềm vui, vừa có nhiều ý nghĩa. Và thành thông lệ, vừa là lễ tiết để mỗi người bày tỏ thành kính với tổ tiên, sự hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, thầy cô và những người mình mang ơn,…Tết Trung thu là dịp để mọi gia đình và toàn xã hội dành mối quan tâm lớn tới trẻ em. 

Cuộc sống đổi thay, không gian của Tết Trung thu không chỉ là khoảng sân trước nhà, đường làng, ngõ phố… Có nhiều địa điểm để các gia đình vui Tết Trung thu, đó có thể là cung thiếu nhi, vườn bách thảo, nhà văn hóa, cơ sở giáo dục, trung tâm thương mại, điểm tham quan… Đồ chơi Trung thu cho trẻ em ngày càng nhiều loại; trò chơi hiện đại, mang tính giải trí cao được tổ chức thay thế trò chơi dân gian truyền thống. 

Cùng với gia đình, các trường học, tổ chức, cá nhân… tổ chức thăm, tặng quà Trung thu cho trẻ em. Nhiều ngành, địa phương quan tâm chu đáo trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng thiên tai, trẻ mắc bệnh hiểm nghèo… Các túi quà trong dịp Tết Trung thu ngày một phong phú, đa dạng thể hiện sự phát triển trong đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Dù vậy, ở một phương diện nào đó, giá trị đặc trưng của Tết Trung thu truyền thống có phần mai một. Đồ chơi truyền thống bị đồ chơi, trò chơi có tính bạo lực, phản giáo dục, kém chất lượng, độc hại, nguy hiểm… lấn át. Một nét ẩm thực gắn liền với vẻ đẹp văn hóa là bánh trung thu thì nay có cơ sở chạy theo lợi nhuận sản xuất hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn. Không ít người biếu quà và nhận quà trung thu có giá trị vật chất quá cao, đôi khi không còn nằm trong phạm trù tri ân.

Bởi thế, hằng năm, gần đến rằm tháng tám, cơ quan chức năng lại tăng cường kiểm tra, thanh tra an toàn, vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn, xử lý việc vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh sản phẩm văn hóa, đồ chơi phản cảm, thiếu tính giáo dục. Không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán mà cả trong dịp lễ, Tết khác, có cơ quan, đơn vị phải đặt ra quy định về việc biếu, tặng quà. Năm nay, trong bối cảnh cả nước tập trung phòng, chống dịch Covid-19, mục tiêu tổ chức Tết Trung thu chu đáo, bảo đảm an toàn cho trẻ em cũng như mọi tầng lớp nhân dân càng được đặt lên hàng đầu…

Tổ chức Tết Trung thu thiết thực, vui tươi, phù hợp điều kiện thực tế và bảo đảm an toàn là cần thiết. Nhưng cùng yếu tố hiện đại, Tết Trung thu với những đặc trưng truyền thống làm sáng lên giá trị văn hóa tinh thần như: hiếu thảo, lòng biết ơn, quan tâm, sự đoàn tụ và tình thương yêu… vẫn luôn cần được tiếp tục phát huy.