Hà Nội năm 2023, Hoa ôm kịch bản Bóng rối lần lượt gõ cửa các nhà hát. Sở hữu cái trích ngang danh giá: là cháu nội nhà văn hóa Vũ Ngọc Phan và nữ sĩ Hằng Phương; con gái liệt sĩ - nhà khoa học quân sự Vũ Hoài Tuân và NSƯT Nguyễn Kim Thư - diễn viên thuộc thế hệ vàng đầu tiên của Nhà hát kịch Việt Nam - người được biết đến với vai Thị Hến trong vở kịch Nghêu, Sò, Ốc, Hến nổi đình, nổi đám trên sân khấu Thủ đô một thời, thế nhưng những ưu thế ấy không giúp Vũ Hoàng Hoa tránh được những cái lắc đầu từ chối: “Kịch bản lạ quá, mới quá so với thực tại của sân khấu đương thời”.
Cảnh trong vở Bóng rối - Ảnh Nguyễn Đình Toán |
Bóng rối là kết quả của một hành trình dài theo học khóa viết kịch ở Australia, nằm trong danh sách các kịch bản được đề cử giải thưởng Patrick White năm 2023 do Nhà hát kịch Sydney trao thường niên. Hoa từng rất tự tin khi Bóng rối nhận mưa lời khen ở Australia, được nhiều đạo diễn và các đồng nghiệp bên đó động viên, khích lệ bằng những chia sẻ sâu sắc, chân thành... Sân khấu Hà Nội sau thời gian dài uể oải, mệt mỏi đã đang vươn vai cựa mình, chủ động tìm đến công chúng bằng những vở diễn được đầu tư nghiêm ngắn và chăm chút nhiệt thành hơn, bằng cả cái cách nhẫn nại hồ hởi bán từng cái vé cho từng buổi diễn. Các kịch mục được dàn dựng cũng thực tế và thực dụng hơn nhiều, tất cả cốt để thu hút người xem, giúp nghệ sĩ được làm nghề và đàng hoàng sống được bằng nghề. Mọi hưng phấn háo hức tưởng đã bị nguội lạnh khi chạm mặt với thực tại, nhưng Hoa không nản.
Cả tuổi thơ bị lôi kéo dẫn dụ bởi thứ ánh sáng ảo mị trong các vở diễn ở nhà hát của mẹ, được làm người bạn nhỏ của các nghệ sĩ lớn, tình yêu sân khấu ngấm dần, để rồi dù đã đi rất xa, vẫn không nguôi được sự níu kéo vô hình, cô gái Hà Nội cầm kịch bản tới gặp các đồng nghiệp của mẹ, nay đang là những gương mặt trẻ giàu nhiệt huyết. Bóng rối được thông qua, đưa vào dàn dựng, Vũ Hoàng Hoa đã lặng đi trong niềm vui cùng nhiều thấp thỏm rối bời... Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ấm êm nề nếp, nhưng rồi biến cố ập đến, bố hy sinh năm Hoa 9 tuổi trong một tai nạn máy bay rúng động thời kỳ đó, khiến những tháng ngày yên bình của ba mẹ con chấm dứt. Mẹ Hoa - NSƯT Kim Thư - đã buộc phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình, đảm đương gia đình, nuôi hai đứa con còn thơ dại.
Cảnh trong vở Bóng rối - Ảnh Nguyễn Đình Toán |
Chị gái mắc bệnh bẩm sinh, nhận thức hạn chế, từ thuở ấy, Hoa đã được neo cái ý thức tự lập, tự chăm lo cho mình và làm chỗ dựa cho chị. Những tháng ngày cực nhọc chông chênh sớm đi qua nhờ sự mạnh mẽ đảm đang của mẹ và cả sự cứng cỏi trước tuổi của cô gái nhỏ vốn mộng mơ nhạy cảm. Nhà hát của mẹ cùng tủ sách của ông bà nội đã là chỗ dựa, đi cùng Hoa trong những ngày ấu thơ mất mát, giúp cô lớn khôn, trưởng thành...
Đầu những năm 1990, Hoa tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ Hà Nội, đi làm đủ công việc không liên quan đến nghệ thuật để kiếm sống. Lại một bước ngoặt nữa mang tên định mệnh, được mặc định trong số phận tiếp tục làm thay đổi cuộc đời cô gái Hà Nội. Hoa yêu và lấy chồng, một người đàn ông Pháp, theo chồng ra nước ngoài lập nghiệp. Mà nghiệp của chị trong quãng thanh xuân tươi đẹp, cũng chỉ là học, học viết văn, viết kịch, học phê bình nghệ thuật, học và học nhờ sự khuyến khích hỗ trợ của cả gia đình chồng.
Hơn một thập niên kể từ ngày xa mẹ, xa Hà Nội, Vũ Hoàng Hoa trở về, ra mắt gần như liền một lúc hai cuốn tiểu thuyết: Thảo - những hạt cát đời và Thạch anh vàng... Những ẩn ức thương đau của một cô bé đột ngột mất đi người cha, cuộc sống côi cút của ba mẹ con và cả khát vọng câm nín của mẹ - người đàn bà góa chồng lúc đang xuân sắc - Hoa tãi đều một phần đời của mình, của mẹ và chị gái theo những con chữ ở Thảo - những hạt cát đời và từ đó khép lại một phần quá khứ đọng đầy nước mắt.
Có một sự nhạy cảm bẩm sinh khi chiêm nghiệm cuộc sống thường ngày, có cả những trải nghiệm nhiều cung bậc, lại được học hành tôi luyện trong môi trường quốc tế đa phong cách, luôn tôn trọng quan điểm cá nhân, Vũ Hoàng Hoa càng tự tin với lựa chọn riêng. Giấc mơ sân khấu nẩy gieo mầm từ thuở bé hóa ra luôn âm ỉ trong cô, chỉ đợi thời cơ là cục cựa, trỗi dậy. Hoa đã quá dư thừa kiến thức vẫn theo học bài bản một khóa viết kịch tại Sydney, nơi cô sống cùng chồng con với dự định trở về để làm một điều gì đó cho sân khấu, cốt để mẹ vui. Hơn cả vui với NSƯT Kim Thư khi Bóng rối của Vũ Hoàng Hoa được NSƯT Xuân Bắc đưa vào danh sách kịch mục của Nhà hát năm 2023 và đạo diễn - NSƯT Tạ Tuấn Minh bắt tay dàn dựng.
NSND Lan Hương (Hương Bông) và NSND Việt Thắng trong vở diễn Bóng rối |
Quay trở lại Australia khi Bóng rối công diễn, Vũ Hoàng Hoa lặng lẽ từ xa theo dõi từng phản ứng của đồng nghiệp, khán giả, đau đáu hồi hộp với từng đêm diễn, từng tấm vé được bán ra. Bị từ chối ở nhiều nơi khác vì kịch bản không theo mô-típ thông thường, đảo lộn cả không gian thời gian lẫn cấu trúc tâm lý như những câu chuyện kịch trước nay, Bóng rối may mắn dừng chân tại Nhà hát kịch Việt Nam, với Vũ Hoàng Hoa, đó cũng lại là một sự hữu duyên nữa của số phận, để cô được thật sự trở về với cái nôi tuổi thơ mình.
Những con người cô độc ngay từ gia đình, cô đơn trong cái kén cuốn chặt cuộc đời dài dằng dặc, giấu biệt những tổn thương dưới đáy sâu thương tổn, sống giữa ngày thường như những cái bóng bơ vơ dần dần cũng tới lúc, tự bóc tách hết lớp vỏ che chắn đậy điệm, kiêu hãnh đương đầu cùng bản ngã của mình. Vấn đề muôn thuở của kiếp người được Vũ Hoàng Hoa nháo nhào trong lối viết khác lạ với thói quen, lại được sự dũng mãnh can trường của đạo diễn Tạ Tuấn Minh hóa giải, Bóng rối đã trở thành vở kịch nói mang tinh thần đương đại ấn tượng và thu hút trên sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam. Nhà hát kịch Việt Nam như Hoa nói, là nơi mẹ chị đã “sống cả cuộc đời” và giờ đây là nơi Hoa muốn “tự chữa lành”, nơi chị được thể hiện “những điều ẩn náu”, những trăn trở hoài bão được chăm bón vun xới già nửa một đời người.
Như lời của những nhân vật hỗn độn trong Bóng rối: “Một mình trên sa mạc mới tuyệt làm sao, chung quanh không bến bờ, tất cả đều xa lạ, cả bầu trời như chiếc bát khổng lồ úp xuống. Nếu có chết cũng phải chết trong nấm mồ bao la thoáng đạt ấy, chứ không thể chết dần chết mòn trong sự cô đơn không hình dạng lại nặng như chì này. Nếu phải gọi ra màu... thì nó xám”, Vũ Hoàng Hoa - cô gái Hà Nội từ Hà Nội ra đi, rồi trở về để tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Cần bao nhiêu kinh nghiệm đau thương... để trưởng thành?”.