Chung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Ða Phúc (Ðoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
Ở góc độ pháp luật ông có thể cho biết, cá nhân có quyền kêu gọi từ thiện công khai không, và nếu có thì cần tuân thủ những quy định pháp luật nào?
Chủ trương chung của Nhà nước ta là khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái. Với tinh thần nhân văn đó, ngày 27/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo quy định tại Mục 3 của Nghị định thì cá nhân hoàn toàn có quyền vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
Việc kêu gọi từ thiện cá nhân có cần đăng ký hoặc xin phép cơ quan chức năng không, thưa ông?
Khi kêu gọi, vận động từ thiện, cá nhân không cần đăng ký hoặc xin phép cơ quan chức năng, tuy nhiên phải tuân thủ đúng và đầy đủ các nguyên tắc, các quy định của pháp luật nói chung và quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP nói riêng. Cụ thể như sau:
Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Có quy định cụ thể nào về mức độ minh bạch và báo cáo tài chính khi cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện không?
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải bảo đảm tính công khai, minh bạch. Đây là nguyên tắc tài chính quan trọng hàng đầu. Việc công khai, minh bạch phải thể hiện ở 2 nội dung:
Thứ nhất, cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này.
Thứ hai, cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật
Nếu cá nhân không minh bạch trong việc sử dụng tiền từ thiện hoặc sử dụng sai mục đích, có thể bị xử lý như thế nào theo luật pháp?
Hành vi báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện là 1 trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP.
Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố mà không minh bạch trong việc sử dụng tiền từ thiện hoặc sử dụng sai mục đích một phần hoặc toàn bộ số tiền đã vận động được thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm cũng như hậu quả gây ra từ vi phạm đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trường hợp có tranh chấp về việc quản lý, sử dụng quỹ từ thiện do cá nhân vận động thì có thể có 2 trường hợp trách nhiệm pháp lý xảy ra là trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự.
Thí dụ: A là người đứng ra vận động, tiếp nhận được 10 tỷ đồng tiền đóng góp tự nguyện của hàng nghìn người ủng hộ, từ thiện cho UBND xã B thuộc tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Quá trình quản lý, sử dụng, phân phối khoản tiền 10 tỷ đồng A chỉ chuyển cho UBND xã B 8 tỷ đồng, còn 2 tỷ đồng sử dụng để mua ô-tô đứng tên A sở hữu, phục vụ đi lại và việc cá nhân của mình. Căn cứ các quy định hiện hành, A có thể bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội “Tham ô tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Về trách nhiệm dân sự, A phải hoàn trả khoản tiền 2 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho UBND xã B để UBND xã B quản lý, sử dụng, phân phối cho địa phương, cho các gia đình, cá nhân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống sau cơn bão.
Nghệ sĩ, KOL khi kêu gọi từ thiện có cần tuân thủ các quy định pháp lý đặc biệt nào so với cá nhân thông thường hay không?
Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ không phân biệt đối tượng cá nhân kêu gọi từ thiện là nghệ sĩ, KOL hay cá nhân thông thường. Theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, các quy định về vận động, quản lý, sử dụng, phân phối nguồn tiền từ thiện sẽ áp dụng bình đẳng, không có quy định riêng hay quy định đặc biệt với các nghệ sĩ, KOL khi kêu gọi, vận động từ thiện. Tuy nhiên nghệ sĩ, KOL là người của công chúng nên theo tôi sự tác động, ảnh hưởng của những người nổi tiếng này tới tâm lý, tình cảm, hành động của công chúng, của dư luận xã hội là rất lớn, có tính lan tỏa nhanh chóng và mạnh mẽ. Giới nghệ sĩ, KOL cần hết sức cẩn trọng, lưu ý thực hiện đúng và đầy đủ quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP tránh tình trạng bị phản tác dụng, ảnh hưởng xấu đến uy tín cá nhân cũng như danh dự nghề nghiệp của nghệ sĩ khi kêu gọi và thực hiện các hoạt động từ thiện.
Trong đợt ủng hộ người dân bị ảnh hưởng cơn bão Yagi vừa qua, xuất hiện tình trạng mạo danh người khác quyên góp tiền, và hành vi chỉnh sửa biên lai chuyển tiền từ thiện từ số tiền ít thành nhiều gây bức xúc dư luận xã hội. Vậy các hành vi đó vi phạm pháp luật không?
Tôi khẳng định việc mạo danh người khác trong việc quyên góp tiền chia sẻ với người dân vùng bão lũ, hành vi “phông bạt” chỉnh sửa biên lai chuyển tiền từ thiện là hành vi vi phạm vào một trong các điều nghiêm cấm của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng đó là việc cung cấp thông tin không đúng sự thật. Trường hợp hành vi của người lợi dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin không đúng sự thật mang tính chất xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm kể trên. Với tính chất nghiêm trọng hơn, người nào can thiệp, sửa chữa thông tin trên các biên lai, chứng từ, hóa đơn của cơ quan, tổ chức có thể bị xử lý hình sự ở tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo ông Nhà nước cần có các giải pháp nào cho hoạt động từ thiện để vừa khuyến khích được hoạt động vận động, quyên góp từ thiện vừa ngăn chặn được các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này?
Thứ nhất, cần tiếp tục cập nhật thường xuyên các tình huống phát sinh trong thực tế nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng, phân phối nguồn tiền vận động từ thiện sao cho có tính thực tế hơn, khả thi hơn, loại trừ được các quy định mang tính hình thức để hoạt động quản lý Nhà nước về hoạt động từ thiện thật sự hiệu quả, chặt chẽ mà vẫn thu hút được nguồn lực tài chính trong nhân dân, khuyến khích được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực đồng hành, tham gia công tác từ thiện.
Thứ hai, cần nghiên cứu bổ sung thêm vào Nghị định số 93/2021/NĐ-CP các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng, phân phối nguồn tiền từ thiện đồng thời quy định cụ thể các chế tài cảnh báo, chấn chỉnh, xử lý, xử phạt thật nghiêm khắc đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm điều cấm của Nghị định này để làm lành mạnh hóa công tác từ thiện.
Thứ ba, cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về hoạt động từ thiện, các quy định của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP cho đông đảo quần chúng nhân dân nắm bắt, hiểu biết và áp dụng, thực hiện đúng quy định, tránh được tình trạng hoạt động từ thiện mang tính tự phát, mang nặng tính cá nhân gây khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý Nhà nước như thời gian vừa qua.
Xin trân trọng cảm ơn ông!