"Trợ lý" robot cho học sinh

Không chỉ hỗ trợ các em nhỏ tham gia "lớp học từ xa", các thiết bị công nghệ còn gợi mở hướng đi mới, nhằm giúp đỡ những học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần sớm quay trở lại trường học.
0:00 / 0:00
0:00
"Trợ lý" robot cho học sinh

Theo số liệu thống kê năm 2022 của thành phố Kumamoto (Nhật Bản), khoảng 2.760 học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại đây không đến trường. Con số này đã tăng liên tiếp trong vòng bốn năm qua và cao hơn gấp hai lần so thời điểm năm 2018.

Kumamoto không phải địa phương duy nhất ghi nhận tình trạng này. Báo cáo của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy, hơn 244.940 học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên cả nước từ chối đến trường nhiều hơn 30 ngày trong năm - con số cao kỷ lục. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được xác định là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần sau đại dịch Covid-19.

Để khắc phục tình trạng này, Hội đồng Giáo dục thành phố Kumamoto đã đề xuất sáng kiến sử dụng các "trợ lý" robot. Bởi, theo nghiên cứu thực tế năm 2023, học sinh cảm thấy được kết nối và giảm cảm giác cô đơn nhiều hơn, thông qua robot, thay vì cách thức học tập trực tuyến thông thường. "Vị trợ lý" thân thiện này được xem như một phần của phương pháp tiếp xúc có phân loại, giúp các em dần tái hòa nhập cộng đồng.

Với chiều cao 1 m, được trang bị màn hình hiển thị, micro, loa và camera cho phép liên lạc hai chiều, "trợ lý" robot sẽ giúp học sinh kết nối với trường học, từ chiếc máy tính ở nhà. Các em sẽ có cơ hội thể hiện bản thân một cách sinh động hơn ở các cuộc thảo luận trên lớp, đồng thời dễ dàng giao tiếp với bạn bè nhiều hơn nữa trong những quãng nghỉ giữa giờ. Không những vậy, học sinh có thể điều khiển robot trong khuôn viên trường học để quan sát và thậm chí tham dự các sự kiện thực tế.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những trở ngại do chi phí robot sẽ tiêu tốn khoảng 600 USD. Thiết bị này đôi lúc sẽ gặp phải những trục trặc kỹ thuật hay lỗi nhỏ yêu cầu phải khởi động lại. Dẫu vậy, nếu đề xuất này được Hội đồng Giáo dục thành phố Kumamoto chấp thuận, hai chú robot đầu tiên dự kiến sẽ được gửi đến các trường có yêu cầu sử dụng vào tháng 11 tới. Kết quả thực tế sẽ được đánh giá sau thời điểm năm học kết thúc, trước khi quyết định có nên tiếp tục hay mở rộng chương trình này trong những năm tiếp theo hay không.

"Nhiều học sinh gặp khó khăn khi giao tiếp nhưng vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn mong muốn được đến trường. Thông qua robot, chúng tôi muốn mang lại cảm giác chân thật nhất tới những đứa trẻ vẫn còn chưa chắc chắn và sợ tương tác với những người chung quanh. Đây là phương tiện nhằm tháo gỡ rào cản, giúp học sinh tham gia vào các trải nghiệm cùng bạn bè. Hy vọng robot sẽ thúc đẩy các em đi học trở lại với sự hào hứng", Ủy viên Hội đồng Giáo dục thành phố Kumamoto Maki Yoshizato chia sẻ.