Triển vọng từ những mô hình sạch

Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản hữu cơ mang lại cơ hội cho việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là tăng độ phì nhiêu, giảm những chất có hại cho hệ thủy sinh của vùng đất ở những nơi canh tác theo phương pháp hữu cơ.

Mô hình tôm-lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mô hình tôm-lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo câu thơ "Quê tôi chợ Hệ, chợ Bầu/ Con rươi, con ruốc nuôi nhau nên người", tôi tìm về "xứ rươi" Tứ Kỳ (Hải Dương), nơi nghề khai thác và bảo tồn rươi đang phát triển mạnh mẽ.

Hàng chục mô hình kết hợp cấy lúa hữu cơ, chăm sóc rươi, nuôi cáy đã làm nên thương hiệu rươi Tứ Kỳ nhiều năm qua. Ông Hà Văn Bảy, thôn An Định, xã An Thanh (Tứ Kỳ) là điển hình trong bảo tồn rươi, cáy. Với diện tích hơn một mẫu ruộng, gia đình ông đang phát triển mô hình cây lúa-con rươi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để giúp thương hiệu quê hương vươn xa cũng như góp phần phát triển nghề trong xã, ông Bảy đã lập Công ty TNHH Đặc sản rươi-cáy Hà Tiến để thu mua thêm rươi, cáy tươi của bà con nông dân, chế biến, bán ra thị trường. Ông Bảy cho biết, thực chất người dân không thể "vỗ béo" cho rươi tăng cân, mà chỉ có thể cải tạo môi trường sạch, tạo hệ sinh thái để rươi phát triển, sinh sôi. Hiện nay, trung bình mỗi tháng công ty của ông chế biến khoảng sáu tạ rươi tươi. Sắp tới, người dân mở rộng diện tích khai thác rươi, cáy trong vùng nội đồng, công ty sẽ nâng công suất chế biến lên 1,2-1,5 tấn/tháng. "Hai sản phẩm chả rươi và rươi niêu Hà Tiến đã được UBND tỉnh Hải Dương cấp chứng nhận OCOP 3 sao", ông Bảy tự hào.

Cũng là người con của "xứ rươi", anh Phạm Văn Phúc, Bí thư Chi đoàn thôn An Lao, xã An Thanh đã lựa chọn nuôi ốc và "giữ trong lành" diện tích canh tác rươi của gia đình. Dẫn chúng tôi thăm trang trại nuôi ốc rộng hơn một mẫu ven sông Tứ Kỳ, anh Phúc chia sẻ: "Trước đây, khu này chỉ là nơi đồng hoang, nước đục, tôi đã vay hơn 300 triệu đồng làm vốn để cải tạo khu đồng hoang thành trang trại nuôi ốc. Những phần ruộng có thể khai thác rươi thì gia đình tôi vẫn giữ gieo lúa sạch và khai thác khi rươi vào vụ".

Đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu, thời gian qua, nhiều nông dân ở Bến Tre đã lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi và phương pháp để giảm rủi ro. Nhìn chung, đối với mùa mặn từ tháng 10 âm lịch, các huyện ven biển, không chỉ riêng của Bến Tre mà các tỉnh Tây Nam Bộ cũng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Do đó, mùa này sẽ tiến hành nuôi những đối tượng nước mặn và nước lợ như tôm sú quảng canh, cá kèo, cá nâu, cua biển… trong vòng 4-6 tháng sẽ có thu hoạch. Đến đầu mùa mưa, khi thu hoạch hết các đối tượng mùa mặn, nông dân sẽ tiến hành rửa phèn, rửa mặn để thực hiện mùa vụ tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa.

Đối với lúa, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đã tư vấn cho người dân lựa chọn, ứng dụng một số giống lúa chịu mặn và có giá trị cao như ST24. Bên cạnh đó, một số giống truyền thống là Đài Thơm 8 và OM9192, OM6162 vừa ngắn ngày vừa có khả năng chịu mặn từ 2-3%.

Ông Hồ Văn Cương, Phó Giám đốc Hợp tác xã tôm-lúa Thạnh Phú (huyện Thạnh Phú) chia sẻ: xét về hiệu quả, đối với cây lúa, mỗi ha trung bình lợi nhuận khoảng 15-20 triệu đồng. Đây là lúa sạch, gần như không sử dụng phân bón nên được thị trường ưa chuộng. Còn đối với con tôm, năng suất trung bình đạt được khoảng 500 kg/ha/vụ. Trừ chi phí, riêng con tôm lợi nhuận mang lại từ 60-100 triệu đồng/ha, gấp 4 lần so với lúa. Những sản phẩm của cây lúa như nhị, lúa đổ sau thu hoạch được tôm sử dụng. Ngược lại, phân và thức ăn thừa của tôm cũng được cây lúa hấp thu. Đây là một trong những cách làm mang lại hiệu quả thiết thực vừa bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, đời sống nông dân được cải thiện. Hiện nay, mô hình kinh tế từ tôm-lúa được nhiều thành viên hợp tác xã, nông dân duy trì và nhân rộng.

Nuôi thủy sản sạch theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường đang là xu hướng được không ít người dân, doanh nghiệp ở khắp cả nước triển khai. Các mô hình sản xuất thủy sản hữu cơ (không dùng kháng sinh, hóa chất) trong quá trình nuôi, áp dụng các biện pháp tốt nhất để bảo vệ sinh thái, sự đa dạng sinh học, hạn chế tối đa tác động gây ô nhiễm và mất an toàn từ các hoạt động nuôi tới con người và môi trường. Đây là mô hình nuôi trồng mang lại kết quả khả quan, bước đầu thay đổi tập quán canh tác của nông dân.

Theo Quyết định số 885 ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5-3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế gồm tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản
bản địa...