Trái tim Việt Nam đập theo từng nhịp bóng

Tại SEA Games 32 trên đất Campuchia, bóng rổ Việt Nam làm nên lịch sử với tấm Huy chương vàng đầu tiên ở nội dung 3x3 nữ. Chiến công ấy càng thêm lấp lánh vì câu chuyện của hai vận động viên Thảo My và Thảo Vy - cặp chị em sinh đôi người Mỹ gốc Việt.
0:00 / 0:00
0:00
My và Vy (ở giữa), trong trang phục Việt Nam truyền thống, bên tháp Hòa Phong.
My và Vy (ở giữa), trong trang phục Việt Nam truyền thống, bên tháp Hòa Phong.

Ðêm Hà Nội "vỡ òa"

Những ngày đầu tháng 5/2022, nhà thi đấu Thanh Trì (Hà Nội) đón hàng nghìn lượt người hâm mộ từ khắp mọi miền đất nước. Họ sẵn sàng đợi nhiều giờ đồng hồ, để vào sân cổ vũ cho các đội tuyển bóng rổ.

Những người làm nên cơn sốt ấy chính là Trương Thảo My (tên tiếng Anh Kaylynne Trương) và Trương Thảo Vy (Kayleigh Trương) - hai thành viên tài năng của đội bóng rổ 3x3 nữ Việt Nam. Thảo My và Thảo Vy là cặp chị em sinh đôi lớn lên tại Mỹ, trong gia đình có bố và mẹ là người gốc Việt. Thông qua người cha yêu thể thao, cả hai tiếp cận với bóng rổ và bộc lộ năng khiếu từ sớm. Khi bước vào đại học, My và Vy nhận học bổng của Trường Gonzaga và bắt đầu thi đấu trong hệ thống giải bóng rổ cao nhất các trường đại học/cao đẳng ở Mỹ. Cả hai đều để lại dấu ấn nhất định, dù có phần thua thiệt về thể hình so các đồng đội.

Thành công bước đầu tại Mỹ, nhưng gia đình họ Trương, cũng như rất nhiều thành viên trong cộng đồng người Việt xa xứ, luôn muốn đóng góp cho quê cha đất tổ. Vậy nên, khi Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đặt vấn đề mời trở về thi đấu SEA Games 31, hai chị em lập tức nhận lời.

Đằng sau quyết định trở về là những nỗi lo. Bởi lẽ, cả gia đình đều là thế hệ người Việt sinh ra tại Mỹ và chưa từng về nước. Khả năng hòa nhập và thích nghi của hai chị em vẫn là một dấu hỏi. Nhưng, sự yêu mến và trân trọng của người hâm mộ Việt Nam với hai chị em Thảo My và Thảo Vy đã giúp mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn nhiều. Dưới sân đấu, các tuyển thủ Việt Nam vừa đóng vai trò là đồng đội, vừa là những người chị giúp hai "tân binh" hòa nhập văn hóa Việt Nam.

Kết thúc kỳ SEA Games 31, Thảo My và Thảo Vy góp công lớn giúp Đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam giành tấm Huy chương bạc lịch sử ở nội dung 3x3. Một năm sau, họ cùng các đồng đội tiếp tục nối dài câu chuyện thành công, khi đánh bại cường quốc bóng rổ Philippines để bước lên bục danh dự cao nhất.

Nhưng, tấm huy chương hữu hình ấy chưa phải là món quà quý giá duy nhất cho quyết định trở về nước lần này.

"Tôi là người Việt Nam!"

Thời điểm Thảo My và Thảo Vy đặt chân xuống sân bay Nội Bài cũng là lúc họ bắt đầu nối sợi dây liên kết với quê hương - mảnh đất cách xa nơi họ ở hàng chục nghìn cây số. Cả hai luôn tự hào nhận mình là người Việt Nam, nhờ vào nỗ lực giáo dục truyền thống, văn hóa đất nước của người cha Trương Mẫn.

Quyết định trở về thi đấu, do đó, không chỉ để mang vinh quang cho Tổ quốc mà còn để "điền" vào những chỗ trống trong hành trình trả lời những câu hỏi về nguồn cội: "Tôi là ai, tôi đến từ đâu?". Nếu không lựa chọn trở về, những người như Thảo My hay Thảo Vy sẽ khó có cơ hội kiến giải nguồn cội theo cách của chính mình.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi hòa nhập với đội tuyển quốc gia, cả hai cô gái đã kịp "nghiện" trà sữa, bánh tráng trộn, thịt xiên nướng - những món ăn quen thuộc của các bạn trẻ Việt Nam. Trong bức ảnh mặc áo dài tại Hà Nội, hai chị em xuất hiện một cách trẻ trung. Người hâm mộ Việt Nam yêu mến Thảo My, Thảo Vy cũng một phần vì những giây phút họ đắm mình vào văn hóa Việt Nam như chưa từng có sự xa cách. Những trải nghiệm này giúp cả hai vỡ lẽ: Việt Nam của họ không chỉ có nền văn hóa lâu đời, những danh lam thắng cảnh hay khói lửa chiến tranh mà còn là một quốc gia thân thiện, năng động, trẻ trung và luôn dang tay chào đón những người con xa xứ.

Sau khi giành tấm Huy chương vàng lịch sử, My và Vy chia sẻ rằng họ đã thỏa mãn mong muốn "được chơi bóng rổ bên cạnh những người Việt", điều đã đeo đuổi họ từ những năm tháng ấu thơ. Có thể thấy, dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng có những người trẻ gốc Việt vẫn luôn đau đáu một nỗi cô đơn vô hình, và luôn ngập tràn khao khát được sống đúng cộng đồng của mình.

Một hình ảnh đáng nhớ: Hàng nghìn người hâm mộ đứng bên ngoài nhà thi đấu Thanh Trì (Hà Nội) mở rộng vòng tay chào đón My và Vy. Có lẽ, số người Việt Nam hai chị em gặp ở nhà thi đấu hôm ấy còn nhiều hơn số những người Việt họ đã gặp trong 21 năm cuộc đời. Niềm hạnh phúc này, như họ bộc bạch, thật khó diễn tả thành lời.

Thời gian gần đây, nhiều tài năng thể thao gốc Việt đã lựa chọn trở về cống hiến cho quê hương. Chúng ta đã nói nhiều đến những chính sách thu hút tài năng người Việt để phát triển thể thao nước nhà. Và ở chiều ngược lại, người Việt ở nước ngoài cũng có nhu cầu trở về để được hiểu biết về cội nguồn. Câu chuyện đãi ngộ, đôi khi, chỉ là sự khai mở dành cho những nhu cầu tinh thần, mà khó có thể tìm thấy một cách rõ ràng ở nơi nào khác ngoài quê hương.