Thương hiệu Trung Quốc

Những chìa khóa thành công

Với quan điểm phát triển "ba chuyển đổi" (từ chế tạo Trung Quốc sang sáng tạo Trung Quốc, từ tốc độ Trung Quốc sang chất lượng Trung Quốc, từ sản phẩm Trung Quốc sang thương hiệu Trung Quốc), việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia của đất nước 1,4 tỷ dân đã có bước phát triển ấn tượng và đạt nhiều thành tựu nổi bật, góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vai trò và sức ảnh hưởng trên trường quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các thương hiệu Trung Quốc tại Hội chợ triển lãm quốc tế Big Data tháng 5/2023.
Các thương hiệu Trung Quốc tại Hội chợ triển lãm quốc tế Big Data tháng 5/2023.

Chuyển đổi ngoạn mục

Thương hiệu quốc gia của Trung Quốc có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, gắn liền với sự phát triển của các chủ thể kinh tế, doanh nghiệp trong bối cảnh chính trị-xã hội cụ thể.

Những năm đầu thế kỷ 20, sự phát triển thương hiệu ở Trung Quốc nằm ở giai đoạn sơ khai, khi các doanh nghiệp trong nước chủ yếu trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, chưa hình thành ý thức và hình ảnh thương hiệu thống nhất. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, với việc áp dụng thể chế kinh tế kế hoạch, một số doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực dầu khí, viễn thông bắt đầu xây dựng thương hiệu có tầm ảnh hưởng nhất định. Từ năm 1978, Trung Quốc tiến hành cải cách và mở cửa, thu hút nhiều vốn và công nghệ nước ngoài, hàng loạt doanh nghiệp liên doanh được thành lập, từ đó tiếp thu các kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến của nước ngoài, đồng thời thúc đẩy phát triển các thương hiệu của Trung Quốc.

Những năm đầu thế kỷ 21, chứng kiến sự trỗi dậy của các thương hiệu độc lập, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực ô-tô, đồ điện gia dụng, điện thoại di động…, với tầm ảnh hưởng không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn trên phạm vi toàn cầu. Với việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, sau đó vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm 2010, hàng loạt thương hiệu Trung Quốc vươn ra nước ngoài, tạo nên trào lưu "quốc tế hóa thương hiệu", đón nhận thách thức và cạnh tranh của các thương hiệu quốc tế trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

"Ba chuyển đổi" chính là quyết sách quan trọng mà Đảng và Chính phủ Trung Quốc đề ra, trong bối cảnh nền kinh tế sau thời gian dài liên tục tăng trưởng cao, đang đối mặt với nhiều bài toán về giảm tốc tăng trưởng, dư thừa năng lực sản xuất, cơ cấu ngành nghề chưa phù hợp cần chuyển đổi và nâng cấp; với trọng tâm là đề cao đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, khai thác tối đa vai trò của thương hiệu trong việc tạo ra giá trị cho sản phẩm, doanh nghiệp và cộng đồng.

Cùng với thực hiện "ba chuyển đổi", Trung Quốc đẩy nhanh xây dựng một loạt doanh nghiệp hàng đầu thế giới với sản phẩm ưu việt, thương hiệu nổi bật, đi đầu trong đổi mới sáng tạo và có nền quản trị hiện đại, làm đầu tàu phát triển, phát huy vai trò lớn hơn trong tiến trình hiện đại hóa đất nước. Từ năm 2017, ngày 10/5 hằng năm được lấy làm "Ngày thương hiệu Trung Quốc", với mục tiêu chuyên nghiệp hóa các hoạt động xây dựng và vận hành thương hiệu, thông qua xây dựng chiến lược thương hiệu Trung Quốc, để tăng độ nhận diện thương hiệu không chỉ của mỗi sản phẩm, mỗi doanh nghiệp, mà còn cả nền kinh tế và đất nước.

Đến nay, Trung Quốc đã khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thương hiệu thế giới, với tổng cộng 73 thương hiệu có tên trên bảng xếp hạng 500 thương hiệu hàng đầu thế giới tính đến cuối năm 2023, duy trì vững chắc vị trí thứ hai sau Mỹ (181 thương hiệu), vượt khá xa các quốc gia khác như Nhật Bản (36), Pháp (34), Đức (30), Anh (26).

Năm 2023, có tới 142 doanh nghiệp Trung Quốc vào bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn, chiếm 28,4% tổng số doanh nghiệp trên bảng xếp hạng, vượt qua Mỹ (136 doanh nghiệp, chiếm 27,2%)

Hướng tới "cường quốc thương hiệu"

Những năm gần đây, Trung Quốc đặt mục tiêu chuyển từ nước lớn về thương hiệu sang nước mạnh về thương hiệu (cường quốc thương hiệu). Đây là một định vị chiến lược để Trung Quốc vươn lên vị trí cao hơn trên bản đồ thương hiệu thế giới, mở rộng tầm ảnh hưởng của hàng hóa, dịch vụ, kinh tế, văn hóa Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu.

Hàng loạt văn bản chính sách được ban hành nhằm đẩy mạnh xây dựng "cường quốc thương hiệu" như Cương yếu quy hoạch chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước (2022-2035), Cương yếu xây dựng cường quốc về chất lượng..., trong đó nhấn mạnh đi sâu thực hiện chiến lược thương hiệu, gây dựng và phát triển các thương hiệu hàng hóa lâu đời và thương hiệu văn hóa truyền thống đặc sắc, tổ chức tốt Ngày thương hiệu Trung Quốc để tuyên truyền và quảng bá các sản phẩm tinh hoa, tăng cường ý thức phát triển thương hiệu trong toàn xã hội, tạo dựng thêm nhiều thương hiệu Trung Quốc nổi tiếng thế giới.

Theo Văn bản về thúc đẩy xây dựng thương hiệu thời đại mới do bảy bộ, ngành Trung Quốc ban hành năm 2022, nước này đặt hai dấu mốc quan trọng vào các năm 2025 và 2035 cho việc xây dựng "cường quốc thương hiệu". Cụ thể, đến năm 2035, sẽ gia nhập nhóm các quốc gia hùng mạnh về thương hiệu, với việc hình thành toàn diện hệ thống thương hiệu có chất lượng và ưu thế nổi bật, bố cục hợp lý, khả năng cạnh tranh mạnh và năng động, bao gồm thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu ngành nghề và thương hiệu vùng miền; hình thành bố cục công tác xây dựng thương hiệu với sự định hướng của Chính phủ, vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, sự tham gia của xã hội và quan tâm của người tiêu dùng.

Theo ông Lý Cương, Viện trưởng Nghiên cứu thương hiệu quốc gia, Tổng Biên tập Báo điện tử Thương hiệu quốc gia (Trung Quốc), sự "trỗi dậy" của thương hiệu Trung Quốc thời gian qua cho thấy sự hoàn thiện của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cũng như sự coi trọng của Chính phủ Trung Quốc đối với chất lượng phát triển kinh tế-xã hội, coi đây là giải pháp chiến lược quan trọng để thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng "cường quốc thương hiệu" sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035 và xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp vào giữa thế kỷ này.

Chuyên gia Dữu Chí Thành, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho rằng: Thương hiệu Trung Quốc vẫn đang đứng trước bài toán "lớn mà chưa mạnh", "nhiều mà chưa mạnh", việc thúc đẩy thương hiệu nước này vươn ra thế giới cũng như xây dựng "cường quốc thương hiệu" là một công trình mang tính hệ thống, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, truyền thông và các tổ chức hiệp hội ngành nghề, mới có thể tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa thương hiệu phát triển với chất lượng cao.