Dậy sóng thủy triều đỏ

Bạo lực, bệnh tật, thảm họa nhân đạo, khủng hoảng ngoại giao… đang như những cơn thủy triều đỏ đe dọa lan rộng ra nhiều nước, nhiều khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc xung đột tàn khốc giữa Israel và Hamas diễn ra tròn sáu tháng.
Cuộc xung đột tàn khốc giữa Israel và Hamas diễn ra tròn sáu tháng.

1. Tuần qua ghi dấu cuộc xung đột tàn khốc giữa phong trào Hamas của Palestine và Israel diễn ra tròn sáu tháng, và hậu quả đã "vượt mức thảm họa". Theo cơ quan y tế ở Gaza, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 33.175 người ở dải đất ven Địa Trung Hải, trong đó có hơn 13.000 trẻ em. Còn số liệu của Israel cho thấy, số người thiệt mạng ở nước này là 1.170 người, phần lớn là dân thường. Trong khi đó, xung đột vẫn diễn ra căng thẳng và quân đội Israel đang chuẩn bị cho các hoạt động quân sự mới.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lên án hành động bạo lực ở Gaza gây thương vong lớn, nhất là đối với trẻ em, đẩy hàng trăm nghìn người dân vào nạn đói, đồng thời hủy hoại hệ thống y tế tại đây. Ông nhấn mạnh: Việc người dân không được tiếp cận những nhu cầu thiết yếu về lương thực-thực phẩm, nhiên liệu, chăm sóc y tế và nơi ở an toàn "là điều không thể chấp nhận được", đi ngược lại những quy định quốc tế về nhân quyền. Trong số 36 bệnh viện lớn ở Gaza, chỉ còn 10 bệnh viện hoạt động cầm chừng.

2. Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almargo đã đề nghị Hội đồng Thường trực OAS họp khẩn, sau vụ việc lực lượng an ninh Ecuador tấn công Đại sứ quán Mexico tại thủ đô Quito, gây ra một trong những sự cố ngoại giao tồi tệ nhất trong 76 năm lịch sử của tổ chức này, khiến hàng chục quốc gia thành viên lên án mạnh mẽ.

Theo đó, rạng sáng 6/4, lực lượng an ninh Ecuador đã xông vào Đại sứ quán Mexico tại thủ đô Quito để bắt cựu Phó Tổng thống Jorge Glas - người đã tị nạn trong Đại sứ quán này từ tháng 12/2023, và vừa được Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador chính thức cấp quy chế tị nạn chính trị chỉ vài giờ trước đó. Mexico ngay sau đó tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador, đồng thời rút toàn bộ phái đoàn ngoại giao về nước. Chính phủ Nicaragua cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador. Chính phủ Colombia yêu cầu Honduras, quốc gia đảm nhiệm chức Chủ tịch Cộng đồng các nước Mỹ Latin và Caribe (CELAC) triệu tập một cuộc họp bất thường, để thảo luận về vụ việc.

3. Nhân Ngày Y tế Thế giới 7/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo: Xung đột vũ trang kéo dài ở Yemen đã làm tê liệt nghiêm trọng hệ thống y tế tại đây, khiến 17,8 triệu người cần được hỗ trợ y tế. Đại diện WHO tại Yemen Arturo Pesigan cho biết: Trong số những người cần hỗ trợ y tế, phụ nữ chiếm 24% và đang rất cần các dịch vụ hỗ trợ sinh sản, 50% là trẻ em, với hơn 500.000 trẻ em dưới năm tuổi cần điều trị khẩn cấp vì suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Đồng thời, các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, sốt xuất huyết, sốt rét và sởi cũng gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Yemen đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới với hàng trăm nghìn người thiệt mạng do xung đột bùng phát kể từ năm 2014.

Dậy sóng thủy triều đỏ ảnh 1
Yemen đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

4. Hiệp hội Ung thư Mỹ cảnh báo nguy cơ về "làn sóng thủy triều" ung thư tại các nước nghèo. Nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Mỹ mới đây dự báo: Đến năm 2050, số người mắc bệnh ung thư có thể tăng 77% trên toàn thế giới, lên tới 35 triệu người. Dân số bùng nổ và già hóa dân số gia tăng được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến gánh nặng này.

Báo cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ cũng nêu chi tiết số quốc gia có thu nhập thấp ghi nhận tỷ lệ tử vong do ung thư cao dù tỷ lệ mắc ở mức thấp, phần lớn là do không có khả năng tiếp cận các công cụ sàng lọc để phát hiện bệnh sớm, cũng như thiếu các dịch vụ điều trị tiên tiến. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư sẽ tăng gấp đôi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trong 25 năm tới - một thách thức khổng lồ đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải