Sẵn sàng ứng phó

Hàng loạt căng thẳng từ xung đột bạo lực, khó khăn tài chính, nguy cơ khủng bố khiến các nước phải tìm biện pháp sẵn sàng ứng phó.
0:00 / 0:00
0:00
Thương mại điện tử nở rộ tại Hàn Quốc.
Thương mại điện tử nở rộ tại Hàn Quốc.

1. Kết quả cuộc thanh tra của Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) vừa công bố cho thấy: Người tiêu dùng Hàn Quốc có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm nguy hiểm có thể gây thương tích nghiêm trọng cho con người, bao gồm nỏ nhỏ gọn kiểu súng lục và súng bắn đinh kích hoạt bằng bột. Đây là những loại vũ khí nhập khẩu bị coi là bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Theo NIS, những vũ khí này tương tự như khẩu súng hình ống từng được dùng để ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào năm 2022.

Theo một quan chức của NIS, không dễ để quản lý các nền tảng mua sắm trực tuyến ở nước ngoài. Một số sản phẩm có thể được thông qua hải quan mà không có bất kỳ hạn chế nào. Do đó, NIS đang hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Hải quan Hàn Quốc và các cơ quan liên quan khác, để ngăn chặn việc vận chuyển và buôn bán các mặt hàng nguy hiểm đến tính mạng con người, theo luật chống khủng bố của nước này.

2. Cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nhận định: Khu vực Trung Đông "đang đứng trên bờ vực chiến tranh toàn diện", đồng thời kêu gọi giảm leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng thúc giục Iran kiềm chế, tránh gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định khu vực. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị Israel "cân nhắc thận trọng và có chiến lược" trước khi đưa ra phản ứng, vì có thể khiến xung đột lan rộng. Hungary kêu gọi nền chính trị thế giới hành xử có trách nhiệm trong giai đoạn tới, tránh gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu.

Những lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel, Trung tướng Herzi Halevi tuyên bố nước này sẽ đáp trả vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa của Iran. Hãng tin CNN của Mỹ cho biết nội các chiến tranh của Israel đã xem xét các kế hoạch quân sự, cũng như cân nhắc các phương án ngoại giao khác. Ngoài ra, Israel đã trì hoãn kế hoạch tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở cực nam của Gaza.

3. Trong phiên thảo luận đánh dấu bắt đầu Tuần lễ Phát triển Bền vững lần đầu được tổ chức tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Antonio Guterres kêu gọi cải cách toàn diện cấu trúc tài chính toàn cầu và cần tăng cường đại diện của các nước đang phát triển trên toàn hệ thống tài chính quốc tế. Tại phiên thảo luận cấp cao chuyên đề về vay nợ bền vững và bình đẳng kinh tế - xã hội cho tất cả mọi người, ông Guterres nhấn mạnh: "Các nước đang phát triển cần một phao cứu sinh để thoát khỏi vũng lầy nợ nần".

Ông Guterres kêu gọi nỗ lực hiện thực hóa gói kích thích Các mục tiêu phát triển bền vững trị giá ít nhất 500 tỷ USD mỗi năm, để tài trợ cho các nước đang phát triển. Ngoài ra, ông cho rằng cần phải tìm cách tận dụng nguồn vốn huy động khổng lồ mà các quốc gia cổ đông của các ngân hàng phát triển đa phương có sẵn trong các ngân hàng trung ương. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng tiếp tục kêu gọi các chủ nợ xem xét hoãn thời hạn trả nợ đối với các quốc gia dễ bị tổn thương, hối thúc các tổ chức tài chính quốc tế giúp các quốc gia tái cấu trúc nợ.

Sẵn sàng ứng phó ảnh 1
Đồng yên giảm giá xuống mức kỷ lục.

4. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết: Chính phủ Nhật Bản đã chuẩn bị các bước cần thiết để can thiệp nếu có sự biến động quá mức trên thị trường tiền tệ, sau khi đồng yên tuần qua giảm xuống dưới mức 154 yên/USD, mức thấp kỷ lục sau gần 34 năm. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần cảnh báo sẽ hành động nếu cần thiết, khiến thị trường tài chính luôn trong tình trạng lo lắng về khả năng xảy ra động thái can thiệp mua đồng yên, bán USD. Bộ Tài chính Nhật Bản cũng bày tỏ thận trọng về khả năng chính phủ can thiệp mua đồng yên, cho rằng động thái như vậy không ngăn được xu hướng giảm giá của đồng yên.

Tháng 3 vừa qua, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm. Tuy nhiên, chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn lớn, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ giữ lãi suất chuẩn ở mức cao nhất trong 23 năm, khiến đồng yên trở nên kém hấp dẫn hơn và các nhà đầu tư đã bán yen để mua USD