Tôn vinh vẻ đẹp trang phục truyền thống Việt-Nhật

Quyến rũ, đậm sắc màu văn hóa truyền thống nhưng vẫn hiện đại trong những tìm tòi, biến hóa cách tân. Đó là dư âm đọng lại trong lòng công chúng sau khi được thưởng thức Kimono - Áo dài Fashion Show, sự kiện giao lưu văn hóa nghệ thuật ấn tượng mở đầu chuỗi hoạt động chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản diễn ra vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Những bộ áo dài Việt Nam được may từ chất liệu vải kimono trong phân cảnh “Truyền thống gặp gỡ truyền thống”.
Những bộ áo dài Việt Nam được may từ chất liệu vải kimono trong phân cảnh “Truyền thống gặp gỡ truyền thống”.

Giải phóng và sáng tạo

Kimono - Áo dài Fashion Show do tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận Be-Japon phối hợp cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tập đoàn BRG đồng tổ chức. Đây là sự kiện đầu tiên tại châu Á của Be-Japon, sau hơn hai thập kỷ nỗ lực không ngừng làm cầu nối đưa văn hóa Nhật Bản đến gần hơn với đông đảo bạn bè quốc tế qua các chương trình trình diễn kimono tại nhiều châu lục. Hơn 30 bộ trang phục kimono và áo dài đã được nhà thiết kế tài hoa Kobayashi Eiko giới thiệu với khán giả của chương trình, kết hợp cùng với âm nhạc cổ truyền và nghệ thuật trang điểm truyền thống của Nhật Bản.

Được những thanh âm đàn koto 25 dây thánh thót của nghệ sĩ Miwa Naito nâng bước, chương trình đã mang lại cho khán giả một bữa tiệc thịnh soạn ở cả phần nhìn lẫn phần nghe. Tính quốc tế của sự kiện cũng được tôn vinh thông qua sự xuất hiện của những người mẫu Nhật Bản và Việt Nam như Akemi Fukumura, Cecil Tanaka, Emi Nakagawa, Thu Thảo, Tú Dương..., khi họ cùng sải bước, thăng hoa trong từng động tác và phô diễn nét đẹp tinh tế, đậm đặc tính nữ của những trang phục truyền thống áo dài và kimono, trên cùng một sàn catwalk.

Tôn vinh vẻ đẹp trang phục truyền thống Việt-Nhật ảnh 1

Nhà thiết kế Kobayashi Eiko trong trang phục áo dài do chính bà sáng tạo nên. Ảnh trong bài | BRG Group cung cấp

Mở màn với phần trình diễn Junihitoe, bộ trang phục được coi là đại diện đỉnh cao cho vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản ra đời vào thời Heian cách đây cả nghìn năm đã phô diễn vẻ cầu kỳ, vương giả bậc nhất xứ sở hoa anh đào với sự kết hợp tinh tế của mười hai lớp áo, trọng lượng lên tới 20kg. Bốn phân cảnh kế tiếp đã mang lại cho người xem những màn trình diễn hết sức ấn tượng, khi chuyển tải và phô bày đa chiều vẻ sang trọng, trang nhã của bộ sưu tập mà nhà thiết kế Kobayashi Eiko đã dành trọn tâm sức sáng tạo trong một thời gian dài.

Từ “Ánh sáng vượt thời đại”, với những trang phục kimono cách tân đậm hơi thở thời đại tới “màu xanh kết nối thế giới”, với nỗ lực hồi sinh những mảnh vải sót lại sau thảm họa sóng thần năm 2011 để mang lại diện mạo mới cho kimono. Từ “truyền thống gặp gỡ truyền thống”, với những tà áo dài Việt lộng lẫy, tha thướt được thành hình từ họa tiết vải kimono độc đáo tới “sự đa dạng của sắc màu”, được biến tấu từ kimono và thắt lưng obi của vùng Nishijin ở Kyoto vốn tiêu biểu cho dệt may truyền thống Nhật Bản.

Một trong những điểm nhấn của sự kiện là màn biến tấu kimono và đai thắt lưng obi thành một bộ váy độc nhất vô nhị ngay trên sàn diễn trong phân cảnh “giải phóng và sáng tạo”. Cách thức mới để tiếp cận trang phục truyền thống đã cho thấy sự đa sắc của kimono, khi được giải phóng khỏi những khuôn mẫu đã tồn tại từ ngàn đời nay.

Khi truyền thống gặp gỡ truyền thống

Là nhà thiết kế kimono cách tân nổi tiếng tại Nhật Bản, Kobayashi Eiko đồng thời còn là nhà sáng lập và Chủ tịch của tổ chức Be-Japon với sứ mệnh giới thiệu những thiết kế đầy sáng tạo và độc đáo, giúp kimono không chỉ đơn thuần là trang phục truyền thống Nhật Bản mà còn bắt nhịp được với đời sống sôi động và mang hơi thở của thời đại mới.

Hơn 20 năm qua, những thiết kế của Kobayashi Eiko đã được trưng bày và trình diễn ở hơn 15 quốc gia tại châu Âu, châu Á và châu Mỹ cùng nhiều thành phố lớn tại Nhật Bản. Bà từng được vinh danh là Đại diện Nhật Bản và Top 5 Nhà thiết kế thời trang cao cấp nhất tại Fashion ASIA 2013. Đặc biệt, Kobayashi Eiko từng là tổng đạo diễn chương trình thời trang kimono diễn ra ở trụ sở của tổ chức UNESCO tại Paris năm 2018 trước cả nghìn khách mời, trong đó có các đại sứ và nguyên thủ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tôn vinh vẻ đẹp trang phục truyền thống Việt-Nhật ảnh 2

Các bộ trang phục kimono trong phân cảnh “Màu xanh kết nối thế giới”, được may từ chất liệu vải hơn 100 năm tuổi còn lại sau trận sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản.

Kobayashi Eiko thường sử dụng những chất liệu truyền thống của kimono có từ nhiều thế kỷ trước, điểm thêm họa tiết thêu tay, vẽ hoạt họa hay phối hợp cùng những phụ kiện hiện đại như: khăn choàng, áo khoác, váy cúp, thắt lưng, giày cao gót… “Từ lâu tôi đã được nghe và tìm hiểu về đất nước Việt Nam.

Văn hóa Việt-Nhật có nhiều nét tương đồng, đặc biệt tà áo dài của người Việt đã mang đến cho tôi nhiều cảm hứng, thôi thúc tôi thiết kế nên những trang phục truyền thống của các bạn từ những chất liệu kimono quen thuộc. Tôi coi đây là những tài sản vô cùng to lớn trong sự nghiệp của mình” - bà xúc động chia sẻ.

Với chủ đề “Việt-Nhật đồng hành, hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới”, chuỗi hoạt động kỷ niệm tròn nửa thế kỷ ngày hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) với những nội dung phong phú, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội sẽ được diễn ra ở cả hai nước trong suốt năm nay.

Dưới góc nhìn của ngài Yamada Takio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam thì “giữa Nhật Bản và Việt Nam không chỉ có quan hệ tin cậy chính trị đặc biệt mà bên cạnh đó sự giao lưu giữa các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ trong đời sống thường nhật đang ngày càng mở rộng. Tôi cho rằng nền tảng của sự giao lưu đang phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như hiện nay giữa hai nước chính là sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người”.

Vui mừng sau thành công của hoạt động mở màn này, ông chia sẻ: “Tôi hy vọng sự kiện Kimono - Áo dài Fashion Show lần này sẽ giúp người xem có cơ hội tái khám phá những nét tương đồng trong trang phục truyền thống và quan niệm thẩm mỹ của hai nước, cũng như cảm nhận tiềm năng phát triển hơn nữa trong tương lai”.