Tôn vinh thời đại Hồng Châu

NXB Chính trị quốc gia Sự thật vừa ấn hành cuốn sách “Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X trong lịch sử dân tộc Việt Nam” do TS Khúc Minh Tuấn chủ biên.
0:00 / 0:00
0:00
Tôn vinh thời đại Hồng Châu

Cuốn sách là kết quả của hội thảo khoa học tháng 5/2022 do Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) phối hợp Hội Khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức với chủ đề “Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc đầu thế kỷ X”. Sách dày gần 800 trang, được chia làm ba chương, gồm: Chương I - Sự nghiệp trung hưng đất nước của họ Khúc đầu thế kỷ X; Chương II - Đánh giá hành trình và công lao của Tam Khúc chúa; Chương III - Tài liệu về họ Khúc và cuộc Trung hưng đất nước của Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ. Sách được bố cục khoa học, trình bày có hệ thống giúp người đọc dễ theo dõi, tiện tra cứu.

Bên cạnh các nguồn tư liệu cổ sử, trong công trình lần này, nhiều vấn đề có góc nhìn mới được đưa ra xem xét như các tham luận: “Họ Khúc trong tiến trình hình thành dân tộc Việt Nam” (Nguyễn Ngọc Cư, Lê Thị Xuân - trang 71); “Những đóng góp của họ Khúc nhìn từ sự vận động của lịch sử Việt Nam thế kỷ X” (PGS, TS Trần Thị Thu Lương - trang 100); “Họ Khúc và thế kỷ bản lề mở ra nền độc lập: Đôi điều suy nghĩ” (Nguyễn Võ Cường - trang 112); “Đóng góp của họ Khúc trong lịch sử dân tộc” (GS Trịnh Sinh - trang 120); “Họ Khúc và những bài học lịch sử về quân sự quốc phòng buổi đầu dựng nước” (Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo - trang 158); “Tư tưởng “Khoan - Giản - An - Lạc” trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước” (TS Nguyễn Thị Hồng Nhung - trang 194); “Bàn về quan điểm Khúc Thừa Dụ là người xây dựng nền độc lập, tự chủ” (TS Phạm Hoàng Mạnh Hà - trang 294)...

Theo các nhà nghiên cứu, trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, thế kỷ X có vị trí, vai trò rất quan trọng, được xem là “thế kỷ bản lề”, ghi dấu công lao của họ Khúc mà đại diện tiêu biểu là Tam Khúc chúa (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ) trong sự nghiệp đấu tranh với thế lực ngoại bang, kết thúc hơn nghìn năm Bắc thuộc, giành quyền độc lập, tự chủ của dân tộc thông qua nghệ thuật chính trị, quân sự, ngoại giao xuất sắc. Trong điều kiện chính quyền mới còn non trẻ, họ Khúc chưa xưng vương, xưng đế mà chỉ tự xưng Tiết độ sứ. Việc này được đánh giá là một giải pháp chính trị ngoại giao mềm mỏng, khôn khéo để tránh đối đầu với các vương triều phong kiến phương bắc, tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng.

Đa số ý kiến các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, ghi nhận và đánh giá cao vai trò của họ Khúc trong công cuộc gây dựng quyền tự chủ cho dân tộc và thời đại Hồng Châu là một điểm sáng trong tiến trình lịch sử Việt Nam.