Ðạo diễn Caroline Guiela Nguyễn:

Tôi muốn mở ra một nếp gấp của lịch sử

Sau một thời gian chờ đợi, công chúng TP Hồ Chí Minh sẽ có cơ hội xem Sài Gòn của tác giả Caroline Guiela Nguyễn tại Nhà hát Bến Thành vào tối 21 và 22-9 tới. Vở kịch này nói về một giai đoạn lịch sử đặc biệt: thời hậu thuộc địa, vốn không được nhắc đến nhiều.

Sài Gòn nói về một giai đoạn lịch sử đặc biệt.
Sài Gòn nói về một giai đoạn lịch sử đặc biệt.

Ngay khi ra mắt, Sài Gòn đã gây được tiếng vang lớn tại liên hoan sân khấu quốc tế Avignon năm 2017; nhận được đề cử ở ba hạng mục của giải Molières vào tháng 4-2018. Hiện vở kịch đang được lưu diễn trên toàn thế giới.

Chỉ vài ngày sau khi mở bán, ba phần tư số vé đã được bán ra. Ðể thấy, công chúng chờ Sài Gòn về với Sài Gòn như thế nào.

Họ đã bị lãng quên suốt hơn 60 năm qua

- Vở kịch Sài Gòn nói về thân phận những người Pháp và Việt Nam bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trong quãng thời gian trải dài suốt 40 năm (1956 - 1996). Chị có thể nói đôi điều về vở diễn?

- Ðó là câu chuyện giữa Mai và Hào, yêu nhau nhưng buộc phải chia ly, Hào bỏ Việt Nam sang Pháp nhưng vẫn thương nhớ mối tình xưa của mình. Ðó là câu chuyện của Linh chạy theo tiếng gọi của tình yêu, cùng người tình sang Pháp, nhưng sang đến nơi mới vỡ mộng Pháp không phải là một miền đất hứa như trong tưởng tượng. Ðó là câu chuyện giữa Linh lúc về già và cậu con trai tên là Antoine, khi người con không thể nào hiểu được quá khứ của mẹ mình. Ðó còn là câu chuyện của Marie-Antoinette, bà chủ nhà hàng; trong góc bếp của mình, bà lặng lẽ khóc vì con trai bà không còn nữa...

Trước khi dựng tác phẩm này, tôi và cộng sự của mình đã về Việt Nam cũng như đến gặp cộng đồng Việt kiều tại Paris để tìm hiểu, thu thập thông tin. Tôi chợt nhận ra, những câu chuyện và những con người về thế giới đương đại còn ít được khai thác. Với vở kịch này, tôi muốn nói những câu chuyện chưa bao giờ được kể trên sân khấu hay ít được nhắc đến. Ðó là nỗi đau thời kỳ hậu thuộc địa, ở đó có những con người tha hương, che giấu vết thương lòng và cố sống bằng một thứ ngôn ngữ khác. Nhiều người Việt sống ở Pháp đến xem vở kịch, họ cảm động và biết ơn vở diễn vì đã nhận ra câu chuyện của chính mình. Những câu chuyện đó đã bị giấu kín, bị lãng quên suốt mấy chục năm qua.

- Chị có lý giải nào không?

- Bạn biết đấy, đó là một thời điểm biến động. Tôi không có lời giải thích đặc biệt nào cho chuyện này. Có điều, một số người nghĩ rằng tất cả đã kết thúc; vì thế, chẳng cần phải nghiên cứu hay tìm hiểu nữa. Qua vở kịch Sài Gòn, tôi muốn nói rằng, những vết thương vẫn còn đó. Và nó đã không được nói đến trong suốt nhiều năm qua.

- Chị có nghĩ, bằng một cách nào đó, Sài Gòn sẽ hàn gắn hay xoa dịu những vết thương thời hậu thuộc địa này?

- Tôi không chắc điều đó. Nhưng tôi hy vọng, với vở kịch này, chúng tôi có thể giúp khán giả hiểu thêm về một nếp gấp của lịch sử và tạo ra sự đồng cảm. Sau khi xem vở kịch, nếu bạn đi ăn tại một nhà hàng Việt Nam hay Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ, có thể bạn sẽ muốn hỏi ai là người phụ nữ nấu súp cho bạn và cuộc đời cô ấy ra sao. Chỉ cần bạn cảm nhận cô ấy đang ở đây, thế là đủ rồi.

- Việt Nam có một vị trí như thế nào trong lòng chị ?

- Hai chữ đó luôn gắn liền trong cuộc sống của tôi một cách rất đáng ngạc nhiên, bởi vì tôi chưa bao giờ đến đó cho đến năm 15 tuổi. Ðó là năm 1996, thời điểm lệnh cấm vận được bãi bỏ, tôi theo mẹ về thăm quê hương. Trước đó, tôi ăn những món ăn Việt Nam do mẹ tôi nấu, nhưng tôi không được bà dạy tiếng Việt. Tôi giống như một người Việt Nam trên đất Pháp và một người Pháp nếu tôi đến Việt Nam. Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, tôi ở lì trong phòng hai tuần liền, bởi vì tất cả mọi thứ quá xa lạ với tôi. Mãi sau này, khi tôi đến TP Hồ Chí Minh năm 2015 và 2016, trong khuôn khổ chương trình Nghệ sĩ lưu trú Villa Saigon do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức, có thời gian tìm hiểu hơn thì cảm giác đó mới không còn nữa.

Là một câu chuyện đa âm sắc

- Ðược biết, tham gia vở kịch này có diễn viên người Pháp lẫn người Việt, chuyên lẫn không chuyên. Chị có dụng ý gì không?

- Lúc đầu, tôi muốn tìm diễn viên qua một công ty casting nhưng không tìm được diễn viên Pháp - Việt chuyên nghiệp đang sống tại Pháp. Cuối cùng, tôi quyết định tuyển diễn viên không chuyên ở cả Pháp và Việt Nam, một vài người trong số này cũng là người Việt Nam di cư sang Pháp sau chiến tranh, giống như những nhân vật trong vở kịch. Tôi cho rằng, sự hiện diện của những diễn viên nghiệp dư khiến cho việc diễn xuất trở nên chân thực. Ðiều tôi muốn nói trong tác phẩm của mình là kể những câu chuyện về những con người chưa bao giờ được kể trên sân khấu và tôi muốn giới thiệu cho khán giả những con người thật này trên sân khấu. Với những diễn viên chuyên nghiệp, điều này có thể không thực hiện được, đơn giản bởi vì họ không sống qua thời đó.

- Việc để cho các diễn viên tự ứng tác với nhau để tạo nên một kịch bản cuối cùng trên sân khấu thì sao?

- Về mặt kịch nghệ, mục đích tôi hướng đến là kéo những thế giới xích lại gần nhau. Chính trong quá trình sáng tác, tôi cũng đi tìm những điểm chung giữa các thế giới.

- Nghe có vẻ như đây là một vở kịch đa âm sắc?

- Ngay từ đầu tôi đã cảm thấy cần đưa lên sân khấu tính đa dạng mà tôi quan sát được chung quanh mình. Cách đơn giản nhất để thể hiện sự khác biệt này là cùng lúc huy động những người không cùng độ tuổi với nhau, không cùng nền tảng văn hóa và tín ngưỡng. Hơn nữa, với ý định, câu chuyện như vậy tôi không thể nào làm khác được. Tự bản thân câu chuyện đó đòi hỏi sự đa dạng của dàn diễn viên Việt, Việt kiều và người Pháp cấu thành nên nó. Tôi không thể kể chuyện Sài Gòn mà chỉ có mặt người Pháp, hay chỉ có mặt người Sài Gòn hiện nay. Gặp gỡ và thân thiết với nhiều Việt kiều, tôi nhận thấy rằng thế giới của họ được tạo cùng một lúc từ cả hai phía, bên Việt và bên Pháp. Với cách làm này, tôi muốn kể lại một thế giới đa âm sắc đương đại.

- Cảm ơn chị!

Tôi muốn mở ra một nếp gấp của lịch sử ảnh 1

Caroline Guiela Nguyễn sinh năm 1981 tại Pháp, là biên kịch và đạo diễn trẻ, tài năng, có mẹ là người Việt Nam, cha người gốc Phi. Sau khi học về xã hội học và nghệ thuật biểu diễn, Caroline Guiela Nguyễn theo học ngành đạo diễn sân khấu tại Trường Sân khấu quốc gia Strasbourg. Tại đây, cô đã gặp gỡ những cộng sự tương lai của cô trong đoàn kịch Les Hommes Approximatifs được thành lập vào năm 2009. Năm 2016, cô đã được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương và được đề cử giải thưởng Molières năm 2015 cho tác phẩm Elle brûle (tạm dịch: Ðốt cháy) và năm 2018 cho tác phẩm Saigon. Cô là nghệ sĩ thường trực của Nhà hát Odéon, Nhà hát châu Âu, Nhà Văn hóa MC2 Grenoble và là thành viên của nhóm nghệ thuật La Comédie de Valence thuộc Trung tâm Kịch nghệ quốc gia Drôme-Ardèche.