Nghệ thuật - sự cứu rỗi cuối cùng
Hơn 70 năm, kể từ khi ông làm quen với hội họa nhờ người thầy đầu tiên-cố họa sĩ Nguyễn Khang (1912-1989), Phùng Phẩm có lẽ chưa khi nào ngơi nghỉ việc vẽ. Mọi thứ chung quanh một bức tranh của ông đều do ông làm chủ, kể cả kiểu thức của một cái khung cũng do ông lên ý đồ, có khi còn tranh thủ tự đóng luôn để tiết kiệm chi phí.
Những năm tháng khó khăn nhất của cuộc sống cá nhân, ông vẫn làm đủ trách nhiệm của một họa sĩ thể hiện ở Hãng phim hoạt hình Việt Nam, nhận thêm việc vẽ truyện tranh, góp thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Dạo ấy, ông dành nhiều thời gian sáng tác tranh khắc gỗ. Mảng tranh này không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng của gia đình ông mà còn là nơi để ông được thỏa chí thể nghiệm hình và nét, dẫu chỉ với hai mầu cơ bản, đen và trắng.
Từ sự vững vàng về hình họa, Phùng Phẩm tiến thêm một bước thể nghiệm, kết hợp ngôn ngữ hiện thực với các trào lưu hội họa khác trên thế giới, như lập thể, biểu hiện, trừu tượng. Tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản cũng là một lĩnh vực mà ông yêu thích. Nhưng ông không nệ vào bất cứ một hình thức nào. Mọi khai triển tạo hình được dựa trên những tính toán thấu đáo, nhằm đạt sự hài hòa giữa hiện thực mà ông muốn phản ánh với những bước chuyển trong bố cục, cấu trúc cùng cảm hứng với mảng và nét.
Cùng là cảnh cấy lúa, ở bức tranh này, ông còn chú trọng sự kết nối giữa hai nhân vật qua cách người sau nhìn người trước, còn quan tâm đến nhịp điệu tạo hình giữa vuông (của tấm áo tơi trên lưng nhân vật) và tròn của chiếc nón quai thao đội đầu, hay tròn của bó mạ và vuông vức đôi tay của nhân vật. Ở bức tranh khác, ông nhấn nhá nhiều hơn vào sự mênh mang của khung cảnh, thêm cả chi tiết trang trí cánh cò.
Lại có bức mà ông tập trung vào ấn tượng thị giác: tại điểm nhìn chếch chéo phía sau, hai nhân vật đang cúi xuống mặt ruộng trong một vẻ gợi cảm vô cùng. Phần hông của nhân vật được chú ý hơn. Một vài đường khắc lượn nhẹ nhàng, thêm nét gấp khúc ngăn mảng đen to của hai vạt váy đụp cao thấp, mảng trắng, mảnh hơn của đôi chân, vậy mà thật giàu gợi tả sức sống của nhân vật.
Đến Cấy 4 (59x41cm, 2008), chỉ còn các mảng hình tam giác và bình hành song song hoặc đối ngược nhau, như sự đối lập đen-trắng, tạo khối đồng thời tạo ánh sáng; bức tranh gợi lên nhịp điệu lao động rõ nét của những phụ nữ thôn quê dù không hề có dung dáng cụ thể.
Điều đặc biệt đáng chú ý trong hội họa của Phùng Phẩm là ông rất quan tâm thể hiện hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là của phụ nữ: chống hạn, cấy lúa, gặt lúa, đập lúa, phơi ngô, giã gạo... Ông chắt lọc hình, lược bỏ chi tiết, thường chọn hướng quan sát từ phía sau, chếch nghiêng về phía sau, hoặc nhìn nghiêng, vuông góc với một phía của nhân vật, chú trọng lớp lớp động tác để tạo nhịp điệu và chiều sâu của không gian tranh. Thực tế lao động của người nông dân Việt Nam, ở miền xuôi hay miền ngược là vô cùng phong phú, cộng với trường suy tưởng của cá nhân, hẳn là nguồn dữ liệu khổng lồ để ông khai thác.
Sức sáng tạo của Phùng Phẩm có lẽ đã đưa ông vượt thoát nhiều gian khó cả về vật chất và tinh thần. Nó thúc đẩy ông, một người độc hành vững tin vào lựa chọn cá nhân. Nó truyền cảm hứng sống để ông tiếp tục phát triển câu chuyện hội họa cá nhân với nhiều chủ đề nội dung về tình yêu đôi lứa, người lính, về tình cảm gia đình, với phong cách biểu đạt đầy cuốn hút.
Họa sĩ Phùng Phẩm. Ảnh | An Lê |
Vẻ đẹp vĩnh hằng từ tình yêu
Trên nền xanh chàm đậm, thâm trầm, ngân lên một dáng nữ khỏe mạnh, căng tràn sức sống. Có một sự kiêu hãnh tỏa ra từ điệu bộ của nhân vật.
Một thế dáng vuông góc với chiều nhìn của người xem. Nhân vật ngả người về phía sau theo chiều từ phải sang trái, hai tay ôm nhẹ mái đầu, một đường sáng thả từ vai dọc theo một bên thân hình nhân vật, xuống đến mặt sàn, nhờ dát vàng quỳ, thêm chút nhấn nhá ánh sáng ở một bên cánh tay cùng chiều và phần mái tóc.
Đường sáng ấy lượn nhẹ, chạy theo bề dọc bức tranh, thuận chiều kim đồng hồ, trả ba phần tư bề ngang mặt tranh trong tông mầu sẫm tối. Điểm đầu của đường sáng gợi đỉnh ngực nhân vật, chạy đến bàn chân, làm nổi bật dáng hình của nhân vật. Phần mầu đen được thể hiện khéo léo, với những nét gấp khúc, vài mảng sổ thẳng theo chiều dọc, những ô vuông xen kẽ sáng tối theo chiều ngang, sát phía dưới tranh.
Tất cả gợi không gian trong một căn phòng riêng tư nơi phố thị, bên cửa sổ, có một cô gái đang tự do trong tràn đầy tình yêu bản thân, yêu cái đẹp, yêu sự sống của chính mình. Dáng hình trong tranh tựa một pho tượng tạc bằng ánh sáng và mầu sắc.
Phùng Phẩm nói ông không bao giờ thuê mẫu, vì không có điều kiện. Nhưng tôi nghĩ, đúng hơn là ông không màng đến một vẻ đẹp đang trưng trước mắt để viện cớ thể hiện một hoặc nhiều vẻ đẹp khác trong hội họa của ông.
Những ký ức từ bài học hình họa khi còn là sinh viên hệ trung cấp và cao đẳng, Trường Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) và vô vàn dáng hình trong cuộc sống thường nhật có thể chưa đủ với người này, người khác, nhưng với Phùng Phẩm, cảm tình với cái đẹp là yếu tố quan trọng nhất để từ đó, ông vẽ.
Ông hạn chế tối đa sự lặp lại của thế dáng, tất nhiên đó là việc không đơn giản, nhất là với một người miệt mài vẽ như ông. Nhưng nếu có nhận ra đây đó sự lặp lại, điều ấy cũng không quá quan trọng, bởi những dẫn dắt thể nghiệm tạo hình của ông luôn hấp dẫn người thưởng ngoạn.
Ông cũng thể hiện lại nhiều bức tranh khắc gỗ với chất liệu sơn mài. Từ đen và trắng chuyển sang vàng son, việc thay đổi bảng mầu tác động tới mức độ ấn tượng thị giác của bức tranh, đặc biệt, việc thay đổi của kích thước, khi tranh khắc gỗ thường nhỏ hơn tranh sơn mài, càng khiến cho khả năng ám thị của tranh trở nên mạnh mẽ. Tính trang trí được phát huy cao độ. Nhưng thể nghiệm tạo hình của ông với sự kết hợp hài hòa giữa các ngôn ngữ hiện thực và lập thể vẫn luôn là cốt lõi.
Phùng Phẩm, Đập lúa 1, sơn mài, 143x90cm, 2011. |
Ngoài 90 tuổi, đôi tay không còn đủ khỏe dành cho khắc và mài, nhưng Phùng Phẩm vẫn luôn nghĩ đến việc hôm nay, ngày mai, sẽ phác thảo gì. Ông nói trong tiếng cười vui là ông muốn thể hiện nhiều hơn nữa vẻ đẹp trong lao động của phụ nữ Việt Nam. “Như là cảnh mẹ chăm con chẳng hạn, đẹp lắm mà tôi chưa biết diễn tả thế nào cho thỏa!”- ông bảo vậy.
Họa sĩ Phùng Phẩm sinh năm 1932, tại xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi và sau đó, được chọn cử đi học tại Khu học xá Trung ương ở tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc, niên khóa 1952-1955. Tại đây, ông có cơ hội được học vẽ với họa sĩ Nguyễn Khang-một giảng viên của Khu học xá.
Ông có thời gian dài công tác tại Hãng Phim hoạt hình Việt Nam. Năm 1985, ông đạt giải A-Triển lãm toàn quốc Nghệ thuật đồ họa 1975-1985. Năm 1990, ông giành Huy chương vàng-Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (nay là Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam) với bức sơn mài Chống hạn. Bức tranh được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập.
Năm 2023, có một sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt cho cuộc đời lao động nghệ thuật của ông: bà Ellen Berends, cựu Phó đại sứ Hà Lan trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hai bức tranh của ông mà gia đình bà sưu tập từ hơn 20 năm trước và mang theo trong các kỳ công tác ngoại giao ở nhiều nước trên thế giới.