Tiếp bước cha ông, trọn đời cống hiến cho cách mạng

Theo nhận xét của nhiều người trong gia tộc họ Phan thì Phan Thiệu Cơ là cháu nội giống cụ Phan Bội Châu nhất: Dáng vóc cao lớn, vạm vỡ, mặt vuông, mắt sáng, tính tình phóng khoáng, hoạt bát, thích kết giao. Tiếp bước cha ông, Phan Thiệu Cơ đã xông pha chiến trường ác liệt, cả đời cống hiến cho cách mạng.

Đại tá Phan Thiệu Cơ.
Đại tá Phan Thiệu Cơ.

Những ngày cận kề "Ông già Bến Ngự"

"Bốn năm sau ngày ông nội Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Quảng Đông, Trung Quốc, rồi dẫn độ về nước, bị kết án và giam lỏng ở Bến Ngự (Huế), mẹ sinh tôi. Tôi cũng là đứa cháu may mắn nhất của gia tộc được cận kề bên ông nội cho đến ngày ông qua đời ở Huế. Thời gian đó cũng là lúc Pháp đốt "trại cày" của cha tôi ở Cự Đại, Truông Băng. Chín tháng tuổi thì được mẹ ẵm lên thăm cha ở nhà tù Lao Bảo, Quảng Trị. Sáu tuổi tôi mới được gặp và ở bên ông nội. Cái tên "Thiệu Cơ" theo ý ông nội là lấy ở câu "Khắc thiệu cơ cầu", nghĩa là con cháu phải giữ nếp nhà", Phan Thiệu Cơ tâm sự lúc sinh thời.

Phan Thiệu Cơ là con trưởng của cụ Phan Nghi Đệ (1892-1946), con trai đầu của người vợ thứ cụ Phan Bội Châu. Khi cụ Phan Bội Châu bị Pháp đưa về an trí ở Huế, ông Phan Nghi Huynh - con trai người vợ cả ở lại Nghệ An và chỉ vào Huế vài lần thăm cha rồi trở ra Nghệ An sinh sống với mẹ. Ông Phan Nghi Đệ hoạt động cách mạng, bị quân Pháp bắt ở Nghệ An, sau đó đưa về Huế cho sống cùng cụ Phan để chúng dễ bề giám sát. Phan Thiệu Cơ cũng theo cha sống cạnh ông nội. Năm 1946, ông Phan Nghi Đệ chạy tản cư về An Truyền (làng Chuồn), huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên và từ trần tại đây.

Theo hồi ức của ông Phan Thiệu Cơ thì cụ Phan Bội Châu bị quản thúc trong túp lều tranh đơn sơ, luôn bị mật thám dòm ngó và cuộc sống rất túng thiếu, kham khổ. Bữa ăn có 2 chén cơm gạo lứt, 2 con cá bống nhỏ kho mặn, mấy lát chuối hột chấm với mắm... Khi có khách quý đến thăm, bữa cơm ngoài đĩa rau muống cùng chén nước luộc, có thêm con mắm mòi. Bữa ăn như vậy là sang nhất. Dẫu vậy, cụ Phan vẫn cưu mang những người yêu nước bị truy bắt, tù đày trở về và con cháu của họ. Trong những người gần gũi ở trong nhà lúc ấy có cố Giám Hành, cụ Phan Ký, ông Đặng Chính Kỷ, cô Ngọc Sương, anh Phạm Minh Nguyệt…

Còn qua lại chăm sóc thăm hỏi cụ trong những năm tháng cuối đời có cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông Trần Đình Phiên và nhiều vị ở báo Tiếng Dân; ông Tôn Quang Phiệt, vợ chồng ông Đào Duy Anh, các ông Tráng Liệt, Tráng Cự của gia đình Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, gia đình cụ Võ Bá Hạp ở Bao Vinh...

Hằng tuần hoặc năm ba ngày, người trong nhà thay nhau đi xuống Dạ Lễ, Sam, Truồi... mua lúa về giã, đem ra chợ bán, lấy tấm cám làm lãi để sống. Đồng thời có trồng thêm ít khoai sắn, bữa đủ bữa thiếu, chín mười người vui vẻ thương yêu, đùm bọc nhau sống.

Tháng 10/1990, nhân ngày giỗ lần thứ 50 cụ Phan, giáo sư Trần Văn Giàu đến dự. Qua câu chuyện của giáo sư thì thời ấy nhiều bà con ở Nam Bộ vẫn bí mật gởi gạo nuôi cụ Phan và gia đình.

"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"

Sống cùng ông nội, cậu bé Cơ sớm làm quen với nhiều chí sĩ cách mạng, trí thức yêu nước nổi tiếng. Sau khi cụ Phan qua đời, Phan Thiệu Cơ học ở trường Lycée Khải Định, Huế và tham gia hoạt động cách mạng, được chính "Lưỡng quốc tướng quân" Nguyễn Sơn vào trường tuyển ra Việt Bắc đào tạo ở trường quân chính. Năm 1948 ông được kết nạp Đảng, trở thành chính trị viên trung đội. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được cử đi học 2 năm rưỡi ở Trường quân chính Bắc Kinh (Trung Quốc), rồi sang Liên Xô học khoa Báo chí Trường đại học Lômônôxốp. Ông trở về nước khi chiến trường miền nam đang hồi nóng bỏng.

Đầu những năm 1960, ông là một trong những người đầu tiên được Trung ương cử "xẻ dọc Trường Sơn" vào nam nhằm củng cố Bộ Tư lệnh Miền (Cục R). Ký ức về cái thời vượt núi băng ngàn đầy gian khổ nhưng hào hùng ấy được ông tái hiện qua những câu chuyện thật cảm động, bi tráng. Ông nói vui: "Ngày ấy chúng tôi đi với tất cả sức trẻ và lòng nhiệt thành. Suốt chặng đường dài dằng dặc ấy phải kể chuyện vui thì đi mới nổi. Bọn chúng tôi thường kháo nhau về đề tài con gái - chủ yếu là nói dựa nói mò, chứ biết tình yêu là mô tê gì đâu. Nhưng rồi đề tài ấy chỉ "xài" được tháng đầu, đến tháng thứ hai thì chẳng ai còn sức mà bàn đến nữa. Chỉ mơ ước được ăn nắm đậu phộng rang, miếng củ sắn. Tôi có lần ao ước đem ngâm đôi giày da của mình rồi xắt ra xào ăn cho đã!". Sự tàn khốc của bom đạn cũng không sánh bằng nỗi gian khổ triền miên dai dẳng. Chưa kể đến muôn vàn mối nguy khác như vắt, muỗi, rắn rít, thú dữ, lửa đạn quân thù, gió mưa ẩm thấp, chướng khí bệnh tật... Quần áo cả tháng không thay, người sụt đi vài chục kilôgam, tóc rụng hết. Song đó chính là môi trường rèn luyện sự can trường của người chiến sĩ cách mạng. Câu chuyện về con ngựa mà ông kể làm sáng ngời tinh thần nhân đạo của người chiến sĩ trong thời điểm cam go nhất: Chuyến vượt Trường Sơn năm ấy, chi đội ông được sử dụng một số ngựa vừa để chuyên chở, vừa làm thực phẩm. Đi mãi, đến khi hết lương thực thì số ngựa cũng hết. Chỉ còn một con ngựa cái khỏe mạnh, rất tinh khôn. Nó chở người, chở đồ, bám sát đơn vị vượt suối trèo đèo. Cho đến một chiều con ngựa không đi nổi nữa. Nó nằm gục xuống. Chi bộ họp, biểu quyết và quyết định: Trích một lon gạo trong số 4 lon còn lại vo nước cho con ngựa uống và để nó ở lại tại đó, bởi không ai nỡ ăn thịt con vật có nhiều công lao. Mọi người vĩnh biệt đi qua, con ngựa cố vùng dậy chạy theo nhưng sức đã kiệt, nó quỵ xuống hẳn. Hai ngày sau đến trạm tiếp tế. Đêm đó mọi người đang ngủ thì bỗng nghe tiếng hí vang động núi rừng. Thì ra con ngựa đã gắng sức lần theo dấu vết mọi người và tìm đến. Ai nấy mừng rỡ ôm chầm lấy ngựa, bởi cứ ngỡ nó đã bị hổ ăn thịt. Sau này nó được đưa vào nam rồi mất tích bên Campuchia.

Vào miền nam, ông đi khắp nơi làm công tác dân vận, quân báo. Có khi phải nằm trong hầm bí mật cả mấy tháng. Hầm bí mật khác với địa đạo bởi nó hoàn toàn thụ động, không có khả năng chống trả khi bị phát hiện. Do đó phải bảo đảm an toàn tuyệt đối khi bị lùng sục, chó becgiê đánh hơi. Hầm đúc dưới nước, trên đồng, trong nhà, sát đồn bót địch... đào ở đâu, đào như thế nào phải nghiên cứu rất kỹ.

Cuối năm 1967, Phan Thiệu Cơ công tác ở báo Quân Giải phóng. Chính ông là người đầu tiên lặn lội vào Long Hưng (vành đai Bình Đức) viết về tấm gương anh hùng của liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm. Ông tìm gặp mẹ của chị Gấm và tổ chức lễ truy điệu chị ngay trong vùng địch.

Ngày 30/4/1975, miền nam hoàn toàn giải phóng. Ông là người viết bài diễn văn cho Thượng tướng Trần Văn Trà đọc trong lễ ra mắt đồng bào miền nam. Sau 1/5/1975, ông mới gặp lại mẹ sau 36 năm xa cách. Nhưng chỉ mấy ngày sau lại phải chia tay vì nhiệm vụ ông chưa tròn và mẹ ông qua đời chỉ mấy tháng sau đó ở tuổi 73.

Sau khi nghỉ hưu, ông Phan Thiệu Cơ tham gia Hội Cựu chiến binh quận Bình Thạnh (thành phố Hồ Chí Minh), luôn đi đầu trong cuộc vận động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ những gia đình nghèo khó trong quận.

Tôi từng được ông dắt đi xem kho báu của ông. Đó là những bức ảnh vô giá được lưu giữ và treo quanh gian nhà thờ cụ Phan Bội Châu: Những bức ảnh cuối đời và di bút cụ Phan, ảnh vua Hàm Nghi, Nguyễn Thượng Hiền, các chí sĩ cách mạng, ảnh và bút tích lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo... Từng là một phóng viên quân đội, ông có được những bức ảnh quý hiếm lưu dấu một thời như trong chiến khu, rừng Trường Sơn, ảnh lưu niệm với Phó Tư lệnh Miền Nguyễn Thị Định những năm 60... Có lần ông tâm sự rằng: "Chúng tôi là lớp "Bộ đội mùa thu" xếp bút nghiên vào quân ngũ. Nay trở về đời thường vẫn cùng nhau chung sức xây dựng cuộc sống".

Bình sinh ông vốn khỏe mạnh, chỉ hơi đau khớp, thế mà năm 2013 ông đột ngột qua đời trong khi còn nhiều dự tính dang dở...

Trọn đời Phan Thiệu Cơ sống theo tinh thần của đôi câu đối trang trọng trên gian thờ cụ Phan Bội Châu do Nguyễn Thượng Hiền viếng:

Quân tử quốc nhất thân, Hồng Lĩnh Lam Giang thiên cổ

Anh hùng gia tứ hải, Bình Sơn Hương Thủy thanh cao

(Quân tử một đời vì nước, trường tồn như ngàn Hống sông Lam

Anh hùng bốn bể là nhà, thanh cao tựa sông Hương núi Ngự).

s465z-1652240244728.jpg

Ông Phan Thiệu Cơ tham dự hội thảo về phong trào Đông Du tại Nhật. 

Ðại tá Phan Thiệu Cơ, sinh năm 1930 tại Nam Thanh, Nam Ðàn, Nghệ An; nguyên cán bộ tuyên huấn Cục Chính trị Miền; Phó Tổng Biên tập báo Quân Giải Phóng; Chính ủy Sư đoàn 271; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Bình Thạnh hai nhiệm kỳ (1989-1999).