Tiền đề cho việc tái cơ cấu tỷ lệ cấp tín dụng

Chỉ trong vài ngày cuối tháng 6/2024 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cùng lúc ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng cho kịp thời hạn ngày 1/7/2024 – thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành.
0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu “siết” tỷ lệ cung tín dụng nhằm giảm bớt rủi ro cho ngân hàng khi một khách hàng và người có liên quan có những khoản vay quá lớn, điển hình như trường hợp các “công ty con” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB.
Mục tiêu “siết” tỷ lệ cung tín dụng nhằm giảm bớt rủi ro cho ngân hàng khi một khách hàng và người có liên quan có những khoản vay quá lớn, điển hình như trường hợp các “công ty con” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB.

Dù đã có sự chuẩn bị, điều chỉnh hoạt động ngay từ trước, song để thích ứng với những quy định mới được ban hành, các tổ chức tín dụng vẫn phải tiến hành rà soát tổng thể hoạt động kinh doanh để có những điều chỉnh phù hợp.

Lấy an toàn làm trọng

Trong hơn một thập niên trở lại đây, toàn ngành ngân hàng đã thực hiện áp dụng công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ không chỉ do yêu cầu tất yếu của thời đại, mà còn nhằm cơ cấu lại nguồn thu theo hướng tăng thu từ dịch vụ. Tính đến thời điểm hiện tại tín dụng vẫn là nguồn thu chủ yếu của các tổ chức tín dụng, với tỷ lệ hơn 90% tổng doanh thu. Do đó, những điều chỉnh đối với hoạt động này của cơ quan quản lý luôn là mối quan tâm hàng đầu của tổ chức tín dụng.

Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024, các ngân hàng phải thực hiện lộ trình (kéo dài từ tháng 7/2024 đến tháng 1/2029) cắt giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng từ mức tối đa 15% hiện nay xuống 10% vốn tự có của ngân hàng; đối với người có liên quan của khách hàng cũng giảm tối đa từ 25% hiện nay về 15%.

Đặc biệt, thực hiện mức cắt giảm mạnh hơn đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cụ thể như: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng cũng giảm mạnh, từ 25% về tối đa 15% vốn tự có; đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó từ 50% còn tối đa 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Không chỉ phải thực hiện lộ trình cắt giảm tỷ lệ cấp tín dụng, tại Thông tư 09/2024/TT-NHNN vừa được ban hành ngày 28/6/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn quy định chi tiết tổng mức dư nợ cấp tín dụng bao gồm: tổng số dư nợ cho vay, chiết khấu, tái chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, tổng mức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam), các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hạn mức cho vay chưa giải ngân, hạn mức thẻ tín dụng, số dư bảo lãnh ngân hàng, số dư phát hành thư tín dụng, số dư xác nhận thư tín dụng, số dư thương lượng thanh toán thư tín dụng, số dư cam kết hoàn trả thư tín dụng và số dư các khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cấp tín dụng.

Từ những quy định trên, có thể thấy, mục tiêu siết tỷ lệ cung tín dụng nhằm giảm bớt rủi ro cho ngân hàng khi một khách hàng và người có liên quan có những khoản vay quá lớn, cho vay “sân sau”. Đơn cử như trường hợp các “công ty con” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan đã “vẽ ra” để làm hồ sơ vay tại SCB.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, đây là lúc các tổ chức tín dụng phải rà soát lại toàn bộ khách hàng, các khoản cho vay để xem xét cơ cấu lại cho phù hợp, bảo đảm đáp ứng quy định đồng thời đạt được mục tiêu phát triển hoạt động kinh doanh trong trung, dài hạn.

Thêm lực đẩy để thị trường vốn phát triển

Trên thực tế không ít ngân hàng đã tự điều chỉnh, không cấp tín dụng cho một khách hàng theo tỷ lệ tối đa được phép nhằm giảm rủi ro, MB là một thí dụ điển hình. Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB cho biết, hiện tỷ lệ cấp tín dụng của MB đối với một khách là 10% và nhóm khách hàng là 20%, thấp hơn rất nhiều so quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có ngân hàng thương mại cho rằng, việc giảm tỷ lệ cấp tín dụng sẽ khiến các ngân hàng mất đi cơ hội cho vay những khách hàng lớn, những dự án lớn. Trong trường hợp này các ngân hàng sẽ buộc phải chia sẻ cơ hội và lợi nhuận thông qua những khoản cho vay hợp vốn.

Về phía doanh nghiệp, khi tỷ lệ cấp tín dụng giảm họ sẽ phải tính phương án huy động nguồn vốn từ các kênh khác, giảm phụ thuộc vốn tín dụng ngân hàng, nhất là những khoản vay trung, dài hạn. Điều này sẽ khiến thị trường vốn phát triển hơn trong thời gian tới.

Một quy định khác cũng sẽ tác động không nhỏ đến thị trường vốn là quy định mới về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng tại Thông tư số 11/2024/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành từ ngày 12/8/2024: Tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định mới về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Nếu doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án, cam kết, tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn. Trường hợp doanh nghiệp phát hành không mua lại theo cam kết và yêu cầu, tổ chức tín dụng được phép xử lý, thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Vốn đầu tư trong nền kinh tế nói chung vẫn phụ thuộc rất lớn vào vốn tín dụng. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam nhiều năm qua luôn ở mức hơn 100% khiến các tổ chức tài chính quốc tế liên tục đưa ra cảnh báo về những rủi ro an toàn hệ thống. Chính vì vậy, việc thực thi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là một trong những biện pháp quan trọng cho mục tiêu an toàn hệ thống. Trong bối cảnh thị trường biến động phức tạp, khó lường như hiện nay, đây là điều kiện tiên quyết để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể yên tâm thực thi những nhiệm vụ quan trọng khác như: kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối...