Động lực nội sinh cho nền kinh tế

Được dẫn dắt bởi tiêu dùng nội địa gia tăng, sản xuất, xuất khẩu hưởng lợi từ sự chuyển dịch thương mại toàn cầu, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) chất lượng cao và quyết tâm khơi thông vốn đầu tư công của Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan, nền kinh tế của Việt Nam vững vàng bước sang năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Bốc xếp hàng hóa tại cảng tổng hợp Hòa Phát ở Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Trần Nguyên Nghị
Bốc xếp hàng hóa tại cảng tổng hợp Hòa Phát ở Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Trần Nguyên Nghị

Đà phục hồi dần vững chắc

Ngày 20/12, nhóm chuyên gia Ngân hàng HSBC Việt Nam đã công bố nhận định tổng quan về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2024. Theo đó, căng thẳng địa chính trị kéo dài, xu hướng toàn cầu hóa đảo ngược, các kịch bản xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cùng nhiều sự kiện kinh tế-chính trị khác đã khiến bức tranh kinh tế thế giới vốn đã phân hóa lại trở nên ngày càng phức tạp hơn. Với nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng, sau khởi đầu khó khăn trong quý I, bức tranh kinh tế Việt Nam đã tích cực hơn trên nhiều phương diện khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam, tăng trưởng được cải thiện và bất ngờ tăng lên lần lượt 6,9% trong quý II, 7,4% trong quý III. Đà tăng tốc của tiến trình hồi phục kinh tế trong nửa sau năm 2024 được dẫn dắt bởi sản xuất, với mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất ngành công nghiệp, tính chung 11 tháng tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước.

Ông Ngô Đăng Khoa nhận định, kết quả này cũng được củng cố bởi dữ liệu thương mại tích cực, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tính chung 11 tháng tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2023. Sự phục hồi thương mại ban đầu tập trung vào điện tử, trong quý III/2024 đã có dấu hiệu mở rộng khi xuất khẩu hàng dệt may tăng 16,7% so cùng kỳ năm trước.

Về lĩnh vực FDI, Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn này với triển vọng cơ bản tích cực. Đặc biệt, theo thống kê, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI hơn 20 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI hiện hữu tiếp tục đưa ra các cam kết về đầu tư thêm vốn dự án, hỗ trợ năng lực sản xuất đang mở rộng của Việt Nam.

Một động lực khác đến từ việc Chính phủ đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ nhiều lĩnh vực trong nước. Việc cắt giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu, cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ sẽ kéo dài đến cuối năm 2024. Trong suốt năm 2024, Chính phủ cũng đã thể hiện một thái độ quyết liệt trong thúc đẩy đầu tư công, tập trung vào nhiều dự án hạ tầng chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế như: Sân bay quốc tế Long Thành, Đường vành đai số 4… Trong khi đó, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ vẫn mang tính thích ứng để giúp tăng tốc quá trình phục hồi kinh tế, nhằm đưa Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đã đề ra cho năm 2024.

Trước đó, tại hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số-Nhận diện cơ hội”, TS Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, kết quả tăng trưởng năm 2024 có sự bứt phá lớn, với tốc độ tăng ước khoảng 7,04%, lấy lại đà tăng trưởng trước thời kỳ Covid-19.

Những kết quả đạt được trong năm 2024 đã tạo đà để Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Điểm nhấn chính là việc đề ra mục tiêu tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt hơn 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao). Theo đó, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao là những ưu tiên trong điều hành của Chính phủ.

Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới

Theo nhận định của các chuyên gia của HSBC, việc đặt ra kỳ vọng tăng trưởng tích cực nói trên là có cơ sở. Ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm 2024, hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu một cách mạnh mẽ đạt mức hai chữ số, tạo sự lan tỏa tích cực, đồng đều hơn ở các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ...

Với FDI, các chuyên gia của HSBC dự đoán, dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất có khả năng vẫn tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt, với chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Hoa Kỳ đã mở ra triển vọng đầu tư từ nhiều doanh nghiệp điện tử lớn, như: Meta hay Shunsin - một công ty con của Foxconn. Đây là minh chứng cho thấy năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện. Không chỉ riêng sản xuất điện tử mà cả những lĩnh vực giá trị cộng thêm cao cũng đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn như: Google, NVIDIA... Chuyển đổi kép sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho kinh tế Việt Nam.

Một điểm quan trọng nữa trong năm 2025 chính là cần tiếp tục tập trung đầu tư cho hạ tầng, vì đây là một trong nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn FDI chất lượng vào Việt Nam. Năm 2025, kế hoạch vốn đầu tư công được Chính phủ dự kiến ở mức 791 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% so năm 2024. Giải ngân vốn đầu tư công được kỳ vọng đạt khoảng 95% kế hoạch trong năm 2025. Đây sẽ là “bệ phóng” quan trọng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình. Trong khi đó, nêu quan điểm cho rằng hoạt động xuất khẩu tiếp tục là động lực cực kỳ quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam khi bước vào năm 2025, xét thêm về yếu tố cạnh tranh trong xuất khẩu, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng, trong năm 2025, Việt Nam sẽ là “ngôi sao tăng trưởng” trong khu vực ASEAN.

Nếu so các nước ASEAN, theo dự báo mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra vào tháng 10/2024, Việt Nam sẽ tăng trưởng cao nhất khu vực. Nền kinh tế tăng trưởng đồng đều với các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch trên cả ba khu vực: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, xây dựng; khu vực thương mại, dịch vụ.