Với chủ đề “ Doanh nghiệp vươn mình trong Kỷ nguyên Xanh”, Lễ công bố các Doanh nghiệp Bền vững tại Việt Nam 2024 (CSI 2024) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với đầu mối là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam tổ chức tại Hà Nội trong ngày 29/11/2024, đã khép lại hành trình năm thứ 9 liên tiếp nỗ lực, không ngơi nghỉ của công tác tìm kiếm, tuyên truyền, lan tỏa, đánh giá, cổ vũ các doanh nghiệp tham gia chương trình ý nghĩa này.
Đổi mới và phát triển bền vững là xu thế tất yếu
Khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào Kỷ nguyên mới, trong phát biểu khai mạc Lễ công bố, Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Doanh nghiệp Bền vững tại Việt Nam 2024 Phạm Tấn Công nêu rõ, sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã tích lũy đủ thế và lực, đang đứng trước thời cơ bước vào kỷ nguyên mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Để có thể nắm bắt những vận hội mới, bên cạnh việc đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản thì từ phía cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng sản xuất chính, cũng cần có sự đột phá trong chuyển đổi tư duy chiến lược kinh doanh, phát huy nội lực, chủ động đổi mới để chuyển đổi thực hành mô hình kinh doanh nhân văn, sáng tạo, bền vững đóng góp vào tiến bộ, thịnh vượng của xã hội và hạnh phúc của người dân.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Lễ công bố các Doanh nghiệp Bền vững tại Việt Nam 2024. |
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Công, dù đã nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, nhưng đến nay, hơn 30% trong số các mục tiêu này vẫn chưa có tiến triển, thậm chí có những mục tiêu còn thụt lùi so mức cơ sở của năm 2015. Tình trạng mất an ninh lương thực đang đe dọa hơn 2 tỷ người trên toàn cầu, trong khi diện tích rừng nguyên sinh nhiệt đới mất đi hàng năm lên tới 3,7 triệu ha, tương đương 10 sân bóng đá mỗi phút. Đây là những con số đáng báo động, và Việt Nam không đứng ngoài sự ảnh hưởng của những biến đổi này.
Đặc biệt, năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và đối với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng", các “cơn bão thiên nhiên” do biến đổi khí hậu và những “cơn bão bất ổn khủng hoảng tài chính, kinh tế, chiến tranh, xung đột khu vực” đang gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI cho rằng, những “cơn bão tố” này cũng đã làm nổi bật một thực tế mới: Các doanh nghiệp kiên trì thực hiện mô hình sản xuất-kinh doanh bền vững sẽ có khả năng tăng sức chống chịu, thích ứng các thách thức và nắm bắt cơ hội từ quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, Việt Nam cần phải nhanh chóng nắm bắt xu hướng phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số. Những thay đổi về địa chính trị, kinh tế, thương mại, cùng với xu hướng phát triển toàn cầu, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đang tạo ra những thách thức mới. Để phát triển bền vững, các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức và đóng góp vào sự phát triển nhanh chóng và bền vững của đất nước.
Tốp 5 doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính 2024. |
Cải thiện năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ nhằm ghi nhận, biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững, VCCI đã chủ trì tổ chức Chương trình CSI 2024 với sự phối hợp chặt chẽ của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Một trong các căn cứ chính để Hội đồng đánh giá và Ban chỉ đạo Chương trình đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình là Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững 2024 (CSI 2024).
Năm 2024, theo thống kê của Ban tổ chức, Chương trình Doanh nghiệp Bền vững tại Việt Nam 2024 thu hút gần 500 doanh nghiệp trên cả nước, từ các loại hình và quy mô doanh nghiệp khác nhau nộp hồ sơ, qua đó Ban tổ chức đã sơ loại và lựa chọn được 142 hồ sơ để chấm chính thức. Đặc biệt, tham gia Chương trình năm nay, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp mới tham gia lần đầu cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với ba năm gần đây, lần lượt ở mức 62% và 35%. Con số này cho thấy mức độ quan tâm đến phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nước đã có sự cải thiện đáng kể - đây là một tín hiệu đáng mừng phản ánh sự chuyển đổi trong nhận thức và hành động của doanh nghiệp Việt Nam hướng tới việc chuyển đổi và thực hành kinh doanh bền vững.
Các doanh nghiệp tiên phong xây dựng thực hiện giá trị đa dạng, bình đẳng và bao trùm 2024. |
Bên cạnh đó, Bộ chỉ số CSI 2024 cũng ghi nhận những điều chỉnh, cập nhật mới các nội dung liên quan đến cam kết quốc tế và các thay đổi quan trọng trong khung khổ pháp lý trong nước mà doanh nghiệp cần lưu tâm. 153 chỉ số của CSI 2024 bao gồm 62% là các chỉ số tuân thủ, 38% là các chỉ số nâng cao, nhằm đánh giá doanh nghiệp trên các khía cạnh toàn diện: hiệu quả kinh tế-quản trị doanh nghiệp-xã hội-môi trường. Với hầu hết là các chỉ số tuân thủ, điều này thể hiện việc thực hiện phát triển bền vững không khó và xa vời cho doanh nghiệp, mà ngược lại, chỉ cần bảo đảm việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật, doanh nghiệp đã có một nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình CSI 2024 đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố năng lực quản trị công ty bền vững, từ đó góp phần nâng cao “sức mạnh nội tại” để doanh nghiệp có thể hiện thực hóa các chiến lược phát triển bền vững tích hợp trong chiến lược sản xuất-kinh doanh của mình, giúp cải thiện năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh phát động Chương trình CSI năm 2025. |
Đại diện cho VCCI chính thức phát động Chương trình CSI năm 2025, ông Vinh đánh giá, trong chín năm qua, chương trình CSI đã không chỉ giúp các doanh nghiệp nhận diện những giá trị bền vững, mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong các mô hình sản xuất, kinh doanh. Chính nhờ những nỗ lực này mà Việt Nam đang từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Việc áp dụng Bộ chỉ số CSI sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động quản trị công ty bền vững, do đó VCCI sẽ tiếp tục bền bỉ lan tỏa Bộ chỉ số mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp nước nhà.
“Luôn đổi mới sáng tạo để mang đến những giá trị gia tăng mới trong từng hoạt động, sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp chính là động lực để chúng tôi tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm nói chung, cũng như duy trì và nâng tầm Chương trình CSI nói riêng trong tương lai tới đây!”, ông Vinh chia sẻ.