Gỡ điểm nghẽn của logistics Việt Nam

Vai trò, vị trí của logistics trong nền kinh tế quốc dân ngày càng cao song sự phát triển của ngành này chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của đất nước. Thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, và thiếu tính kết nối về hạ tầng là hai “điểm nghẽn” lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành dịch vụ logistics nước ta đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ảnh: Nguyễn Hùng
Ngành dịch vụ logistics nước ta đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ảnh: Nguyễn Hùng

Cơ hội cho ngành logistics phát triển

Qua khảo sát doanh nghiệp logistics, theo Vietnam Report, biến động doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp logistics trong năm 2024 thể hiện sự phục hồi rõ rệt của ngành. Xuất nhập khẩu của Việt Nam đang dần tiệm cận con số 800 tỷ USD, đưa Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất. Đây là cơ hội cho ngành logistics phát triển.

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Trong xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines.

Cho rằng, logistics là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh, ổn định nhất Việt Nam trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định: Sự bùng nổ của thương mại điện tử là động lực cho sự phát triển ngành logistics. Đặc biệt, logistics thương mại điện tử, phát triển nhờ chính sự phát triển của thương mại điện tử, đã tạo ra sự thay đổi của ngành logistics trong việc cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Chia sẻ đánh giá này, ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng ban Logistics cho thương mại điện tử, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) thông tin thêm, các doanh nghiệp logistics đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc gắn kết, kết nối, chia sẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tự xây dựng và tự phát triển công nghệ thông tin để thích ứng và kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài. “Rõ nét nhất là logistics trong thương mại điện tử. Các công ty logistics đã ứng dụng thương mại điện tử để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh.

Về cơ chế chính sách, phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới đây, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các ban, bộ, ngành và các địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics nước ta đã có những bước phát triển khá mạnh, từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế trong khu vực và thế giới.

Tiếp tục đổi mới để vươn xa

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thiếu tính kết nối về hạ tầng là những điểm nghẽn lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua.

Đặc biệt, hoạt động vận tải biển trong nước chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tình hình vận tải biển trên thế giới, khiến cho giá cước tăng cao và thay đổi hằng tuần, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp logistics đã phải hướng đến mục tiêu tối ưu hóa vận tải đa phương thức, thay vì một phương thức như trước đây.

Những biến đổi về địa chính trị và các xu hướng kinh doanh mới cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng. Hiện nay, lợi thế của Việt Nam là có thị trường sôi động về sản xuất, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, lợi thế này không chỉ dành cho các doanh nghiệp logistics trong nước mà các doanh nghiệp logistics nước ngoài cũng sẵn sàng có mặt. Họ có nguồn lực tài chính đầu tư ban đầu mạnh, lại biết cách khai thác các điểm yếu của doanh nghiệp trong nước, từ đó, tạo lợi thế cạnh tranh. Mặt khác, hạ tầng logistics nội địa gặp khó khăn trong việc kết hợp giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt, đường hàng không.

Cũng tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những điểm nghẽn liên quan phát triển ngành. Đó là nhận thức đã có nhưng chưa tới, nhất là vai trò, vị trí, tầm quan trọng của logistics, vị trí và vai trò của đất nước trong trung chuyển hàng hóa thế giới. Quy mô ngành logistics còn thấp so quy mô nền kinh tế và yêu cầu phát triển logistics của thế giới; nhân lực quản lý nhà nước về logistics còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; mối liên kết giữa các phương thức vận tải với kho bãi còn thiếu, đặc biệt là kho bãi trong nội địa; hạ tầng logistics còn lạc hậu...

Theo Thủ tướng, mọi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, mọi động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, mọi sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Chính vì vậy, trong thời gian tới, quy mô thương mại thế giới ngày càng phát triển, Việt Nam không thể không hội nhập nên cần đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển theo xu thế của thế giới. Logistics là phương tiện để thực hiện mục tiêu này.

Năm 2024, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng thuộc Top 10 thị trường logistics mới nổi; Top 4 thế giới về Chỉ số cơ hội logistics và Top 43 về Chỉ số Hiệu quả Logistics.